NSND Quốc Anh: Đón giao thừa trên đường về quê ăn Tết cùng mẹ!

Ghi dấu ấn với khán giả về hình ảnh một ông xã trưởng xu nịnh, háu gái trên sân khấu chèo, nghệ sĩ Quốc Anh ngoài đời lại mang vẻ điềm tĩnh, giản dị. Trò chuyện với báo PL & XH trong một ngày cuối năm, nghệ sĩ Quốc Anh chia sẻ: “Dù đã gặt hái nhiều thành công với sân khấu chèo, thích gọi là nghệ sĩ chèo nhưng tôi vẫn còn một niềm đam mê khác đó là phim ảnh”.

Chào NSND Quốc Anh! Thực lòng nhận xét, so với một Quốc Anh trên sân khấu chèo, phim hài nhìn anh ngoài đời khác quá, nếu không muốn nói là “sốc” đấy!

(Cười) - “Thường thôi”… Một ông xã trưởng trên sân khấu chèo hay lão nông trên phim hài tất nhiên là phải khác với một Phó GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội chứ!
Đam mê chèo vậy trên cương vị quản lý, anh dành thời gian nào cho các vai diễn khi cũng thấy anh sở hữu hẳn “bộ sưu tập” Huy chương vàng?

Tôi không nghĩ đó là một lời khen. Khi ở cương vị quản lý, chúng tôi còn bận rộn hơn một người nghệ sĩ chỉ đứng diễn trên sân khấu. Các cụ xưa có câu: “Thầy già, con hát trẻ”. Vì thế, chúng tôi phải có ý thức lùi lại phía sau, nhường sàn diễn, nhường cơ hội diễn xuất cho lứa đàn em có cơ hội tỏa sáng. Sở hữu nhiều huy chương vàng, thâm niên công tác cũng đủ điều kiện cho tôi được đề nghị xét Nghệ sĩ nhân dân (NSND) trong năm nay. Và cũng phải 52 tuổi tôi mới đỗ… thủ khoa khi giành số điểm cao nhất của Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc 2011 với vở “Quan lớn về làng”.

Hơn 30 năm đứng trên sân khấu chèo, chắc anh có không ít kỷ niệm về nghề?

Đó là vở diễn “Oan khuất một thời”, tôi vào vai hình tượng Nguyễn Trãi. Thế nhưng, hồi đó tôi đang “nổi như cồn” với sân khấu hài kịch như Lý “lác” (Râu quặp), Thầy rởm,… Vì vậy, khi đưa hình ảnh Nguyễn Trãi đã hóa trang lên sân khấu, khán giả vỗ tay thích thú. Bởi họ nhận ra diễn viên hài… với bóng dáng Lý “lác”. Lúc đó, bản lĩnh sân khấu buộc tôi phải làm tốt, vượt lên chính những hình ảnh đó, đặc biệt là biết bóc tách, tính toán sao cho lối diễn của mình. Thế nên, ngay từ câu thoại nhân vật Nguyễn Trãi, cứ hút dần khán giả đến với vai diễn.

Theo anh, điều gì đưa Nhà hát Chèo Hà Nội trở thành “thương hiệu” vững vàng trong lòng khán giả Thủ đô và quốc tế?

Nhà hát đã mạnh dạn đầu tư nhiều vở diễn hay, thực hiện các dự án tìm kiếm khán giả như “Giới thiệu nghệ thuật chèo trong học đường và dự án “Long thành diễn xướng”. Qua thực hiện từ năm 2012, “Giới thiệu nghệ thuật chèo trong học đường” đã đi diễn 200/1.700 trường học trên địa bàn Thủ đô với hàng nghìn suất diễn, được lãnh đạo TP đánh giá cao. Dự án chương trình nghệ thuật “Long thành diễn xướng” đầu tư tiền tỷ từ năm 2014 với những tinh hoa nghệ thuật cổ xưa của Hà thành như: Chèo, xẩm, múa rối, ca trù, chầu văn tạo nên sắc màu thu hút khán giả trong và ngoài nước. Với tiềm lực sẵn có, Nhà hát Chèo có 3 đoàn biểu diễn, 140 diễn viên, nhân viên, và để nâng cao đời sống anh em nghệ sĩ, bên cạnh suất diễn tại 2 rạp Thủ đô (rạp Đại Nam và rạp 15 Nguyễn Đình Chiểu) còn đưa các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội đi tỉnh biểu diễn từ miền núi phía Bắc đến mũi Cà Mau. Có thể tự hào là riêng Nhà hát Chèo Hà Nội đến nay, các nghệ sĩ có thể sống được với nghề.

Với cương vị Phó GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội, anh nghĩ sao khi so với chèo cổ, dường như chèo hiện nay ngày càng ít những vở hay và phù hợp với nhịp sống hiện đại?

Chèo cổ và chèo hiện đại mỗi loại có cái hay và tính nhân văn riêng. Đổi mới hợp với thị hiếu khán giả nhưng vẫn phải giữ lại cái gốc của chèo. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo tồn các vở, điệu chèo cổ thì vẫn phải làm chèo mới. Và đã là chèo mới thì cách viết khác đi, đề tài mang tính thời sự, nội dung mới… Như vậy, bảo tồn không có nghĩa là nệ cổ, bất biến. Giữ được lòng chèo cổ nhưng phải mang hơi thở hiện đại. Từ thực tế đó, Nhà hát Chèo Hà Nội luôn năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm ngôn ngữ thích ứng với bối cảnh văn hóa, xã hội để chèo có đất sống mà vẫn đậm chất nhân văn.

