NSND Thanh Ngoan tiếp tục gắn bó với hát văn

Thanh Ngoan hát văn cực hay, khiến khán giả nghe chị hát văn một lần dường như không thể quên được.

NSND Thanh Ngoan (ảnh: Internet)

NSND Thanh Ngoan (ảnh: Internet)

Trong một lần đi dự diễn đàn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại tỉnh Lâm Đồng, thấy NSND Thanh Ngoan biểu diễn một số bài hát văn chào mừng, tôi cứ ngỡ Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc mời chị đi biểu diễn. Hóa ra, Thanh Ngoan đã "đầu quân" về Viện Phát triển Văn hóa dân tộc với chức vụ Phó trưởng Ban, sau khi rời ghế Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam.

Tôi biết NSND Thanh Ngoan khá lâu, từ hồi tôi còn làm việc ở Bộ Văn hóa-Thông tin. Đó là vào năm 2000, khi tôi dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình.

Lần đó, Thanh Ngoan vừa là diễn viên của Nhà hát chèo Việt Nam, vừa là người con của quê hương Thái Bình, cùng với NSND Thu Hiền, ca sĩ Hoàng Chè, được mời về dự lễ kỷ niệm và biểu diễn phục vụ.

Từ đó, tôi thường xuyên liên lạc với Thanh Ngoan, nhưng về sau, do thay đổi công việc nên chúng tôi cũng ít gặp nhau. Cho đến khi gặp lại Thanh Ngoan ở Lâm Đồng, tôi mới biết chị đã nghỉ hưu từ cuối năm 2022.

NSND Thanh Ngoan biểu diễn tại Lâm Đồng

Thanh Ngoan được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân từ năm 2019. Tên thật của Thanh Ngoan là Nguyễn Thị Bích Ngoan, sinh ngày 20/10/1966, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chị là con thứ 3 trong gia đình 5 anh chị em (3 gái, 2 trai), nhưng theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ có Thanh Ngoan và chị gái là diễn viên Đoàn Cải lương.

Sinh ra từ quê lúa Thái Bình nên những câu chèo đã ngấm vào máu của Thanh Ngoan từ thuở nhỏ. Khi mới 9 tuổi, Thanh Ngoan đã tập hát chèo và thường tham gia vào các phong trào ở xã và đi diễn ở các làng xung quanh.

Thành công bước đầu của Thanh Ngoan được đánh dấu ở Hội diễn Văn nghệ tỉnh, khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tặng danh hiệu Thanh thiếu niên xuất sắc vào năm 1979 - năm cô mới 13 tuổi.

Đó cũng là năm Thanh Ngoan trúng truyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam và bắt đầu trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp từ năm 1983. Cuộc đời của Thanh Ngoan bắt đầu sang trang mới kể từ đây.

Với khuôn mặt trái xoan, cặp mắt sắc như dao cau và nụ cười như hoa nở cùng với những âm thanh rành rọt, to khỏe và dứt khoát, giọng chèo của Thanh Ngoan có sức quyến rũ người nghe một cách lạ thường.

Vở chèo đầu tiên cô tham gia là vai Đào Huế trong vở Chu Mãi Thuần và vai nhỏ nhất Thanh Ngoan đóng là vai gánh tiền cho Tổng Cóc đi thi. Từ vai nhỏ không hề có thoại tới vai lớn, Thanh Ngoan đều yêu và trân trọng nó. Thanh Ngoan cũng là người đầu tiên đưa ca trù vào chèo với vai chủ quán Hồng Châu trong vở Hồ Xuân Hương. Cô diễn thành công cả vai đào lệch và đào thương.

Không chỉ thành công trong nước, Thanh Ngoan còn là gương mặt nổi tiếng tại nhiều nước trên thế giới về hát xẩm và bài xẩm Sướng khổ vì chồng là tác phẩm gắn với tên tuổi của chị ở nhiều nơi.

Suốt 43 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, giờ đây Thanh Ngoan được công chúng cả nước nhắc tới với cái tên thật giản dị, thân thương và gần gũi: “Ngoan chèo”.

