Nóng trong tuần: Đảo chính ở Gabon; mưa bão dồn dập tấn công nhiều nước

Trong tuần qua, thế giới nổi lên các sự kiện đáng chú ý như quân đội Gabon tuyên bố đảo chính; Nga - Ukraine tăng cường sử dụng UAV tấn công nhau; và các cơn bão mạnh gây thiệt hại ở nhiều nước.

Làn sóng đảo chính lan đến Gabon

Nhóm sĩ quan quân đội Gabon tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử và chấm dứt chính quyền đương thời. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần qua, châu Phi tiếp tục chấn động bởi một cuộc đảo chính thứ 2 chỉ trong một tháng. Ngày 30/8, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao của Gabon đã xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố họ lên nắm quyền, quản thúc Tổng thống Ali Bongo và chỉ định một nhà lãnh đạo mới. Sự việc xảy ra sau khi cơ quan bầu cử của quốc gia Trung Phi này tuyên bố ông Bongo đã đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Các quan chức quân sự Gabon, tự gọi mình là Ủy ban Chuyển đổi và Phục hồi Thể chế, cho biết đất nước đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội" và tuyên bố kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 26/8 là không đáng tin cậy.

Các sĩ quan quân đội cho biết kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ, biên giới bị đóng cửa hoàn toàn cho đến khi có thông báo mới và các cơ quan nhà nước bị giải thể. Chỉ trong vòng vài giờ, các tướng lĩnh đã họp để thảo luận xem ai sẽ lãnh đạo quá trình chuyển đổi và nhất trí bỏ phiếu bổ nhiệm Tướng Brice Oligui Nguema, cựu lãnh đạo lực lượng bảo vệ tổng thống.

Lực lượng quân sự cũng đã bắt giữ con trai của Tổng thống là Noureddin Bongo Valentin và những người khác vì tội tham nhũng và phản quốc.

Về phần mình, từ nơi bị giam giữ, Tổng thống Bongo đã kêu gọi các đồng minh nước ngoài giúp đỡ qua một video đăng trên mạng xã hội.

Phản ứng trước cuộc binh biến tại Gabon, Pháp tuyên bố ngừng hợp tác quân sự với nước này. Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) cho biết đã quyết định đình chỉ ngay lập tức tư cách thành viên của Gabon sau cuộc đảo chính quân sự.

Tổng thống Cộng hòa Congo, ông Denis Sassou Nguesso và người đồng cấp Angola, ông Joao Manuel Gonçalves Lourenço ngày 31/8 đã lên án mạnh mẽ việc quân đội nằm quyền lãnh đạo Gabon và kêu gọi đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ondimba cũng như người thân của ông. Trong khi đó, Chính phủ Cameroon lên án sự thay đổi vi hiến ở Gabon sau cuộc đảo chính quân sự.

Các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những biến cố đang xảy ra ở Gabon. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kiên quyết lên án nỗ lực đảo chính đang diễn ra, đồng thời tái khẳng định lập trường phản đối mạnh mẽ đối với các cuộc đảo chính quân sự.

Diễn biến ở Gabon là cuộc đảo chính thứ 8 chỉ trong vòng 3 năm tại châu Phi. Trước đó, quân đội cũng đã lên nắm quyền ở Mali, Guinea, Burkina Faso và Chad, xóa bỏ những thành tựu dân chủ kể từ những năm 1990 và gây quan ngại cho các cường quốc nước ngoài có lợi ích chiến lược trong khu vực.

Đấu trường UAV giữa Nga và Ukraine ‘tăng nhiệt’

Một đám cháy lớn bốc lên ở Pskov ngày 30/8. Ảnh: AP

Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/9 cho biết các lực lượng Nga đã phá hủy tổng cộng 281 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong tuần, qua trong đó có 29 UAV ở khu vực phía Tây nước Nga.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào sâu trong nước Nga đã gia tăng kể từ khi 2 máy bay không người lái bị phá hủy trên Điện Kremlin vào đầu tháng 5. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thủ đô của Nga ngày càng trở nên phổ biến trong những tháng gần đây.

Cùng ngày, theo đài truyền hình RT, các quan chức Nga cho biết UAV của Ukraine đã tấn công thành phố Kurchatov ở phía Tây nước Nga, nơi đặt một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất, nhưng không có báo cáo nào về thiệt hại đối với nhà máy. Ban quản lý Nhà máy điện hạt nhân Kursk tuyên bố cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Kurchatov không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy. Cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, bức xạ nền xung quanh nhà máy vẫn ở mức tự nhiên.

