'NSND Trần Hạnh là tấm gương về làm nghề nghiêm túc, tử tế, tận tụy...'

'NSND Trần Hạnh luôn đóng những vai khắc khổ, hiền lành, nhưng tiếp xúc mới biết ông rất vui tính, hóm hỉnh', nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể về người anh, người đồng nghiệp.

NSND Trần Hạnh qua đời lúc 2h50 phút ngày 4/3, hưởng thọ 92 tuổi. Ông qua đời tại nhà riêng, do tuổi cao sức yếu. Tang lễ của NSND Trần Hạnh sẽ được tổ chức vào 9h30 sáng 6/3/2021 tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Ông làm nghề đóng giày thuê trước khi trở thành diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội. Ngoài những cống hiến trên sân khấu kịch, ông còn để lại một "gia tài" những vai diễn trong các phim "Truyện cổ tích tuổi 17","Tướng về hưu", "Người cầu may", "Chiếc bình tiền kiếp", "Hãy tha thứ cho em"...

NSND Trần Hạnh trong phim "Chiếc bình tiền kiếp".

NSND Trần Hạnh trong phim "Chiếc bình tiền kiếp".

NSND Trần Hạnh trong trái tim đồng nghiệp, bạn bè, đàn em... là người diễn viên tài năng, say mê, hết lòng tận tụy với nghề. Đạo diễn-NSND Nguyễn Hữu Phần xúc động nhớ lại thời gian quay "Chiếc bình tiền kiếp" - bộ phim điện ảnh đầu tiên đánh dấu bước chuyển của NSND Trần Hạnh từ sân khấu kịch sang màn ảnh.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể: "Chiếc bình tiền kiếp" lấy bối cảnh quay ở chính quê tôi, vùng đất Văn Giang, Hưng Yên. Ông Trần Hạnh cùng các diễn viên trong đoàn ở luôn nhà người dân, ông được mọi người trong làng rất quý trọng bởi tính ông cởi mở, dễ chịu, thân thiện. Đến giờ tôi về quê, dân làng vẫn hỏi thăm bác Trần Hạnh ra sao...

Vì là phim đầu tay nên mọi người làm việc rất hào hứng, nhiệt tình, say mê. Bác Trần Hạnh thuộc lớp diễn viên khóa đầu, đó là những người làm việc vô cùng tử tế, nghiêm túc. Ra hiện trường, bác không bao giờ dùng điện thoại, không bao giờ xảy ra tình huống không biết quay cái gì, bác luôn đến trước giờ quay. Bác chuẩn bị quần áo phục trang cẩn thận, tuyệt đối không bao giờ kêu ca hay phàn nàn bất cứ thứ gì.

Thời gian sau, khi tôi đi làm phim vẫn hay rủ bác Hạnh đi. Dáng dấp bác gầy gò, khổ khổ nên thường được chọn đóng vai khắc khổ, không đóng vai sang trọng bao giờ. Anh em trong nghề ai cũng yêu quý, thương mến bác, lớp diễn viên đàn em luôn gọi "bố Hạnh". NSND Trần Hạnh là tấm gương về làm nghề nghiêm túc, tử tế, hết lòng vì nghề. Chưa bao giờ tôi thấy bác mở miệng nhờ vả ai bất cứ điều gì, kể cả có giúp đỡ ông cũng không nhận".

NSƯT - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ về người anh, người đồng nghiệp đáng quý: "Nói đến NSND Trần Hạnh là nói về tấm gương của đức độ, tài năng, sự tận tụy với nghề nghiệp. Bác Trần Hạnh luôn đóng những vai khắc khổ, hiền lành, nhưng tiếp xúc mới biết ông rất vui tính, hóm hỉnh.

"Truyện cổ tích tuổi 17" là bộ phim đầu tiên NSƯT Trịnh Thanh Nhã trong vai trò biên kịch. Trong ảnh là một cảnh quay giữa NSND Trần Hạnh và nghệ sĩ Lê Vy.

Gương mặt của ông khiến khán giả dễ nghĩ đến những vai diễn khổ ải, ông chấp nhận nó, mặc định nó và hoàn thành yêu cầu của đạo diễn rất tốt. Theo tôi, NSND Trần Hạnh đã trở thành biểu tượng của những diễn viên chuyên đóng vai tuẫn nạn, tức là những người luôn chấp nhận chịu thiệt thòi về mình. Cũng có nhiều người hay đóng vai tuẫn nạn, nhưng trong cái dáng vẻ đôi khi vẫn còn đôi chút "sạn", nhưng với NSND Trần Hạnh, ông không phải gồng lên diễn. Cái dáng vẻ ấy toát lên từ đặc trưng căn cốt con người ông rồi. Đấy là ấn tượng lớn nhất khi tôi theo dõi sự nghiệp diễn xuất của ông".

Diễn viên Thanh Hương luôn gọi NSND Trần Hạnh bằng hai tiếng thân thương "bố Hạnh". Cô kể: "Thời gian mới đây, khi bố Hạnh được phong tặng danh hiệu NSND, hôm bố lên nhận bằng khen, bố rất tự hào, cười rạng rỡ. Hình ảnh đó tôi không bao giờ quên được. Mới đầu năm 2021 mà đã có quá nhiều mất mát, bố Hoàng Dũng (NSND Hoàng Dũng) rồi đến bố Hạnh ra đi, đó là mất mát lớn của đất nước, sau là của Nhà hát kịch Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" cho nghệ sĩ Trần Hạnh. Ảnh: Vũ Toàn

Trong tâm trí tôi, bố Hạnh là người rất hiền từ, đôn hậu. Khi đã cao tuổi bố vẫn đi đóng phim, song bố gần như không bao giờ chia sẻ sự mệt mỏi ở đoàn phim. Dường như có một nguồn năng lượng vô tận để bố làm nghề. Tôi đi quay cùng bố, thấy bố ăn rất ít, tôi hỏi: "Bố ơi, bố lấy năng lượng ở đâu ra ạ". Bố chỉ cười thôi, rất hiền hậu. Cách đây mấy năm, tôi may mắn được làm cùng bố trong một vài tác phẩm, lúc đấy bố vẫn khỏe. Buổi trưa, tôi hay rủ bố đi ăn, uống cốc bia. Tôi vẫn nhớ có một đúp quay đi quay lại, ông phải đi từ trên tầng xuống và mở cổng, cái cảnh cổng rất nặng. Lúc đấy bố đã già yếu lắm rồi, vậy mà lần nào diễn cũng như lần đầu tiên, bố không kêu ca phàn nàn đến một câu. Bố là tấm gương chúng tôi luôn nhìn vào để học hỏi và tự răn mình"./.

Theo Tố Uyên/VOV.VN

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202103/nsnd-tran-hanh-la-tam-guong-ve-lam-nghe-nghiem-tuc-tu-te-tan-tuy-2523678/