Nord Stream-2: Chiêu độc Kiev, buộc cả Nga-Mỹ-Đức vào lợi ích Ukraine

Kiev buộc Đức ngay từ lúc này phải là chỗ dựa cho Ukraine trong đàm phán với Nga, bảo vệ quyền lợi của Ukraine với tư cách là nước trung chuyển...

Thỏa thuận Mỹ-Đức về Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 được ký kết đã khiến cho Ukraine rất thất vọng. Đối với Kiev, Nord Stream-2 gần như là việc đã rồi, dù tại Mỹ vấn đề này vẫn tạo những trở ngại cho chính quyền Tổng thống Biden.

Vấn đề còn lại bây giờ với Kiev là xúc tiến việc đàm phán để gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine. Theo Washington và Berlin, thì Kiev nên xúc tiến các cuộc tham vấn về vấn đề này càng sớm càng tốt và không muộn hơn ngày 1/9.

Không phải đợi lâu, ngay sau khi thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 được công bố, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã gửi bản tài liệu tham vấn gồm trang 2.135 trang đến Ủy ban Châu Âu và chính phủ Đức.

Theo Politico, qua động thái này, Kiev muốn chứng tỏ Ukraine có thể đứng vững để sẵn sàng từ chối các điều khoản của Thỏa thuận về Nord Stream-2. Tuy nhiên, mục đích thực sự của Kiev là gia tăng sự đảm bảo cả về tài chính và an ninh cho Ukraine.

Như vậy, dù không thể ngăn chặn Dự án Nord Stream-2 về đích và vận hành, nhưng Kiev quyết không để Ukraine bị những người "anh em xa" dễ dàng qua mặt và đồng thời qua đó cũng muốn dằn mặt Moscow.

Động thái của chính quyền Ukraine nhiệm kỳ 2 thời hậu EuroMaidan được xem là một chiêu độc, vốn cũng đã được đề xuất bởi chính quyền tiền nhiệm nhưng bị các "anh em xa" cho vào quên lãng, nay dường như đã có cơ hội đắc dụng.

Nord Stream-2 là chuyện đã rồi với Kiev

Nord Stream-2 là chuyện đã rồi với Kiev

Thứ nhất, Kiev yêu cầu một cách tiếp cận mới về vấn đề trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine, xây dựng cơ chế mà ở đó đảm bảo cho Ukraine điều tiết cả người mua và người bán.

Đó là Ukraine đề xuất chuyển điểm đo lường khí đốt Nga từ biên giới phía Tây sang biên giới phía Đông của Ukraine và khách hàng Châu Âu phải xác định dung lượng khí đốt qua đường ống ngay từ bây giờ chứ không phải sau năm 2024.

Điều này từng được cựu Tổng thống Petro Poroshenko đưa ra hồi tháng 9/2017 với tuyên bố rằng, cần thiết phải thay đổi việc tổ chức trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang EU sau năm 2019.

Theo vị tổng thống đầu tiên của Ukraine thời hậu EuroMaidan thì khách hàng Châu Âu phải nhận khí đốt của Nga không ở trên biên giới phía Tây của Ukraine, mà trên ranh giới phía Đông của lãnh thổ nước này.

Ngày 23/10/2017, Phó Thủ tướng Ukraine Vladimir Kistion khi đó một lần nữa nêu lại đề xuất này và cho biết đó là điều kiện tiên quyết để Ukraine xem xét việc có thể quay lại mua khí đốt từ Nga, dù điều này có vẻ rất ất ơ.

Giới phân tích cho rằng, việc Kiev đề xuất chuyển điểm đo lường khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine là bắn 1 mũi tên trúng 2 đích, qua đó vừa làm thay đổi vị thế của Kiev, vừa mang lại lợi ích cho Ukraine.

Do điểm đo đường khí đốt Nga bán cho EU nằm tại biên giới phía Tây Ukraine nên Moscow và Kiev cùng kiểm soát đường ống dẫn khí đốt Nga quá cảnh Ukraine và khi có xung đột chính trị thì vấn đề trở nên phức tạp.

Nhưng nếu chuyển điểm đo lường khí đốt Nga cung cấp cho EU sang biên giới phía Đông Ukraine, khi đó Ukraine có toàn quyền kiểm soát đường ống dẫn khí đốt Nga quá cảnh Ukraine. Xung đột Nga-Ukraine sẽ bị miễn nhiễm.

Việc mua bán khí đốt giữa Nga với EU vẫn diễn ra bình thường, khí đốt Nga vẫn trung chuyển qua Ukraine, phí trung chuyển vẫn thuộc về Ukraine. Tuy nhiên, lúc này Nga và EU phải lệ thuộc cán cân lợi ích của Kiev.

Nhưng điều đáng chú ý là với việc chuyển điểm đo lường khí đốt từ Tây sang Đông sẽ giúp cho Ukraine tránh được việc bị Nga làm khó trong thẩm định-đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng, từ đó có thể giảm lượng khí đốt trung chuyển.

Trong trường hợp này mọi việc đều hợp lý, khiến EU không dễ gạt bỏ và Nga cũng khó phản kháng. Thậm chí, điều này còn giúp Mỹ kiềm chế Nga, trong trường hợp Đức không thực hiện cam kết, một khi Nga vi phạm Thỏa thuận Mỹ-Đức.

