NS Nguyễn Cường: Chỉ Tùng Dương mới có những sáng tạo 'độc và dị'

Tùng Dương hát Nguyễn Cường đang trở thành hiện tượng với những câu chuyện âm nhạc đa sắc và đầy sức cuốn hút.

Nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Cường, người yêu nhạc nhớ tới những tác phẩm mang đậm âm hưởng và phong cách Tây Nguyên với những giọng ca đóng đinh vào tác phẩm như NSND Y Moan, ca sĩ SiuBlack.

Với Album Tùng Dương hát Nguyễn Cường là một sự kết hợp hoàn hảo mang đến cho người yêu nhạc một phần những tác phẩm mang chất liệu âm nhạc đồng bằng Bắc Bộ, tương xứng với mảng âm nhạc Tây Nguyên trong sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Tôi và Dương gặp nhau là sự hữu duyên

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ rằng có nhiều nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của ông, tuy nhiên, hát nhạc của ông cần phải có một năng lượng rất lớn. Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định: “Nếu không có năng lượng thì không thể hát được, kể cả những phần rất nhỏ, hay lúc to, lúc nhỏ cũng đều cần phải có một năng lượng sáng tạo, vì mỗi câu hát là một sự chắt chiu cảm xúc. Tôi muốn đặt đến tận cùng của cảm xúc, bằng việc vận dụng chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nên người hát phải có một năng lượng tương xứng thì mới có thể lột tả được hết ý đồ của tác giả.

Lúc đầu gặp gỡ, tôi và Dương cũng chưa hẳn đã hiểu hết về nhau. Tôi từng nghe Tùng Dương hát “Một nét ca trù ngày xuân”; “Mái đình làng biển”, nhưng đến khi Tùng Dương mời tôi đi nghe Tùng Dương hát “Hò Biển” thì tôi đã “À” lên và nghĩ: Đây mới đúng là giọng hát mà tôi tìm kiếm cho dành cho những tác phẩm mang chất liệu âm nhạc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và tôi nghĩ khi Dương coi tôi là “bố tinh thần" thì đó hẳn là "hữu duyên".

Còn với Tùng Dương anh gọi 2 nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường là "bố tinh thần". Thực hiện Album Tùng Dương hát Nguyễn Cường là sự tri ân với tình cảm dành cho người nhạc sĩ như một người cha, chú đáng kính. Ca sĩ Tùng Dương cũng cho biết: "Năm nay Dương hát nhạc Nguyễn Cường và năm sau sẽ là Trần Tiến”.

Với quan niệm: “làm những gì mình thích” nên cả 2 đã quyết định ra mắt Tùng Dương hát Nguyễn Cường với 10 tác phẩm trong tổng số 16 bản ghi hoàn chỉnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng với những gì Tùng Dương đã thể hiện thì Tùng Dương đã là chàng “Trương Chi”, là tri âm, tri kỷ mới trong âm nhạc của ông. Tùng Dương đã “lãnh” toàn bộ những bài hát có nhiều khúc mắc, khó thể hiện.

"Âm nhạc của tôi kén người hát và cũng kén cả người nghe bởi âm nhạc của tôi không phải thể loại dành cho giải trí" -Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định: “Nếu không có Tùng Dương, những tác phẩm mang chất liệu dân ca và nghệ thuật truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ của tôi sẽ không thể đến, hoặc chưa trọn vẹn khi đến công chúng. Ví dụ như: “Một nét ca trù ngày xuân” đã rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn suốt 38 năm qua nhưng đến bây giờ tôi mới thực sự cảm nhận rõ hình hài đứa con tình thần mà mình mong muốn qua giọng hát Tùng Dương. Hay như bài “Bi ca Trọng Thủy” số phận của nó cũng như hàng trăm tác phẩm khác của tôi nằm trong ngăn tủ mà tôi coi đó là những tư liệu.

Tùng Dương là một ca sĩ rất thông minh, cá tính, một năng lượng lớn, Dương nắm bắt tinh thần của tác phẩm rất nhanh. Tôi nghĩ tất cả những gì tôi viết ngoài Tây Nguyên mà thuộc về đồng bằng Bắc Bộ dường như dành cho giọng ca Tùng Dương".

Chất liệu âm nhạc cho tôi cảm hứng sáng tạo

Với nhạc sĩ Nguyễn Cường, mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể, dù câu chuyện đó mang màu sắc bi ai, nhưng không phải là nỗi buồn ủ rũ mà tất cả những đau thương, mất mát ấy đều hướng tới giá trị nhân văn cao đẹp.

