Nông thủy sản vào Nga: Khó vì nhiều rào cản... lạ với thông lệ

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ đã có đánh giá như vậy tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – Đông Âu do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 8/5.

Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm gần 20% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao vào thị trường Nga. Về phía Nga, các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có sức tăng trưởng mạnh gồm phân bón, lúa mì.

Các mặt hàng nông thủy sản nhiệt đới trong nước khó thâm nhập vào thị trường Nga. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các mặt hàng nông thủy sản nhiệt đới trong nước khó thâm nhập vào thị trường Nga. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo bà Ngọc, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản nhiệt đới có nhiều tiềm năng và đang có mức tăng đột biến năm 2017. Tuy nhiên từ năm 2018, nông nghiệp của Nga phát triển tốt, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đạt hơn 20% (đạt gần 26 tỷ USD).

Chính phủ Nga cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển các tổ hợp công nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với vấn đề về tỷ giá hối đoái có thể là những lý do khiến tăng trưởng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga có phần bị chững lại. “Việc thanh toán bằng đồng USD gặp khó khăn do biến động tỷ giá giữa đồng Rúp của Liên bang Nga và đồng USD của Hoa Kỳ”, bà Ngọc nhận định.

Chia sẻ cụ thể hơn về thị trường này, bà Ngọc cho biết các rào cản phi thuế quan như quy định về vệ sinh ATTP, quy định về kiểm dịch chất lượng... mà Nga đang áp dụng đối với hàng nông thủy sản của Việt Nam (gạo, rau, quả, thủy sản...) tương đối chặt chẽ; thậm chí chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, dẫn đến việc hàng hóa khó thâm nhập vào thị trường này.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin giữa cơ quan NAFIQAD (thuộc Bộ NNPTNT) và Cơ quan liên bang về giám sát thú y và kiểm dịch thực vật Liên Bang Nga (Rosselkhornadzor) thường chậm trễ. Cơ chế trao đổi thông tin về cảnh báo ATTP, cập nhật danh sách được phép xuất khẩu, quy định danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn… của phía nước bạn chưa minh bạch và kịp thời.

Cơ quan thương mại Nga lưu ý các nhà xuất khẩu Việt Nam về mặt hàng thủy sản. Ảnh: Thuận Hải

Ngay tại thị trường này, hàng Việt cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt (về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển...) với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,...

Theo ông D. Makarov - Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, tổng xuất khẩu của nước Nga vào Việt Nam vẫn tăng nhanh (29%), trong khi sự tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Nga xuống từ 35% vào năm 2017 đến 9% vào năm 2018.

Tỷ lệ xuất khẩu nông sản tuy vẫn giữ nguyên nhưng riêng thủy sản mất 10% kim ngạch. Sự mất mát xuất khẩu thủy sản được bù đắp bằng trái cây tươi mà thời gian gần đây vào thị trường Nga với sản lượng khá nhiều.

Về thủy sản xuất khẩu, ông D. Makarov muốn các nhà sản xuất Việt Nam lưu ý đến nguyên liệu làm thức ăn thủy sản. Nước Nga có nguồn thiên nhiên rất lớn, nhất là nguồn thức ăn Artemia và có thể cung cấp với giá cả hợp lý. Từ đó giúp giảm giá thành thủy sản Việt Nam rồi tăng trưởng xuất khẩu ngược lại vào Nga.

Nông sản Việt cần cải thiện chất lượng và quảng bá nhiều hơn vào Nga cũng như Đông Âu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đánh giá chung về thị trường Nga và khối các nước Đông Âu, bà Ngọc cho rằng khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng, có mức phát triển GDP trung bình tương đối cao, các mặt hàng tiêu dùng ở đây không có nhiều các tiêu chuẩn khắt khe nhưng các nước Tây Âu.

Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường này còn chưa ổn định. “Đặc biệt là đối với mặt hàng gạo, thủy sản và chè là những mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá… để thâm nhập tốt hơn vào các thị trường này”, bà Ngọc chia sẻ.

Đồng tình, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết khu vực Đông Âu từ lâu vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam.

Mặc dù giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành cơ sở vững chắc để phát triển hợp tác song phương tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với khối Đông Âu vẫn còn rất khiêm tốn, mới đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm 2018, tức là mới chiếm khoảng gần 3% xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam với khối Đông Âu vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Do vậy, Bộ Công Thương luôn mong muốn tổ chức thường xuyên các hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và Đông Âu, coi đây là cầu nối quan trọng để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh là hàng dệt may, da giày, nông sản, sang khu vực này”, ông Vượng chia sẻ.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu đạt 10,1 tỷ USD (tăng 30,53% so với năm 2017), trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (tăng 28,67%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng gần 33,97%).

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/nong-thuy-san-vao-nga-kho-vi-nhieu-rao-can-la-voi-thong-le-978025.html