Trước đó 2 ngày, một cuộc tấn công bằng UAV vào sân bay Pskov ở miền Tây Bắc nước Nga cũng làm hư hỏng 4 máy bay vận tải IL-76 của Nga.

Từ trước đến nay, phía Ukraine rất ít khi công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Nhưng trên mạng xã hội ngày 1/9, Giám đốc Cơ quan Tình báo Ukraine Kyrylo Budanov nêu rõ: "Các máy bay không người lái dùng để tấn công căn cứ không quân 'Kresty' ở Pskov được phóng từ bên trong lãnh thổ Nga. 4 máy bay vận tải quân sự IL-76 của Nga đã bị trúng đạn sau cuộc tấn công. 2 máy bay bị phá hủy và 2 chiếc bị hư hỏng nghiêm trọng".

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết các chuyên gia quân sự Nga đang nỗ lực tìm ra những tuyến đường mà máy bay không người lái sử dụng để ngăn chặn những tình huống như vậy trong tương lai.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những tuyên bố liên quan của Giám đốc tình báo Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã từ chối bình luận và thay vào đó chuyển câu hỏi cho Bộ Quốc phòng Nga.

Bão mạnh tấn công nhiều nước

Người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt do bão Idalia tại Tarpon Springs, bang Florida, Mỹ ngày 30/8/2023. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong khi bão Idalia tấn công khu vực Đông Nam nước Mỹ gây ngập lụt và mất điện trên diện rộng thì cơn bão siêu mạnh giật cấp 17 Saola đã đổ bộ vào Quảng Đông (Trung Quốc).

Ngày 30/8, chính phủ Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại bang Florida do tác động của bão Idalia, đồng thời điều động 68 nhân viên khẩn cấp tới đây.

Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, bão Idalia với tốc độ gió tối đa 215 km/h đã gây mưa lớn khi quét qua khu vực Big Bend của Florida. Bão Idalia được xếp ở mức 3 đặc biệt nguy hiểm và có thể gây ra các đợt sóng cao tới 5m tại một số khu vực ven biển.

Không chỉ Florida, bão Idalia còn gây ngập lụt tại nhiều khu vực, và khiến trên 370.000 người tại các bang Florida và Georgia rơi vào cảnh mất điện. Hơn 1.000 chuyến bay trên khắp nước Mỹ đã bị hủy trong khi 2.000 chuyến bay khác bị hoãn do bão.

Khoảng 5.500 thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được huy động tham gia cứu hộ, cứu nạn, trong khi 30.000 đến 40.000 nhân viên các công ty điện lực cũng được yêu cầu sẵn sàng ứng phó tình huống khẩn cấp.

Tại châu Á, các nước ven biển cũng đang nín thở trước đường đi khó lường của siêu bão Saola. Sáng 31/8, Trung Quốc phát cảnh báo bão màu đỏ, mức cảnh báo cao nhất, khi bão Saola tiến gần vùng duyên hải Đông Nam nước này, đe dọa trực tiếp khu hành chính đặc biệt Hong Kong và tỉnh Quảng Đông. Đến sáng 2/9, cơn bão Saola đã đổ bộ vào thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông với tốc độ gió tối đa vùng gần tâm bão lên tới 42-46 m/s.

Trên 780.000 người ở Quảng Đông đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm. Tất cả 80.000 tàu đánh cá của tỉnh này quay trở lại cảng để trú ẩn và 13 thành phố trên toàn tỉnh phải hoãn ngày đầu học kỳ mùa Thu của các cấp học. Dự kiến bão Saola sẽ suy yếu dần khi di chuyển theo hướng Tây Nam dọc theo bờ biển tỉnh Quảng Đông, với tốc độ 15-20 km/h.

Giới khoa học chỉ ra các hình thái thời tiết cực đoan đang gia tăng rõ rệt trên toàn cầu. Các cơn bão dữ dội sẽ trở thành một phần trạng thái "bình thường mới" đối với nhiều nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực thúc đẩy khả năng ứng phó và ngăn ngừa thiên tai trong tương lai.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-dao-chinh-o-gabon-mua-bao-don-dap-tan-cong-nhieu-nuoc-20230902140102337.htm