Nord Stream-2 chưa thông đã vội tính Nord Stream-3: Nga mơ mộng?

Chính bản thân châu Âu cần tới Nord Stream-3 chứ không phải là Nga, còn việc Gazprom nêu vấn đề chỉ là bắn tín hiệu cho thấy Moscow đã sẵn sàng..

Sputnik ngày 1/5 đưa tin, Phó Chủ tịch Gazprom Alexander Medvedev cho biết tập đoàn này đã chuẩn bị dự án tiền khả thi cho việc xây dựng thêm một đường ống dẫn khi đốt từ Nga tới châu Âu, xen giữa Nord Stream-1 và Nord Stream-2.

Ông Medvedev lưu ý rằng, Gazprom đã xác định trữ lượng khí đốt, khả năng tự cung ứng của châu Âu cân đối với nhu cầu năng lượng của lục địa già trong tương lai, từ đó, đề cập đến sự cần thiết của một "dòng chảy mới".

"Chúng tôi nhận diện những gì châu Âu cần và chuẩn bị mọi việc để sẵn sàng ký hợp đồng, tôi quả quyết rằng trong tương lai cần phải có thêm đường ống dẫn khí mới và đó sẽ là Dòng chảy phương Bắc 3 - Nord Stream-3", Sputnik tường thuật.

Phó Chủ tịch Gazprom Alexander Medvedev

Lời nhận định của Phó chủ tịch Gazprom đưa ra trong bối cảnh Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - Nord Stream-2 còn gặp rất nhiều trắc trở, nên đã có nhiều ý kiến cho rằng người Nga đang mộng mơ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Gazprom nhận định sự cần thiết của một Nord Stream-3 là hoàn toàn có cơ sở và việc chuẩn bị "đi tắt đón đầu" là hợp lý. Nghĩa là châu Âu sẽ ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga. Tại sao vậy?

Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu khí đốt Nga của EU tăng mạnh và tăng liên tục

Cơ quan Hải quan Nga cho biết, xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 103 tỷ m3, doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Gazprom, năm 2017, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Nga tại Tây Âu và Trung Âu tăng mạnh với thống kê cho thấy xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức tăng 16,4%, sang Áo tăng 74,2%, sang Slovakia tăng 27,7%, sang Cộng hòa Séc tăng 27,1%.

Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng 23,4%, sang Hungary tăng 25,9%, sang Hy Lạp tăng 12,2% và sang Macedonia tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong năm 2017 Gazprom xuất khẩu 180 tỷ m3 khí đốt sang thị trường châu Âu - một con số kỷ lục. Lý do là nhờ việc dỡ bỏ hạn chế vận chuyển khí đốt theo đường ống Opal nối với Nord Stream-1, dẫn trực tiếp khí đốt từ Nga sang Tây Âu.

Cũng nên biết, khối lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp sang thị trường châu Âu trong năm 2016 cũng từng đạt mức kỷ lục là 179,3 tỷ m3, tăng hơn 12,5% so với năm 2015. Và năm 2015 cũng đạt kỷ lục với 159,3 tỷ m3.

Như vậy, trong 3 năm liên tiếp lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu của Nga luôn xác lập những kỷ lục mới, trong bối cảnh EU liên tiếp gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, bên cạnh đó là tác động tiêu cực từ việc Mỹ luật hóa trừng phạt Nga.

Nhu cầu nhập khẩu khí đốt Nga của Châu Âu liên tục tăng và tăng mạnh

Thứ hai, lượng khí đốt tự cung ứng của EU giảm mạnh

Đầu năm nay, chính phủ Hà Lan kết luận rằng việc sản xuất khi đốt tại Groningen đã liên tục giảm và đến năm 2022 sẽ giảm đi một nửa, chỉ còn khả năng đáp ứng cho thị trường 12 tỷ m3 khí mỗi năm.

Theo Thủ tướng Rutte, đến năm 2030 việc sản xuất khí đốt tại Groningen sẽ dừng hoàn toàn, trong khi chỉ 3 năm trước, sản lượng khí đốt sản xuất tại đây từng đạt tới 50 tỷ m3 mỗi năm.

Việc cung ứng khí đốt của Na Uy và Scotland cũng giảm mạnh, mà đây từng là nguồn cung ứng khí đốt lớn nhất cho EU. Năm 2015, Gazprom từng mất "ngôi vị” nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Tây Âu vào tay Gassco của Na Uy.

Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết, sản lượng khí đốt của châu Âu sẽ giảm từ 256 tỷ m3/năm hiện nay xuống còn 212 tỷ m3/năm vào năm 2020 và 146 tỷ m3/năm vào năm 2030.

Trong bối cảnh khả năng tự cung giảm mà giảm mà nhu cầu liên tục tăng, các nước châu Âu lại đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, đặc biệt, Đức còn chuẩn bị đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022.

Cần biết rằng điện hạt nhân của Đức chiếm gần một phần tư mức tiêu thụ điện năng của "người khổng lồ" này. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Berlin luôn sốt sắng về việc đảm bảo nguồn nhiên liệu khí đốt của Nga.

Thứ ba, khả năng thay thế bởi các nguồn nhiên liệu khác quá đắt đỏ

Chuyên gia kinh tế Dmitry Lekuh nhận định châu Âu không có lựa chọn nguồn nhiên liệu nào có thể thay thế cho lượng khí đốt khí đốt thiếu hụt, do sản lượng giảm - nhu cầu tăng, dù thị trường khí hóa lỏng (LNG) đang mở dần mở rộng.

"Nguồn cung cấp LNG của Mỹ, Qatar hay thậm chí là cả LNG của Nga dù luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của châu Âu, song hoàn toàn không thể thay thế lượng khí đốt thiếu hụt này", ông Lekuh nhấn mạnh.

Dù Mỹ sẵn sàng cung cấp lượng khí hóa lỏng khổng lồ cho châu Âu, song không thể được khí đốt tự nhiên của Nga

Vị chuyên gia kinh tế lý giải: "Nguồn nhiên liệu thay thế ấy chỉ đơn giản là quá đắt đỏ so với khí đốt tự nhiên của Nga qua các đường ống dẫn khí, trong khi hiện tại châu Âu không có bất kỳ giải pháp kỹ thuật nào cho sự chênh lệch này".

"Mà nếu cùng một lúc tăng cả giá nhiên cho sinh hoạt lẫn cho sản xuất công nghiệp sẽ khiến châu Âu lãnh hậu quả. Bởi tăng giá nhiên liệu sẽ khiến giá cả sản phẩm đắt đỏ hơn, mức sống của người dân giảm sút, hàng hóa khó cạnh tranh", theo ông Lekuh.

Rõ ràng, Gazprom rất thực tế chứ không hề mơ mộng khi đề cấp về sự cần thiết của một Nord Stream-3. Cho dù lúc này đưa vấn điề này ra còn quá sớm, nhưng cả EU và Nga điều phải tính tới điều đó trong tương lai.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nord-stream-2-chua-thong-da-voi-tinh-nord-stream-3-nga-mo-mong-3358130/