Nốt trầm trong quan hệ đồng minh Saudi Arabia - Mỹ

Dù bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị mất tích vào ngày 2-10, nhưng Saudi Arabia đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dồn dập từ phương Tây. Vụ việc còn khiến quan hệ đồng minh thân thiết giữa nước này với Mỹ có nguy cơ bị chia rẽ.

Tổng thống Donald Trump tiếp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng vào tháng 3-2018

Tình huống khó xử

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Washington sẽ tìm ra sự thật về điều gì đã xảy ra với nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, điều mà chính quyền Riyadh phủ nhận và cho là vô căn cứ. Cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ còn xác nhận đang sở hữu bằng chứng âm thanh và hình ảnh cho thấy ông Khashoggi đã bị sát hại bên trong cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia. Ông Khashoggi tới Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để nhận giấy tờ chuẩn bị cho đám cưới sắp tới. Phía Saudi Arabia khẳng định ông Khashoggi đã rời đi nhưng vị hôn thê của nhà báo cho biết ông chưa hề bước chân ra khỏi Lãnh sự quán.

Nhà báo này là người Saudi Arabia, đang thường trú tại Mỹ và muốn nhập quốc tịch ở nước này. Trước khi mất tích, ông là cộng tác viên của tờ Washington Post có quan điểm chỉ trích chính quyền Saudi Arabia. Một nhóm điều tra Saudi Arabia đã đến Ankara để hợp tác với phía Thổ Nhĩ Kỳ điều tra về vụ mất tích trên.

Theo truyền thông Mỹ, vụ việc khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump rơi vào tình huống khó xử do có quan hệ đối tác mật thiết với Saudi Arabia. Quốc gia Trung Đông này là địa điểm đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống và cũng là đối tác mua vũ khí lớn nhất của Mỹ cho đến nay. Chính quyền Tổng thống Donald Trump thường ít khi lên tiếng chỉ trích trực diện Saudi Arabia trước những vấn đề gây xôn xao như đưa quân đến Yemen hay dẫn đầu nhóm các nước Trung Đông cô lập Qatar... Tuy nhiên, trước tầm ảnh hưởng của thông tin nhà báo Jamal Khashoggi bị mất tích, Mỹ buộc phải lên tiếng.

Theo CNN, nếu Thổ Nhĩ Kỳ công bố đủ bằng chứng cho thấy nhà báo Khashoggi bị sát hại trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul thì có khả năng Mỹ phải cân nhắc áp lệnh trừng phạt lên đồng minh tại Trung Đông này. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư yêu cầu chính phủ điều tra vụ mất tích trên và mở đường cho khả năng trừng phạt Saudi Arabia.

Truyền thông tẩy chay

Tổng thư ký Liên đoàn các nhà báo châu Âu (EFJ) Ricardo Gutierrez yêu cầu Saudi Arabia nói sự thật về việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, đồng thời khẳng định sự việc này không liên quan đến việc nhiều tờ báo và hãng truyền thông lớn đồng loạt tẩy chay Hội nghị về Sáng kiến đầu tư cho tương lai sẽ diễn ra tại Riyadh từ ngày 23 đến 25-10, được mệnh danh là “Davos sa mạc”. Trong danh sách này có New York Times, Financial Times, CNBC, Bloomberg, CNN.

Truyền thông Anh đưa tin chính phủ nước này đang chuẩn bị một danh sách các quan chức Saudi Arabia có thể bị trừng phạt liên quan đến vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi. Trả lời báo The Independent, một nguồn tin thân cận với London và cả Riyadh cho biết, Bộ Ngoại giao Anh đang lập ra danh sách nói trên để sử dụng trong trường hợp nước này quyết định viện dẫn “Đạo luật Magnitsky sửa đổi”. Đạo luật này cho phép Anh trừng phạt các quan chức nước ngoài bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, hoặc có thể phối hợp với EU để áp đặt các lệnh cấm đối với hoạt động đi lại và giao thương của Saudi Arabia. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ là rất nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra. Tổng thống Macron cho biết sẽ đề cập đến vấn đề này với các nhà lãnh đạo thế giới trong vài ngày tới.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/not-tram-trong-quan-he-dong-minh-saudi-arabia-my-552395.html