NSND Trần Hạnh: 'Người tốt của màn ảnh Việt'

Trong những ngày này, giới kịch nghệ miền Bắc một lần nữa lại đón nhận tin buồn, NSND Trần Hạnh ra đi, sau cuộc chia tay đầy tiếc thương của NSND Hoàng Dũng. Báo chí, công chúng nói về ông với rất nhiều thương cảm một cuộc đời của người nghệ sĩ tận hiến cho nghệ thuật nhưng cuộc sống vất vả, lận đận. Còn tôi, tôi tin, ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc. Và ông an nhiên bay về trời.

1. NSND Trần Hạnh qua đời vào 2h50 sáng 4-3 bên gia đình, hưởng thọ 93 tuổi. Bốn năm nay, mắt mờ, sức khỏe yếu, ông không còn tham gia đóng phim. Ông ra đi thanh thản, bình an, để lại nhiều tiếc nhớ cho khán giả và đồng nghiệp.

Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú không cần làm hồ sơ. Và mãi tận đến năm 2019, sau nhiều lần báo chí lên tiếng về những bất cập trong việc xét tặng danh hiệu, bỏ quên một người nghệ sĩ đáng kính, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Lần đó, ông rất xúc động. Tôi đã ghé thăm ngôi nhà nhỏ ở phố Trần Quý Cáp. Ông ngồi bán hàng giúp con gái, mắt đã mờ nhưng giọng nói vẫn còn rổn rang. Ông vui vì lâu lắm mới có dịp được bước chân đến Nhà hát Lớn, nơi đối với ông là một thánh đường sân khấu. Lần đó, ông nhận danh hiệu trong tiếng vỗ tay không ngớt của đồng nghiệp. Chỉ tiếc người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó của ông đã không còn để chia sẻ niềm vui đó.

NSND Trần Hạnh nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân ở tuổi 90.

NSND Trần Hạnh nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân ở tuổi 90.

Rồi ông kể cho tôi về những chuyến đi đóng phim, gian nan, thù lao cũng bọt bèo nhưng mà vui. Từ khi vợ mất (năm 2011), cuộc sống của ông gắn với nhiều những chuyến đi, hễ có phim hay, đọc kịch bản tốt là ông lại lên đường, nay ở Hà Nam, mai ở Ninh Bình, Thanh Hóa... Những vai diễn trên phim truyền hình được khán giả nhắc đến nhiều hơn và cái tên Trần Hạnh đã len lỏi đến hang cùng ngõ hẻm, được công chúng vô cùng yêu mến. Trên màn ảnh, ông đóng đinh với hình ảnh lão nông nghèo, hiền lành, khổ hạnh với những “Tướng về hưu”, “Hãy tha thứ cho em”, “Cỏ lau”, “Người đàn bà thứ hai”, “Làng nổ”,“Người vớt củi”, “Cuốn sổ ghi đời”, “Cha cõng con”, “Bão qua làng”, “Người cầu may”, “Chiếc bình tiền kiếp”, “Nước mắt đàn bà”, “Ngõ lỗ thủng”...

Nhưng điều đáng nói là, trong những khốn khổ của cuộc đời ấy, người nông dân trong các vai diễn của Trần Hạnh không khiến chúng ta bi quan về cuộc sống mà luôn hướng tới thiện lương, sự tử tế. Khán giả gọi ông là “người tốt của màn ảnh Việt”.

Đạo diễn Khải Hưng, người gắn bó nhiều năm với NSND Trần Hạnh chia sẻ: “Ông là người không nề hà bất cứ vai diễn nào, luôn cầu thị và học hỏi. Ông nói rằng, gương mặt tôi khắc khổ, nên đừng cho tôi những vai sang trọng. Có thể nói, điện ảnh Việt sẽ thiếu vắng một gương mặt nông dân điển hình như NSND Trần Hạnh”. Ông vào vai nhẹ như không, diễn mà như không diễn. Đó là nét duyên tài hoa của NSND Trần Hạnh, nó ẩn chứa ở chính đôi mắt biết nói và giọng nói ấm, vang của ông.

NSND Trần Hạnh trong phim “Bão qua làng”.

Đó cũng là thành quả của cả một chặng đường dài ông khổ luyện, không ngừng học hỏi để hoàn thiện từng vai diễn của mình. Những vai diễn của ông luôn mang lại cho khán giả cảm giác an lành, hướng thiện như chính cuộc đời ông vậy. Một trong vai diễn đầu tiên trên điện ảnh của Trần Hạnh là vai chính, ông Khiển trong phim “Người cầu may”.

Ông vào vai một ông già vì mơ trúng xổ số độc đắc nên mua vé số đến hết sạch tiền, mất cả xe đạp, bị vợ đuổi khỏi nhà phải lang thang bơm xe đạp kiếm sống. Nhưng vai ông Cần trong phim “Cuốn sổ ghi đời” của đạo diễn Tất Bình là vai diễn tâm đắc của ông. Trong phim, ông Cần là một người cha thương con, cố gắng lao động vất vả để mua cho mỗi đứa con một mảnh đất, thoát khỏi cảnh lượm nhặt ve chai. Ông chia sẻ, đây là vai diễn có nhiều nét tương đồng với cuộc đời ông.

Ông từng được trao giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 11 với vai ông “Thống” trong phim truyền hình “Ngõ lỗ thủng”. Trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1996, ông được nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong bộ phim “Nước mắt đàn bà”.

