Nốt ruồi nhân tạo phát hiện sớm ung thư vú

Các nhà khoa học cho biết nốt ruồi nhân tạo có khả năng chẩn đoán sớm 4 loại ung thư gồm ung thư tuyến tiền liệt, vú, phổi và ruột, có thể sớm được đưa vào thực tiễn trong vòng 10 năm tới.

Ảnh minh họa.

Nốt ruồi nhân tạo đặc biệt này được tạo ra bởi các nhà khoa học Thụy Sĩ tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật sinh học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, mức canxi tăng cao bất thường trong máu là dấu hiệu ban đầu của ung thư. Vì vậy, họ đã tạo ra các tế bào biến đổi gene có khả năng xác định mức canxi cao trong máu rồi cấy dưới da. Khi lượng canxi tăng cao, cơ thể sẽ sản sinh ra melanin - sắc tố gây ra nốt ruồi, tàn nhang hay vết rám nắng - tạo ra một nốt ruồi nhân tạo trên da tại vị trí cấy tế bào biến đổi gen. Nhờ đó, người bệnh có thể sớm phát hiện vấn đề và đến thăm khám bác sĩ.

Một nghiên cứu kéo dài 38 ngày được thực hiện trên chuột, lợn đã cho kết quả khả quan và được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine. Các nhà khoa học hy vọng công nghệ này sẽ sớm được thử nghiệm trên người trong vòng 5 năm tới và được áp dụng rộng rãi trong vòng 10 năm tới đây.

Họ tin rằng, nốt ruồi nhân tạo này sẽ giúp con người có thể tự giám sát sức khỏe trong tương lai. Các nhà khoa học cũng có thể cấy ghép một nốt ruồi chỉ hiển thị dưới ánh sáng đỏ để mọi người có thể thăm khám bác sĩ kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, những nốt ruồi này phải được thay thế khoảng mỗi năm 1 lần.

Nốt ruồi nhân tạo trong nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ có khả năng kiểm tra mức canxi trong máu từ đó cảnh báo sớm ung thư.

Trên thực tế, việc phát hiện sớm ung thư là điều rất quan trọng khi mà hơn 90% phụ nữ được chẩn đoán sớm ung thư vú sẽ có cơ hội sống sót trong 5 năm tiếp theo. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với 1/7 nữ giới sống sót nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn sau.

Tại Anh, mỗi năm có hơn 47.000 người đàn ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và hơn 55.000 phụ nữ tiết lộ họ mắc ung thư vú. Hơn một nửa trường hợp ung thư mới ở Anh là ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, phổi và ruột.

Giáo sư Martin Fussenegger, người đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết: “Phát hiện sớm ung thư tăng đáng kể cơ hội sống sót. Ngày nay, mọi người thường chỉ đến gặp bác sĩ khi khối u đã gây ra các vấn đề sức khỏe. Nhưng điều đó thật không may bởi lẽ thời điểm đó thường đã quá muộn. Một người được cấy ghép công nghệ trên nên đi khám bác sĩ sau khi nốt ruồi xuất hiện nhưng họ không cần phải quá hoảng sợ vì nốt ruồi phát triển không có nghĩa là họ có khả năng tử vong sớm. Nó đơn giản chỉ là cần gặp bác sĩ để xét nghiệm làm rõ và điều trị nếu cần”.

Tiến sĩ Catherine Pickworth đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, cũng bày tỏ: “Ý tưởng cho rằng “công nghệ đeo trên người” một ngày nào đó có thể hoạt động như một dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư rất thú vị, nhưng nó mới chỉ ở bước đầu nghiên cứu. Nghiên cứu trên chuột cho thấy một hình xăm y sinh học có thể phát hiện sự thay đổi lượng canxi trong máu nhưng chúng ta cần phải xem liệu điều này có đúng với con người hay không. Mức canxi cao có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư nhưng nó cũng có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề khác, vì thế cách tiếp cận này cần đi kèm với các xét nghiệm bổ sung. Phát hiện ung thư sớm là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện sự sống, vì vậy việc tìm ra cách tốt nhất để theo dõi những người có nguy cơ cao hay những người đã thuyên giảm là một thách thức quan trọng”.

Trà Li Dailymail

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/san-pham-hong/not-ruoi-nhan-tao-phat-hien-som-ung-thu-vu-post41409.html