'Nóng' vấn đề Nga và U-crai-na tại hội nghị thượng đỉnh NATO

Trong hai ngày 4 và 5-9, tại xứ Uên (Vương quốc Anh) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặc dù nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề nội khối, song vấn đề U-crai-na, nước chưa thuộc NATO, và các đối sách với Nga đã làm 'nóng' không khí tại hội nghị.

An ninh được thắt chặt bên ngoài lâu đài Các-đíp ở xứ Uên, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO. (Ảnh: AP)

Hội nghị, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ hơn 60 quốc gia để thảo luận các chủ đề liên quan đến Nga, như quan hệ NATO-Nga, cũng như việc thắt chặt quan hệ với U-crai-na và tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh. Chủ đề thảo luận của hội nghị lần này cũng tập trung vào “sự phát triển các quan hệ đối tác” của NATO với các nước phi thành viên và “bài tường thuật cho kỷ nguyên hậu 2014” về mối liên hệ giữa sự tồn tại của NATO trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh với tương lai của nó sau khi các lực lượng của Mỹ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm nay.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và NATO xấu đi nghiêm trọng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na hiện nay. Cho đến nay, phần lớn các nước thành viên NATO đều ủng hộ các biện pháp chống lại Mát-xcơ-va. Trong tuyên bố chung đăng trên tờ "Thời Đại" ngày 4-9, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn đã cam kết cùng ủng hộ Ukraine chống lại Nga. Hai nhà lãnh đạo cũng hối thúc các thành viên của NATO đạt mục tiêu chi ít nhất 2% GDP vào chi tiêu quân sự nhằm thể hiện "quyết tâm tập thể của NATO mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Trong khi đó, Tổng thống Ê-xtô-ni-a Tô-mát Hen-đrích In-vét mong muốn NATO thiết lập các căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ nước này. Những căn cứ quân sự này sẽ bảo vệ Ê-xtô-ni-a và giảm bớt lo ngại rằng sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine, quốc gia vùng Ban-tích này cũng sẽ bị biến thành khu vực xung đột.

Trước đó Tổng thư ký NATO A. Ra-xmút-xen cho hay, nhằm đối phó với nguy cơ tấn công từ Nga, NATO sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh, bao gồm hàng nghìn binh sĩ được các nước thành viên đóng góp theo cơ chế luân phiên, do không quân và hải quân yểm trợ. Đây sẽ là lực lượng mũi nhọn để NATO có thể triển khai trong vòng hai đến ba ngày tại bất kỳ vị trí nào trong lãnh thổ của các nước đồng minh bị đe dọa.

Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không đóng tại một căn cứ thường xuyên vì điều này trái với Biên bản hợp tác NATO-Nga. Ông A. Ra-xmút-xen nhấn mạnh NATO không muốn tấn công bất kỳ nước nào, nhưng những nguy cơ và mối đe dọa ngày càng hiện hữu rõ ràng khiến NATO phải hành động để bảo vệ các nước thành viên của mình.

Việc NATO tăng cường các hoạt động chống lại Nga buộc Nga phải điều chỉnh Học thuyết quân sự. Trong một tuyên bố ngày 2-9, Phó thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Mi-khai-in Pô-pốp khẳng định việc các nước thành viên NATO đưa các trang thiết bị quân sự tới gần biên giới của Nga, cũng như kế hoạch mở rộng biên giới NATO được coi là "một trong những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài đối với Nga". Và Mát-xcơ-va sẽ thay đổi Học thuyết quân sự quốc gia của mình xuất phát từ những đe dọa ấy theo hướng đề cao thay thế nhập khẩu trong lĩnh vực quốc phòng.

Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng cáo buộc Mỹ và các nước thành viên NATO đang ngày càng lộ rõ tham vọng tăng cường tiềm lực tấn công chiến lược, như xúc tiến phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) toàn cầu, thông qua quan điểm chiến lược mới về sử dụng quân đội, chế tạo các phương tiện hoàn toàn mới trong chiến đấu vũ trang, trong đó có vũ khí siêu thanh.

Sự đối đầu giữa Nga và NATO khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bóng ma “Chiến tranh Lạnh” sẽ tái hiện. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun đã đề nghị các bên cần bình tĩnh để tìm ra một giải pháp hòa bình bền vững cho U-crai-na cũng như mối quan hệ Nga-NATO.

Tùng Lâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nong-van-de-nga-va-u-crai-na-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-nato/