Nghệ sĩ Quốc Anh trong vở diễn “Quan lớn về làng”. Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội

Khi nghe, xem và hát chèo, người ta như cảm thấy “chèo là hoa của mùa xuân, hương của lễ hội, tình của đời người”, và mùa xuân, cũng là mùa gặt hái của sân khấu chèo hẳn là thời gian cuối năm rất bận rộn? Xuân này, Nhà hát Chèo sẽ mang những gì độc đáo cho khán giả Thủ đô?

Tết Bính Thân 2016, Nhà hát chèo Hà Nội có nhiều chương trình cho đồng bào đón Xuân. Đêm 30 Tết có chương trình tại đền Ngọc Sơn, hát chèo, hát chầu văn, trích đoạn hài để công chúng đi lễ chùa, xem trong bầu không khí xuân. Các rạp hát sẽ có những buổi biểu diễn đón xuân. Hiện Nhà hát đang tập vở diễn “Đường công danh”, của tác giả Nguyễn Dương, một biên kịch trẻ của Nhà hát do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn. Nhìn lịch biểu diễn vào những ngày cuối năm, có thể khẳng định, nghệ thuật chèo sẽ tồn tại mà không mai một trong lòng khán giả.

Là nghệ sĩ chèo, nhưng tên tuổi Quốc Anh lại được khán giả biết nhiều hơn qua những vai diễn hài, điều đó có khiến anh chạnh lòng không?

Với riêng cá nhân tôi, dù “đá” sân với sân khấu hài kịch, điện ảnh, song tâm huyết vẫn dành trọn đời cho chèo. Tổ nghiệp cho mình có duyên với sân khấu nào, đó là may mắn khi được khán giả “nhớ mặt đặt tên”. Mặc dù chèo ngấm vào máu, nhưng có thể sau nghỉ hưu, tôi sẽ “đổi gió” với lĩnh vực phim ảnh.

Có vẻ như anh luôn muốn tiếp tục khám phá biên độ diễn của mình?

Điều ấn tượng trong tôi khi chạm ngõ môn nghệ thuật thứ bảy chính là vào vai GĐ Nam Thành trong “Ám ảnh xanh” - bộ phim truyền hình series “Cảnh sát hình sự”. Lần đầu vào vai diễn truyền hình dài tập, nhận một vai diễn khó, bởi vai diễn này không chỉ diễn cái ác đến tận cùng mà còn diễn sao thể hiện chút lương tâm còn lại. Khi nhận vai diễn, tôi đã đầu tư kĩ những tâm lý đặc biệt này bằng vốn sống, kinh nghiệm trường đời của mình. Và khi đóng những cảnh nội tâm, thể hiện sự lóe sáng chút lương tâm còn lại đó, tôi chỉ quay một “đúp” là xong. Khi diễn xong, tôi có hỏi đạo diễn Châu Huế có phải diễn lại không? Đạo diễn Châu Huế nói: “Nếu quay sang đúp khác sẽ hỏng”. Đồng thời, sau vai diễn này, rất mừng là tôi được nhà văn Chu Lai khen ngợi khi đã thể hiện được 50% tinh thần nhân vật của ông viết.

Gần đây, nhiều khán giả la ó về chất lượng hài Tết, các chương trình gameshow hài kịch đổ bộ truyền hình có nội dung nhảm – nhạt? Ý kiến của anh ra sao?

Phải khẳng định một điều, nhìn sân khấu hài cuối năm “luộm nhuộm”, không có chắt lọc, mạnh ai người nấy làm. Đa số chương trình gameshow truyền hình cứ có nhà tài trợ thì lên sóng, cũng như có nhà tài trợ thì làm đĩa hài Tết. Ngày nay, hài đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng. Hài có cái hay riêng, vẫn có tính giáo dục, thẩm mỹ cao. Nhưng chính tâm lý “sính hài” kéo theo tình trạng đổ xô làm hài, mỗi đơn vị có cách chế biến khác nhau, thành thử biến hài thành thứ hài hổ lốn. Để đúc kết, tôi nghĩ rằng các nhà quản lý cần lưu ý trong khâu kiểm duyệt, để sản phẩm hài có chất lượng, có tính giáo dục, thẩm mỹ cao.

Tết Bính Thân này anh có kế hoạch gì?

Khoảng mùng 2 Tết, tôi sẽ dẫn đoàn đi lưu diễn cho cộng đồng người Việt định cư ở Pháp, Đức, CH Séc, Ba Lan. Năm nay, tôi có tham gia đọc thơ trong một chương trình chào xuân nên cũng sẽ đón giao thừa trên… đường cao tốc khi về quê. Đã thành thông lệ, cứ sau khi kết thúc chương trình tại Hà Nội, tôi lại lái xe về Thanh Hóa để đón Tết cùng mẹ. Mẹ tôi năm nay cũng 85 tuổi nhưng khá minh mẫn và cũng như bao bà mẹ làng quê khác, vết hằn dọc ngang của năm tháng và thương nhớ con vô hạn.

Cảm ơn nghệ sĩ Quốc Anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh năm mới gặt hái nhiều thành công!

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/don-giao-thua-tren-duong-ve-que-an-tet-cung-me-105865