NSND Đoàn Dũng nửa tỉnh nửa mê trong phòng cách ly vì nhiễm trùng thần kinh

Người nhà của NSND Đoàn Dũng cho biết nam diễn viên gạo cội đang được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).

NSND Đoàn Dũng (trái) trong phim 'Tình yêu bên bờ vực thẳm' - Ảnh: Ảnh: Chụp màn hình

Nam diễn viên Vĩ tuyết 17 ngày và đêm được các bác sĩ chẩn đoán mắc hàng loạt chứng bệnh như: xơ gan cổ chướng giai đoạn 4, suy thận giai đoạn 3, cộng với bệnh gút lâu năm. Cuối tháng 6 vừa qua, ông nhập viện điều trị và phát hiện thêm việc bị nhiễm trùng thần kinh. Vì diễn biến xấu của căn bệnh này mà các y, bác sĩ buộc phải chuyển NSND Đoàn Dũng vào phòng cách ly. Nhiều bạn bè thân thiết của nam diễn viên tỏ ra tiếc nuối trước thông tin này vì điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ khó có thể vào thăm ông được.

Chia sẻ với Thanh Niên, nhà biên kịch Lê Chí Trung, bạn thân của NSND Đoàn Dũng tâm sự: "Những ngày này anh đang phải một mình chiến đấu trên giường bệnh để giành lại sự sống, lúc tỉnh lúc mê. Nửa tháng trước anh còn nói với tôi “Thôi, tao không thèm chạy thận, mặc cho số trời”. Tôi đùa: “Vớ vẩn. Anh phải cố sống đủ 100 tuổi”. Hôm ra Hà Nội dự kỷ niệm thành lập nhà hát, hai anh em ở chung phòng, mỗi khi anh than thở bệnh tật tôi lại nói át đi... Doãn Hoàng Giang và Doãn Châu cũng hay bảo tôi Sài Gòn bây giờ chỉ còn Đoàn Dũng.. Lễ lạt ngồi uống rượu một mình nhớ anh".

NSND Đoàn Dũng - Ảnh: Lê Chí Trung cung cấp

NSND Đoàn Dũng sinh năm 1939 tại Hà Nội. Ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam, sau đó trở thành Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Ông được phong danh hiệu NSND đợt 4 năm 1997.

NSND Đoàn Dũng có những vai diễn xuất sắc trong các vở Một đêm giông tố của Carazian, Đêm đen, Nhân chứng và lịch sử, Người cha thô bạo, Người cầm súng, Những bông hoa anh túc... Trong vở Vụ án người đốt đền, đỉnh cao của sân khấu kịch cổ điển, Đoàn Dũng đã biến hóa, nhấn nhá lời thoại, xử lý tiếng cười vô cùng phong phú, lúc thành tiếng lúc không. Ông đã khéo kết hợp nhuần nhuyễn những biểu hiện tâm lý chặt chẽ của sân khấu phương Tây và tính cách điệu, tượng trưng của sân khấu truyền thống trong việc xử lý đạo cụ. Những động tác cắn đồng xu gợi cho người xem cảm giác về cái thật giả, đỏ đen, gian manh, cơ hội, tham vọng, đê hèn, cờ bạc bịp... mà đến ngày nay vẫn là bài học về biểu diễn cho các nghệ sĩ trẻ.

Ngoài sân khấu, ông còn đóng các phim Biển lửa, Rừng O Thắm, Bức tường không xây, Ngõ hẹp, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Trong phim Thủ lĩnh áo nâu, Đoàn Dũng đóng vai Đề Thám. Ngay tại quê hương Yên Thế có tạc tượng cụ Đề, mọi người cứ tưởng bức tượng được làm từ nguyên mẫu nhân vật trên phim. Khi con gái cụ Đề Thám, bà Hoàng Thị Thế, về Việt Nam, bà cứ rưng rưng nắm chặt tay Đoàn Dũng mà bảo: “Con ơi, trông con rất giống ông, giống cái thần của ông...”. Đó là một kỷ niệm thành công về điện ảnh mà người trong nghề không sao quên được.

Một người bạn nghề là NSND, họa sĩ Doãn Châu từng dí dỏm khi tả về Ðoàn Dũng: "To béo, phục phịch, râu ria xồm xoàm. Bề ngoài trông có dáng vẻ Trương Phi võ biền hơn là một nghệ sĩ, nhưng con người đó lại rất dễ xúc cảm. Ðôi khi rất mau nước mắt... Người đàn ông xù xì luôn đặt tình nghĩa, trọng chữ tín lên trên hết". Có lẽ cũng chính vì thế mà NSND Ðoàn Dũng đã tạo nên một hình ảnh và phẩm chất độc đáo của một nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh đặc biệt từ đỉnh đầu đến tận ngón chân, như cách nhà biên kịch Lê Chí Trung vẫn thường đùa ông.

Hồng Nhi

Anh Thư

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nsnd-doan-dung-nua-tinh-nua-me-trong-phong-cach-ly-vi-nhiem-trung-than-kinh-998716.html