Nông thôn Sơn La khởi sắc: Nông nghiệp gắn với du lịch

Hiện nay, người dân các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn... của tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh trồng dâu tây. Đây không chỉ là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà các khu vườn trồng dâu tây còn trở thành địa điểm thú vị để thu hút khách du lịch đến mua sản phẩm, thưởng thức, tham quan...

Nhận thấy tiềm năng từ dâu tây, từ chủ trương thúc đẩy phát triển SX để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu căn bản của Chương trình MTQG xây dựng NTM, từ chỗ chỉ có ít hộ dân trồng dâu tây, đến nay cây dâu tây đã được trồng rộng rãi, với quy mô lớn, tập trung tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn.

Anh Tài vui mừng bên thành quả của mình.

Đến nay, Mộc Châu có 4 xã là Mường Sang, Chiềng Sơn, Đông Sang và Phiêng Luông đạt chuẩn NTM; 7 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 2 xã còn lại đạt từ 5-9 tiêu chí. Cùng với việc duy trì và giữ vững 4 xã đạt chuẩn NTM, năm 2019, huyện Mộc Châu tiếp tục phấn đấu xây dựng 2 xã Chiềng Hắc và Tân Lập đạt chuẩn.

Mộc Châu đã trở thành thủ phủ dâu tây của Sơn La. Với khí hậu luôn mét mẻ, dâu tây trồng ở Mộc Châu có chất lượng tốt hơn các nơi khác. Đến nay, toàn huyện có 6 DN, HTX và hàng trăm hộ trồng dâu tây.

Ở xã Đông Sang, dâu tây không chỉ là cây mang lại thu nhập cao cho người dân mà những cánh đồng trồng dâu tây còn trở thành địa điểm du lịch lý tưởng với du khách. Người nông dân, không chỉ SX giỏi mà họ còn là hướng dẫn viên du lịch với mức thu nhập khá, lại ổn định.

Theo người dân cho biết, vài năm trở lại đây, đã có nhiều DN, chủ trang trại, hộ cá thể đầu tư vào trồng dâu tây kết hợp làm du lịch. Nhờ vậy, bộ mặt NTM của Đông Sang như được khoác thêm chiếc áo mới: Cuộc sống sôi động, ấm no, hạnh phúc.

Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đông Sang đánh giá: “Dâu tây ở xã Đông Sang đang phát triển mạnh, phục vụ người tiêu dùng và khách du lịch. Xã xác định cây dâu tây là mô hình nông nghiệp điển hình, nên đưa vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCCOP) của xã.

Cái hay là, dâu tây trồng được trên đất dốc, tận dụng được đất đai, tạo nên những triền dâu tây đẹp mê hồn để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của dây tây lại cao hơn nhiều các loại cây trồng khác. Nguồn vốn đầu tư thì không nhiều”.

Du khách cảm thấy thú vị và mới lạ khi được tự tay hái những trái dâu tây tại vườn.

Điển hình cho mô hình trồng dâu tây kết hợp làm du lịch là vườn dâu tây của anh Trần Tuấn Tài, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang. Trang trại dâu tây của anh rộng tới 6.000m2. Anh Tài đã nhập giống từ Nhật Bản và thực hiện quy trình SX dâu tây của Nhật Bản theo hướng sạch, an toàn. Vào cuối tuần, trang trại của anh luôn nhộn nhịp khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Anh Tài cho biết: “Tôi bắt đầu trồng dâu tây theo hướng an toàn từ năm 2018. Mọi khâu từ làm đất, chăm sóc cho đến thu hoạch đều đảm bảo, không sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn nhất cho người tiêu dùng. Mặt khác, tôi thiết kế trại dâu tây khá lạ, lắng đọng để phục vụ khách du lịch. Mỗi khi du khách đến thăm, trở về họ đều không thể quên được trang trại dâu tây của tôi”.

Nhu cầu của khách hàng về quả dâu tây hiện nay rất cao. SX ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vào đầu vụ, dâu to và đẹp, giá khoảng 300.000 đồng/kg, cuối vụ sẽ giảm chút ít, xuống còn 250.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị tại Hà Nội.

“Trại dâu tây của anh Tài là một điển hình làm kinh tế kết hợp với du lịch. Hiện nay, có nhiều bà con các tỉnh, thành như Điện Biên, Cao Bằng ... đã về học tập để làm theo. Sản phẩm dâu tây của anh Tài bán ra thị trường đảm bảo sạch, an toàn. Vì thế, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các Cty, DN, người dân về thuê, đấu thầu đất, sử dụng nhân lực, cơ sở hạ tầng… để phát triển cây dâu tây trở thành sản phẩm truyền thống tiêu biểu của Đông Giang. Để sau này, nói đến dâu tây là nói đến Đông Giang”, ông Phạm Văn Giang – Chủ tịch UBND xã Đông Giang.

Theo HƯNG GIANG –TRẦN HỒ/nongnghiep.vn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nong-thon-son-la-khoi-sac-nong-nghiep-gan-voi-du-lich.html