Nóng trên mạng xã hội: Phẫn nộ chủ tra tấn người giúp việc

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ cô gái 23 tuổi, ở xã Đắk Pet, H.Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) bị chủ nhà hành hạ, đánh đập dã man.

Ảnh trên mạng xã hội

Tiếp xúc với một số người tại bệnh viện, nạn nhân ngồi nép sau lưng mẹ (ảnh 1), tinh thần còn rất hoảng loạn khi nhớ lại chuỗi ngày tủi nhục và đau đớn lúc giúp việc cho bà Nguyễn Thị Hà ở P.Thống Nhất (Gia Lai). Nhìn thấy cảnh đau lòng này, dân mạng một mặt thương cảm cho số phận của cô gái tội nghiệp, một mặt bày tỏ phẫn nộ về hành vi tàn bạo của chủ nhà.

Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa vết thương nhiễm trùng vùng ngực, bụng, tai, mu bàn tay trái, gãy hở 3 đốt ngón tay, gãy 3 chiếc răng, rạn mỏm cùng vai trái và đặc biệt có di chứng thương tích toàn thân với nhiều vết sẹo và bỏng. Facebooker bình luận: “Không thể tưởng tượng nổi trên đời này lại tồn tại kẻ ác độc như vậy. Mong cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra xử lý thích đáng”.

Thông tin mới nhất, theo PV Thanh Niên, hôm qua cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi ở của bà Hà để phục vụ điều tra, đồng thời truy bắt một nghi can “đồng phạm” tra tấn nạn nhân.

Sống chung với... lũ!

“Một góc nhìn khác mùa nước lũ” là status mở đầu cho hàng loạt những bức ảnh được dân mạng cóp nhặt đó đây, tuy còn gây tranh cãi, nhưng ai nhìn vào cũng cảm thấy mưa lũ dù khắc nghiệt vẫn không quật ngã được con người, thậm qua đó mọi người... gắn kết nhau hơn. Theo tường thuật của một số tài khoản, sau 2 ngày mưa lũ, khoảng 500 m tuyến đường huyết mạch nối từ TT.Quốc Oai đến các xã thuộc H.Quốc Oai (Hà Nội) ngập sâu. Người dân các làng ở xã Cấn Hữu và TT.Quốc Oai đổ ra đường 421B "sống chung" với lũ, khiến khu vực này tấp nập như bãi biển (ảnh 2). Những Facebooker có mặt tại hiện trường thì cho biết không khí tại đó thật náo nhiệt.

Tuy nhiên, nhiều Facebooker ngồi nhà xem hình thì “chặc lưỡi” lo ngại: “Tắm nước này xong về nhà có khi bị hắc lào, lang ben, mụn nhọt, mẩn ngứa, đau mắt đỏ không chừng. Bởi nước mưa ở thành phố thì thường hòa trộn cùng nước thải từ cống rãnh”. Một số khác tâm tư: “Ở thành phố lâu lâu thấy lũ có thể vậy, chứ về quê xem người ta mất bò, mất lợn, mất gà, cá từ ao nuôi trào ra sông thì còn vui với lũ được không?”.

Cẩm Nhung

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nong-tren-mang-xa-hoi-phan-no-chu-tra-tan-nguoi-giup-viec-986150.html