Tổng giám đốc Naftogas Yuriy Vitrenko cho biết Kiev quan tâm tới cả nhu cầu của Châu Âu chứ không chỉ riêng Gazprom, nên Naftogas cần đàm phán song song với cả Gazprom và các công ty Châu Âu là khách hàng mua khí đốt của Nga.

Với cách tiếp cận mới này, buộc Đức ngay từ lúc này phải chứng tỏ là chỗ dựa cho Ukraine trong cuộc đàm phán bảo vệ quyền lợi của Ukraine với tư cách là quốc gia trung chuyển khí đốt từ Nga tới Châu Âu.

Còn với Nga, một khi khí đốt đã được bơm vào hệ thống trung chuyển hoặc lưu trữ trong hệ thống đường ống của Ukraine thì Nga sẽ hết quyền kiểm soát, mà nó thuộc về Kiev và các khách hàng châu Âu mua khí đốt Nga.

Nhưng nó phải trở thành công cụ lợi ích của Ukraine

Thứ 2, Kiev viện dẫn Điều 274, Điều 337 của Thỏa thuận Liên kết EU-Ukraine ký năm 2014 để tham vần khẩn cấp với chính phủ Đức và Ủy ban Châu Âu, nhằm làm sáng tỏ rằng Đức đã vi phạm định ước này khi ký thỏa thuận về Nord Stream-2.

Điều 274 Thỏa thuận Liên kết EU-Ukraine ghi: "EU và các nước thành viên có nghĩa vụ tham vấn và phối hợp với Ukraine về phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, về các vấn đề liên quan đến thương mại khí đốt, tính bền vững và an ninh của nguồn cung".

Điều 337 Thỏa thuận Liên kết EU-Ukraine ghi: "Các bên cam kết thiết lập cơ chế để đối phó hiệu quả với các tình huống khủng hoảng năng lượng tiềm năng trong một tinh thần đoàn kết”.

Với Ukraine, để giải quyết khúc mắc liên quan tới Dự án Nord Stream-2 đơn giản là yêu cầu EU tuân thủ các quy tắc của mình và buộc các quốc gia thành viên tuân theo các tiêu chuẩn mà họ yêu cầu với các nước thành viên tiềm năng.

Cựu nghị sĩ Ukraine Svitlana Zalishchuk đồng thời là cựu thành viên Hội đồng Nghị viện Châu Âu và cựu thành viên của Ủy ban Nghị viện chung Ukraine-EU về Thỏa thuận liên kết EU-Ukraine lập luận :

“Tôi nghĩ chúng ta có một cách tiếp cận khác với Thỏa thuận Liên kết EU-Ukraine. Đó là một thỏa thuận song phương, đã được phê chuẩn bởi tất cả 27 quốc gia thành viên, và bởi chính EU, nên nó áp đặt trách nhiệm pháp lý cho cả hai bên".

Bà Zalishchuk, hiện là Cố vấn các vấn đề quốc tế cho Giám đốc điều hành Naftogaz, Công ty khí đốt quốc gia Ukraine, nhấn mạnh: “Nghĩa vụ không chỉ của Ukraine, mà EU cũng có nghĩa vụ áp dụng các nguyên tắc tương tự đối với Ukraine".

Theo bà Zalishchuk, trong trường hợp Nord Stream-2, Đức đang vi phạm các quy định trong Gói năng lượng thứ ba của EU, một định chế pháp lý về quản lý thị trường khí đốt và điện mà Ukraine đã bị buộc áp dụng như luật quốc gia của mình.

“Bạn không thể yêu cầu Ukraine phải cải cách theo các quy tắc của Châu Âu và sau đó chính bạn lại vi phạm các quy tắc của Châu Âu. Điều này thật kỳ lạ và đặc biệt là với Nord Stream-2", Politico tường thuật.

Và cả Mỹ-Đức-EU phải bảo vệ và gia tăng lợi ích cho Ukraine

Theo Politico thì "đó là một lời phản bác táo bạo, dứt khoát đối với một hành động khiêu khích địa chính trị có thể khiến một công chức khó tính nhất, khó chịu nhất của Brussels cũng phải ngưỡng mộ".

Một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Ukraine hoàn toàn đúng. Trong các tổ chức, các đồng nghiệp của tôi có cảm giác là Thỏa thuận Liên kết EU-Ukraine áp đặt nghĩa vụ đối với Ukraine, chứ không phải quyền và nghĩa vụ hai bên như nhau”.

Có thể thấy, khi tung ra chiêu độc là Kiev muốn biến Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream-2 thành sợi dây lợi ích cột chặt Nga-Mỹ-Đức, và cả EU vào đòn bẩy lợi ích của Ukraine.

Chưa biết chiêu độc của Kiev hiệu quả ra sao, nhưng một quan chức ngoại giao cấp cao của EU đưa ra nhận định rằng : “Gần đây sáng kiến của Ukraine đã khôn ngoan hơn, nhưng tại sao họ không biết làm như vậy sớm hơn". Phải chăng đó là báo trước kết quả cho Kiev? Chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nord-stream-2-chieu-doc-kiev-buoc-ca-nga-my-duc-vao-loi-ich-ukraine-3436590/