Nhiều người nói Thanh Ngoan được cả sắc lẫn tài, vì vậy, ngoài những câu thơ tả về vẻ đẹp của Thanh Ngoan thì cũng có câu thơ như phần nào nói được những thăng trầm trong cuộc đời người nghệ sĩ: "Một vừa hai phải Ngoan ơi/ Tài tình chi lắm cho trời đất ghen".

Thanh Ngoan cũng trải qua nhiều khó khăn, sóng gió, có lúc nữ nghệ sĩ phải đứng giữa ngã ba đường của sự lựa chọn. Thênh thang trên con đường sự nghiệp, nhưng Thanh Ngoan cũng là người đàn bà đa đoan với hai cuộc hôn nhân.

Chồng đầu của Thanh Ngoan làm nghề phục vụ âm thanh ánh sáng cho đoàn diễn - một người đàn ông hiền lành, ít nói, nhưng do không hợp nhau nên năm 2000 họ chia tay khi đã có một con trai. Sau này cháu ở với Thanh Ngoan và cũng đã tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

NSND Tự Long và NSND Thanh Ngoan biểu diễn

Thanh Ngoan kết hôn với người chồng thứ hai làm nghề xây dựng, kém cô đến 7 tuổi, nhưng họ có cuộc sống hạnh phúc đủ đầy - mặc dù đến nay họ vẫn chưa có con chung. Người chồng rất thấu hiểu và thông cảm cho vợ, đặc biệt là thời gian Thanh Ngoan làm lãnh đạo Nhà hát chèo Việt Nam. Thanh Ngoan suốt ngày bận rộn với công tác quản lý và biểu diễn, hầu như không làm được việc nhà, nhưng chồng cô luôn vui vẻ, tạo điều kiện để vợ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thanh Ngoan chia sẻ: “ Chồng tôi là một người tuyệt vời, luôn thấu hiểu và tạo điều kiện cho tôi trong công việc, mặc dù anh ấy không hiểu biết nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng anh luôn động viên khích lệ tôi. Không những vậy, trong thời gian tôi bảo vệ luận án tiến sĩ Nghệ thuật học, nhiều đêm anh thức cùng tôi để động viên, chia sẻ”.

Là một diễn viên chèo nổi tiếng nhưng trong công tác quản lý, Thanh Ngoan cũng là người vững vàng, mạnh mẽ, có trách nhiệm, dám làm díam chịu và đã chèo lái "con thuyền" Nhà hát chèo Việt Nam vượt qua những lúc gian khó. Thanh Ngoan rất biết trân trọng tài năng của tập thể diễn viên và luôn sẵn sàng giúp đỡ những diễn viên mới vào nghề vượt qua khó khăn. Vì vậy, các diễn viên trẻ rất quý trọng nữ Giám đốc và coi cô như người mẹ thứ hai.

Thanh Ngoan hát văn cực hay, khiến khán giả xem chị hát văn một lần hầu như không thể quên được. Chính vì lẽ đó mà sau khi nghỉ hưu, từ tháng 2/2023, Thanh Ngoan đã đầu quân về Viện Phát triển Văn hóa dân tộc, với mong muốn được truyền dạy, nâng cao chất lượng cho các cung văn, những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thanh Ngoan chia sẻ: “Được Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan giới thiệu về Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc, tôi chấp nhận ngay, vì hát văn đã ngấm vào máu của tôi rồi. Trước đây, đi làm Nhà nước quá bận không đi sâu được vào lĩnh vực này. Bây giờ có nhiều thời gian hơn, tôi muốn tiếp tục được cống hiến những gì mình yêu thích, đặc biệt là lĩnh vực hát văn, diễn xướng trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - loại hình văn hóa đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện nhân loại”.

Giờ đây, NSND Thanh Ngoan đã lên chức bà nội, nhưng chị vẫn say sưa nghiên cứu và cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc dân tộc truyền thống của Việt Nam, để lan tỏa tâm huyết tới thế hệ trẻ, gìn giữ di sản của cha ông, bởi đúng như chị nói, nghệ thuật truyền thống "đã ngấm vào máu của tôi rồi"...

Anh Tuấn

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nsnd-thanh-ngoan-se-tiep-tuc-gan-bo-voi-hat-van-post166845.html