Tôi cảm thấy rất hưng phấn vì cuộc sống luôn cho tôi năng lượng sáng tạo mới, nhưng phải nói rằng, người nghệ sĩ như con diều cũng cần một người giữ dây... Tôi hạnh phúc về điều đó. Quy luật của trái đất luôn phải xoay xung quanh mặt trời. Từ trước tới giờ mặt trời luôn ở phía đằng Tây còn tôi: “Mặt của tôi với ở phía đằng Đông”.

Bằng những thủ pháp sáng tác tài tình, Nguyễn Cường biến hóa một cách nhuần nhụy ngôn ngữ âm của nhiều vùng miền trong một tác phẩm. Và chỉ khi người nghe chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế đón nhận thì mới có thể cảm thấu được hết vẻ đẹp của nghệ thuật qua ngôn từ, sắc màu của âm nhạc ngồn ngộn, đầy ắp với nhiều cung bậc cảm xúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường lý giải: “Tôi là người sáng tác không viết theo chủ đề, đề tài mà viết theo chất liệu. Từ chất liệu tôi chọn đề tài nên 90% các tác phẩm của tôi thoát thai từ dân ca.

Nhạc sĩ Dương Thụ từng nói: “Nguyễn Cường là người yêu dân ca đến sùng bái”, còn Nguyễn Cường luôn tự hào rằng: “ Tôi là người thẩm thấu dân ca và yêu đến tận cùng. Tôi có thể hát rất nhiều làn điệu dân ca của các dân tộc, thậm chí hát bằng cả tiếng dân tộc. Tôi yêu dân ca đến sùng bái, để rồi tôi nghe dân ca, tôi giao hòa vào dân ca, dân ca ngấm vào trong tôi như máu thịt”.

Cái hào sảng, sự vững chãi, rộng lớn bao la của đất trời Tây Nguyên đã ngấm sâu vào hơi thở vào cuộc sống để trở thành một Nguyễn Cường, cho dù người nghe nhận ra ở một câu chuyện nào đó thấm đẫm âm hưởng chèo, tuồng, dân ca đồng bằng Bắc Bộ, nhưng rồi tất cả được nhào nặn, hòa quyện để khi âm thanh vang lên qua giọng hát của Tùng Dương, người nghe vẫn thấy ăm ắp một không gian Tây Nguyên rộng lớn bao trùm.

Nghe Tùng Dương hát Nguyễn Cường cho thấy một năng lượng sáng tạo tràn trề cứ cuộn cuộn như những cột sóng trào. Tùng Dương đã thổi vào đó một luồng sinh khí, một hình hài mới mà chỉ Tùng Dương mới đủ sự ma mị để biến ảo.

Chỉ Tùng Dương mới có những sáng tạo “Độc và Dị”

Quả thực, nghe Tùng Dương hát Nguyễn Cường có lúc thấy chênh vênh, khi hừng hực khí thế, lúc lại mênh mang, dàn trải, đôi lúc lại thâm trầm, nỉ non mà chẳng bao giờ có sự trùng lặp, mà theo quan niệm của nhạc sĩ Nguyễn Cường thì: “Khi đưa một tác phẩm cho ca sĩ thể hiện thì chỉ cần họ hát đúng tác phẩm trước mặt anh một lần, còn sau đó họ có thể thêm, bớt…thể hiện theo cách của họ.

Ca sĩ Tùng Dương: "Kể từ Sao Mai điểm hẹn năm 2004, đến nay, sau 14 năm lao động nghệ thuật nghiêm túc, Tùng Dương đã thực hiện được 10 liveshow và 8 Album. Bản thân Tùng Dương cũng không hiểu năng lượng ở đâu lại tràn trề đến thế. Tùng Dương không thể ngồi yên một chỗ, nên mỗi năm phải thực hiện bằng được một dự án âm nhạc. Mỗi lần như thế cho Tùng Dương những trải nghiệm và thử thách mới buộc mình phải vượt qua.

Với âm nhạc của Nguyễn Cường là sự " tĩnh trong động và động nhiều hơn trong tĩnh" nên tôi đã dành nhiều thời gian không chỉ nghiên cứu tác phẩm của ông mà còn tìm hiểu cả những "góc khuất"0 để hiểu và có thể thể hiện được đúng tinh thần hoan ca, hạnh phúc và hào sảng trong âm nhạc Nguyễn Cường".

Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định: “Đơn giản là tôi tạo nên đường ray, còn con tàu là của người nghệ sĩ. Đi nhanh hay đi chậm, dừng lại hay trật bánh là việc của con tàu. Chính vì thế, âm nhạc của tôi qua các giọng ca trở nên phong phú, nó được cộng hưởng bởi sự sáng tạo của nhiều người. Tôi yêu dân ca, bản thân dân ca mang tính dị bản, mà bản chất ca khúc nói riêng, nghệ thuật nói chung cũng là dị bản (trừ Symphony), song trong một vài trường hợp nào đó Symphony cũng được chơi bằng dàn điện tử với phong cách nhạc nhẹ, bởi có dị bản mới mang tới cho công chúng thưởng thức sự thích thú mang phong vị riêng".

Có lẽ tác phẩm khiến ca sĩ Tùng Dương trăn trở nhiều nhất và cũng phải thu đi thu lại là bài “Đàn cầm dây vũ dây văn”, một tác phẩm thấm đẫm âm hưởng ca trù, có thể hát như một bài ca trù cổ. Tuy nhiên, bản chất của tác phẩm lại theo phong cách nhạc nhẹ. Tùng Dương đã quyết định cho mình một cách thể hiện độc đáo mà chính nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng không hề nghĩ tới. Có thể nói: “Đàn cầm dây vũ dây văn” có cách xử lý tinh tế “độc và dị” trong Album Tùng Dương hát Nguyễn Cường. Điều bất ngờ ở đây chính là phần mở đầu, cùng với xênh, phách và đàn đáy, Tùng Dương trình bày bằng cách ngân, rung, nhả chữ, ém hơi… theo lối hát ca trù như một đối thoại ngắn với cổ nhân, khiến người nghe dễ dàng liên tưởng tới giọng ca “trong như tiếng hạc” cùng tiếng phách ròn tan của NSND Quách Thị Hồ. Và khi người nghe còn đang bay bổng, mơ hồ bởi tiếng xênh, phách thì bất ngờ bừng tỉnh bởi một không gian âm nhạc đương đại đậm chất rock. “Rock ca trù” là một kết hợp vô cùng “độc và dị” của Tùng Dương.

Hay như trong bài “Bi ca Trọng Thủy” cũng được xem là tác phẩm “nặng ký”, bởi không đơn thuần là một tác phẩm thanh nhạc mà còn mang vóc dáng của một tác phẩm sân khấu, với đầy kịch tính, nội tâm nhân vật. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã dùng chất liệu âm nhạc tuồng (hát bội) để kể câu chuyện bi tráng trong lịch sử. Hát theo âm điệu tuồng không hề đơn giản, nhất là đối với một nghệ sĩ đương đại.

Thể hiện tác phẩm này là cơ hội để Tùng Dương trải nghiệm và mở rộng biên độ thẩm thấu, sự biểu cảm, và cả giới hạn cho chính giọng hát của mình, bởi hát tuồng xuất phát từ tế lễ, kết hợp lối kể chuyện, hát xướng dân gian và thường chuyển nhịp điệu từ nói thường sang nói lối với cách ngắt, nhả chữ tùy vào tính cách nhân vật. Khi thể hiện một tác phẩm rock mang âm hưởng tuồng nghĩa là người nghệ sĩ sẽ phải biến hóa một cách ảo diệu trong không gian âm nhạc ấy, không chỉ hát, hát nói mà còn phải diễn xuất theo lối khuếch đại, nhằm khắc họa nhân vật. Nhạc tuồng mang phong cách rock trong “Bi ca Trọng Thủy”quả là một thử nghiệm hoàn toàn mới với cả nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Tùng Dương nhưng họ đã làm nên một kỳ tích trong việc khơi thông dòng chảy của âm nhạc mới Việt Nam hiện đại.

