NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Tăng cường đầu tư không gian văn hóa công cộng

Chúng ta phải tôn trọng những gì tự nhiên ban tặng, hạn chế tối đa sự tác động của con người. Cùng với đó, một vấn đề đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố trở thành nơi đáng đến và đáng sống, đó là phát huy thành quả xây dựng nếp sống văn minh và văn hóa con người Đà Nẵng.

Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Có hai yếu tố rất quan trọng giúp Đà Nẵng trở thành nơi đáng đến và đáng sống, đó là điều kiện tự nhiên và tình hình xã hội. Về yếu tố tự nhiên, thành phố được tạo hóa ưu ái ban tặng vị trí địa lý, cấu trúc địa hình, khí hậu vô cùng thuận lợi, có núi, sông, rừng, biển, khí hậu dễ chịu… mà không phải địa phương nào cũng có được.

Còn về yếu tố xã hội, từ khi Đà Nẵng tách ra thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997) đến nay, công tác chỉnh trang đô thị, quản lý quy hoạch, xây dựng nếp sống văn minh được Đảng bộ, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân thực hiện rất tốt, giúp thành phố chúng ta được gọi bằng nhiều cái tên mỹ miều như: “thành phố đáng sống”, “thành phố của những cây cầu”, “đô thị trẻ năng động”… Nói như vậy để khẳng định, Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để trở thành một thành phố không chỉ đáng sống, mà còn đáng đến.

Tuy nhiên, một đô thị đáng đến, đáng để ở lại, không chỉ nằm ở sự xinh đẹp, nhộn nhịp, kinh tế phát triển, mà còn phải có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Trước đây, Đà Nẵng có thời gian dài không quan tâm đúng mức cho văn hóa, chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, dịch vụ. Đến năm 2015, thành phố mới “giật mình” nhận ra chúng ta đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, đúng mức.

Do vậy, từ đó đến nay, thành phố đã từng bước dành nguồn lực đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, quan tâm di sản, di tích, góp phần quan trọng cho Đà Nẵng phát triển một cách hài hòa, đi bằng hai chân: “chân kinh tế” và “chân văn hóa”.
Đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu văn hóa cũng ngày càng nâng cao. Vì vậy, phải tiếp tục tăng cường việc đầu tư cho văn hóa thì Đà Nẵng mới có thể đi đường xa, phát triển bền vững và tạo ra sức hút với du khách. Trước hết, Đà Nẵng phải cố gắng giữ cảnh quan thiên nhiên, càng nguyên vẹn càng tốt.

Chúng ta phải tôn trọng những gì tự nhiên ban tặng, hạn chế tối đa sự tác động của con người. Cùng với đó, một vấn đề đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố trở thành nơi đáng đến và đáng sống, đó là phát huy thành quả xây dựng nếp sống văn minh và văn hóa con người Đà Nẵng. Chúng ta đã hình thành, gầy dựng được hình ảnh thành phố văn minh, nghĩa tình, con người thân thiện, chân thành, mến khách thì phải tiếp tục phát huy, bồi dưỡng được những phẩm chất, giá trị đó.

Tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong việc xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện và lễ hội hàng đầu của châu Á. Điển hình như: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, giải thể thao IRONMAN hay liên hoan phim châu Á sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là để tổ chức được những hoạt động này cần nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, Đà Nẵng cần phát huy bài học kinh nghiệm cũng như đẩy mạnh xã hội hóa để tổ chức các sự kiện, lễ hội ngày càng phong phú, đa dạng. Đồng thời, phát huy công tác quản lý sự kiện, lễ hội văn minh, an toàn nhằm để lại dấu ấn trong lòng du khách.

Mặt khác, thiết chế văn hóa cũng là vấn đề Đà Nẵng cần lưu ý trong việc phát triển thành phố thành nơi đáng sống và đáng đến. So với các địa phương khác, hiện Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) về hệ thống bảo tàng. Chúng ta có Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là độc nhất vô nhị trên thế giới và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - 1 trong 3 bảo tàng mỹ thuật của cả nước.

Đặc biệt, thành phố đang chi ra hơn 500 tỷ đồng để xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng với quy mô lớn, vị trí địa lý, kiến trúc rất đẹp. Chúng ta đang có 2 nhà hát, gồm: Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và nhiều thiết chế văn hóa cấp quận, huyện, phường, xã. Thế nhưng, từ 15 năm nay, Đà Nẵng vẫn đang thiếu một trung tâm văn hóa cấp thành phố. Đây là một thiết chế văn hóa rất quan trọng, nơi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nghiệp dư, quần chúng và các tầng lớp nhân dân đến đây để sáng tạo, thụ hưởng văn hóa. Vì vậy, Đà Nẵng cần nhanh chóng xúc tiến, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa này, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thành phố.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có hệ thống quảng trường, công viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Song, vẫn đang thiếu một quảng trường trung tâm mang tính bề thế để phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân. Do vậy, đối với vấn đề đô thị hóa, Đà Nẵng nên lưu ý bố trí đất đai cho những công trình công cộng như: giao thông, công viên, quảng trường, khu biểu diễn hoành tráng, khu mua sắm… để níu chân, giữ du khách ở lại với thành phố.

Ngoài ra, liên quan đến các thiết chế văn hóa, ngành du lịch, văn hóa và các công ty lữ hành cần tăng cường phối hợp để phát triển lĩnh vực du lịch văn hóa, hình thành các tuyến tham quan những di tích văn hóa - lịch sử của thành phố. Trong việc này, thành phố cần tiếp tục đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích có giá trị trên địa bàn.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các hoạt động, sự kiện đặc sắc ở di tích, để làm sao người dân cảm thấy mình đang thụ hưởng những giá trị xứng đáng và khiến du khách tò mò, thích thú khi đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm.

XUÂN DŨNG ghi

Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202304/dien-dan-da-nang-lam-gi-de-tro-thanh-noi-dang-den-va-dang-song-nsnd-huynh-van-hung-nguyen-giam-doc-so-van-hoa-va-the-thao-tang-cuong-dau-tu-khong-gian-van-hoa-cong-cong-3943150/