'Nóng' tình trạng buôn pháo nổ những ngày cận Tết

Liên tiếp các vụ vận chuyển pháo nổ với số lượng lớn bị phát hiện trong thời gian vừa qua cho thấy sự phức tạp khi dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần

"Nóng" vì pháo nổ

Càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các loại pháo nổ càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ số lượng lớn mặt hàng cấm này.

Tối 17/01/2021, tổ công tác của Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Quốc lộ 2 – Võ Văn Kiệt, phát hiện xe ô tô bán tải mang BKS 11C-045.70 có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính. Khi mở nắp thùng xe tổ công tác phát hiện nhiều thùng carton bên trong có chứa 139 hộp pháo nổ có khối lượng 194 kg.

Lực lượng CSGT phát hiện trường hợp vận chuyển gần 200kg pháo (Ảnh: CA).

Lực lượng CSGT phát hiện trường hợp vận chuyển gần 200kg pháo (Ảnh: CA).

Đấu tranh khai thác, lái xe khai nhận chở thuê số pháo này với giá 10 triệu đồng từ Cao Bằng về Hòa Bình. Danh tính người này được xác định là Lý Minh Giang (SN 2002, trú tại: Vĩnh Quang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng Đào Mạnh Phong (SN 1977, trú tại Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), Vi Hồng Giáp (SN 1984, trú tại Thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), Phạm Bá Dũng (SN 1987, trú tại Đông Kinh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra về hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ.

Theo đó, khoảng 23h40’ ngày 14/01/2021, tổ công tác của Đại đội 3, Tiểu đoàn CSCĐ số 2 (Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP. Hà Nội) khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên địa bàn phát hiện 01 chiếc xe ô tô có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Số pháo nổ có khối lượng khoảng 250kg bị lực lượng chức năng phát hiện.

Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 10 thùng pháo, mỗi thùng có 18 dàn pháo nổ, có khối lượng khoảng 250 kg. Đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận được thuê vận chuyển pháo từ Bắc Ninh về Hà Nội. Tổ công tác đã bàn giao đối tượng và tang vật cho Công an huyện Gia Lâm để tiếp tục đấu tranh, làm rõ.

Mở rộng điều tra, rạng sáng ngày 15/01/2021, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Gia Lâm đã bắt giữ Vi Hồng Giáp và Phạm Bá Dũng là chủ số pháo trên. Các đối tượng khai nhận đã mua số pháo trên từ Lạng Sơn với giá 7,2 triệu đồng/thùng rồi vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Trung Kiên (SN 1992, trú tại Hợp Đức, Tân Yên, Bắc Giang) và Hà Đức Thương (SN 1990; trú tại Gia Trung, Gia Viễn, Ninh Bình) về tội Buôn bán hàng cấm.

Hai đối tượng bị khởi tố vì hành vi buôn bán hàng cấm là pháo nổ (Ảnh: CA).

Khoảng 20h ngày 20/12/2020, Công an quận Nam Từ Liêm tiến hành kiểm tra phòng trọ của Hà Đức Thương tại tổ dân phố 13 Nhân Mỹ (Phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và phát hiện 02 thùng các tông chứa tổng số 31 khối hình hộp có khối lượng 42,99 kg nghi là pháo nổ.

Đấu tranh khai thác, Thương khai nhận khoảng đầu tháng 12/2020, qua mạng xã hội Facebook, Thương được giới thiệu mua pháo của Nguyễn Trung Kiên.

Sau đó, Thương đã liên hệ và trực tiếp mua pháo của Kiên 02 lần để bán lại cho khách kiếm lời. Lần đầu vào ngày 14/12/2020, Thương thuê xe ô tô lên Bắc Giang gặp Kiên mua 26 hộp pháo loại 36 quả và đã bán hết cho khách.

Lần 2, vào ngày 20/12/2020, Thương gặp Kiên mua 31 hộp pháo loại 36 quả, Thương đã mang 02 thùng các tông pháo về cất giấu tại phòng trọ. Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà Kiên, Công an quận Nam Từ Liêm thu giữ 01 hộp pháo.

Diễn biến phức tạp

Trước đó, ngày 31/12/2020, CATP Hà Nội tổ chức Lễ Ra quân triển khai đợt cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Dự báo từ nay đến tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021, tình hình còn diễn biến phức tạp, để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an Thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển số lượng lớn pháo nổ (Ảnh: CA).

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 10.000.000 đồng theo Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, theo điểm d, khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP năm 2013 quy định thì hành vi buôn bán pháo có thể bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

"Trường hợp buôn lậu pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm theo quy định tại điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển các loại pháo càng trở nên "nóng" hơn (Ảnh: CA)

Chuyên gia pháp lý này cho biết, hành vi đốt pháo nổ trái phép mà gây cháy nổ, thì có thể bị xử lý về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Nếu đốt pháo nổ trái phép gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội thì còn có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;

b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nong-tinh-trang-buon-phao-no-nhung-ngay-can-tet-d165985.html