Không có nhạc sĩ phối khí, ca sĩ thể hiện, tác phẩm chỉ là tư liệu

Album Tùng Dương hát Nguyễn Cường có lẽ là cuộc tập hợp, biểu dương lực lượng phối khí mạnh nhất ở miền Bắc như: Phan Cường, Thanh Phương, Minh Đạo, Lưu Hà An, Huy Sơn... mà theo như nhạc sĩ Nguyễn Cường thì những nhạc sĩ tham gia phối khí đều là những người bạn, người em đến với âm nhạc Nguyễn Cường bằng sự trân quý, bằng tình yêu và họ thể hiện tài năng, tình yêu của mình với nhạc sĩ Nguyễn Cường thông qua phần phối khí.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định: “Tôi chỉ là người sáng tạo đầu tiên, còn sau đó là bao nhiêu sự cộng cảm sáng tạo khác để thành tác phẩm, trong đó có ca sĩ, nhạc sĩ phối khí..."

Nhạc sĩ Phan Cường, người đã phối tới 3 tác phẩm trong album chia sẻ: “Tôi biết nhạc sĩ Nguyên Cường và Tùng Dương cách đây gần 30 năm, đã làm việc và phối khí nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhưng vì nhiều lý do những bản phối của mình cũng chưa thực sự hoàn hảo. Trong lần hợp tác này, chính ca sĩ Tùng Dương đã gắn kết và đem lại sự tương tác rất tốt giữa tôi là nhạc sĩ phối khí với nhạc sĩ Nguyễn Cường và Tùng Dương. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã tạo cho tôi cảm xúc nghệ thuật, kích thích tôi sáng tạo, bởi không chỉ có âm hưởng dân ca Tây Nguyên mà ông còn là người khai thác sáng tạo dân ca của các vùng miền một cách nhuần nhuyễn.

Thường mỗi bản phối chúng tôi phải khai thác triệt để tính học thuật, song lần này thì dường như cảm xúc và sự lan tỏa năng lượng sáng tạo của cả 3 chú cháu được cộng hưởng thăng hoa, khiến tôi dùng cảm xúc khi phối khí nhiều hơn là học thuật. Quan niệm của tôi khi phối khí bên cạnh việc tạo nên sự gần gũi với người nghe thì vẫn phải tạo được nét độc, lạ nhưng cũng không thể làm quá để nó chệch hướng. Sự độc lạ dù thế nào vẫn phải nằm trong một tổng thể hoàn thiện mà người nghe vẫn thấy rất rõ đấy là âm nhạc của Nguyễn Cường và đó là giọng hát Tùng Dương. Với thời gian, tâm huyết dồn vào các tác phẩm, tôi cũng cảm thấy vốn liếng của mình đủ sung mãn, đáp ứng được sức sáng tạo cho cả Tùng Dương và Nguyễn Cường. Tôi thực sự vui vì nó hoàn hảo”.

Từ trái qua: Nhạc sĩ Phan Cường, ca sĩ Tùng Dương, họa sĩ Hoàng Hà Tùng, Nguyễn Cường, Huy Sơn

“Tất cả các bản phối trong album đều để lại cho tôi ấn tượng đẹp bởi đó là sự trân trọng mà các nhạc sĩ đã dành cho tôi. Với tôi không một bản phối nào là “không có vấn đề” để phải nghe đi nghe lại. Tôi nghĩ những bản phối khí này giúp cho các nhạc sĩ phối khí trẻ có thể học hỏi được nhiều điều. Bởi những bản phối khi này đều có ý đồ của nhạc sĩ phối khi, có lớp lang, có sự tương phản giữa màu sắc, ngôn ngữ âm nhạc, tiết tấu, nhịp điệu… chứ không chỉ dùng nhạc cụ để lấp đầy giai điệu bằng các vòng hòa thanh"-nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự.

Những bản phối khí này đã tạo dựng và khắc họa rõ nét hình tượng âm nhạc của tác phẩm. Đặc biệt, mỗi bản phối mang màu sắc và dấu ấn riêng của từng nhạc sĩ, nhưng khi vang lên, người nghe không thấy có sự phân tách giữa người sáng tác, nhạc sĩ phối khí, ca sĩ thể hiện mà ở đó là sự kết hợp hài hòa của một tổng thể hoàn chỉnh.

Album Tùng Dương hát Nguyễn Cường thực sự là một ấn phẩm đặc biệt dành tặng người yêu nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường có được album tác giả đúng chất của mình: mạnh mẽ mà vẫn mềm mại, dữ dội mà vẫn trữ tình; còn Tùng Dương, phát triển phong cách fusion của mình đến một đỉnh cao mới mở đường cho những sáng tạo tiếp nối.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/ns-nguyen-cuong-chi-tung-duong-moi-co-nhung-sang-tao-doc-va-di-880609.html