2. Giành nhiều giải thưởng và sự nổi tiếng cũng đến từ điện ảnh và phim truyền hình, nhưng với NSND Trần Hạnh, đó chỉ là mối tình thứ hai. Mối tình ông say và mê đắm nhất vẫn là sân khấu. Mỗi lần nhắc đến, NSND Trần Hạnh vẫn rưng rưng. Đó là nơi chàng trai trẻ, hào hoa của đất Hà Thành được tung tẩy với nhiều dạng vai khác nhau. Ông kể cho tôi nghe về những vở diễn đã đưa ông lên đỉnh cao của vinh quang, với những ký ức rực rỡ của một Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa”, hay một Vũ Khiêm trong “Tiền tuyến gọi”, một Uôm trong “Âm mưu và tình yêu”.

NSND Trần Hạnh.

Có lẽ, sân khấu vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người nghệ sĩ, nếu ai đã trót yêu và gắn bó. Với NSND Trần Hạnh cũng vậy. Nguyễn Trãi, vai diễn để đời của ông là một vai đáng nhớ mà vì nó, ông đã quên ăn, quên ngủ. Vì vai diễn đó, NSND Trần Hạnh đã phải lặn lội đi tìm thầy học đạo, học ngâm thơ theo lối cổ cả tháng trời, lọ mọ đến nhà hát chèo, cải lương để học từng bước đi đúng lề lối của người xưa.

Mất vài tháng miệt mài học, NSND Trần Hạnh mới nhận được cái gật đầu hài lòng của đạo diễn Trần Huyền Trân và sự yêu mến của khán giả. Vai diễn đó mang về cho ông Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu năm 1962. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã dành cho NSND Trần Hạnh lời khen: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.

Một NSND Trần Hạnh hào hoa, giai Hà Nội gốc, tung tẩy trên sân khấu kịch Hà Nội thập niên 60-70, thời thời vàng son của sân khấu nước nhà. Ông nhớ lắm cái không khí của sân khấu Hà Nội ngày đó, rạp Công Nhân, rạp Đại Nam khán giả xếp hàng dài mua vé. Những ngày 3 suất diễn, nghệ sĩ làm việc không có thời gian nghỉ. Chính vì được sống trong không khí của sân khấu Hà Nội những năm tháng vàng son đó, nên khi nghỉ hưu, NSND Trần Hạnh rút lui khỏi sân khấu chuyển sang đóng phim truyền hình. Bởi lúc đó, với ông, sân khấu đã không còn cái không khí đẹp và thơ ấy nữa.

NSND Trần Hạnh vào vai ông Thống trong phim “Ngõ lỗ thủng”.

Tôi còn nhớ, ông giữ rất kỹ cuốn album do đạo diễn Hoàng Quân Tạo - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội tặng. Đó là nơi lưu giữ hình ảnh những vai diễn của NSND Trần Hạnh trên sân khấu. Ông lật từng trang cho tôi xem những vai diễn, ánh mắt xúc động, rưng rưng. NSND Trần Hạnh không được đào tạo qua trường lớp, ông vào nghề tay ngang. Sân khấu đã cứu chuộc cuộc đời ông, một cậu bé con nhà tư sản sớm mồ côi bố, lang thang đi đánh giày thuê trên phố. Rồi ông được đưa vào đoàn văn nghệ, hàng ngày đi đánh giày, tối đi diễn văn nghệ.

Ông kể: “Đó là chương trình văn nghệ do Ban Tiểu thương Thủ công nghiệp tổ chức, sau đó tôi được chọn đi tập văn nghệ cho đội Thanh niên Hà Nội cùng một số nghệ sĩ bây giờ như Doãn Hoàng Giang, Minh Ngọc, Đoàn Dũng. Một thời gian sau đạo diễn Đình Quang xin cho tôi về Đoàn kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) và cuộc đời tôi gắn với những vai diễn từ đó”. Sân khấu đã mê hoặc ông, làm ông say. Ông mê kịch đến độ, nhận được vai diễn, ông quên hết mọi thứ tồn tại quanh mình, mặc con cái mè nheo, vợ bận bịu cơm nước, ông chỉ nhập tâm vai diễn và lời thoại. Thế nhưng khi tìm ra vai diễn, dù đi diễn về khuya, ông vẫn sẵn sàng ra giếng xách nước đổ đầy thùng cho vợ.

Những năm cuối đời, báo chí viết nhiều về ông, người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật nhưng cuộc sống đời thường chật vật, khốn khó. Mấy năm trước, ông ốm thập tử nhất sinh. Nghệ sĩ Chí Trung đã chia sẻ câu chuyện của ông trên mạng xã hội và được cộng đồng ủng hộ. Phải tế nhị lắm, ông mới nhận sự giúp đỡ của người khác. Con gái ông hiểu bố, ông dù nghèo nhưng rất tự trọng, không nhận giúp đỡ, không muốn phiền lụy bất cứ ai, kể cả con cái trong nhà.

NSND Trần Hạnh (trái) vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch “Lam Sơn tụ nghĩa”.

Ông vẫn sôi nổi đi đóng phim cho đến khi mắt đã mờ, đôi chân cũng không còn vững nữa. Bộ phim cuối cùng của ông đã đóng máy cách đây bốn năm, lúc đó ông 89 tuổi. Ông là trai Hà Thành hào hoa, nhưng lại vui với việc mình trở thành một hình tượng nông dân chính hiệu giữa đất Hà Nội. “Tôi mừng lắm vì vun vén được một hình tượng về nông thôn, người nông dân như thế quý lắm. Người ta xem phim cứ nghĩ phim vận vào đời, tôi vất vả, khổ sở lắm nhưng không phải đâu. Tôi sống vui vẻ, giản đơn lắm”.

Giờ thì “người tốt của màn ảnh Việt” đã bay về trời. Rất nhiều thương cảm dành cho ông, một cuộc đời nghệ sĩ nghèo, vất vả, lận đận. Cuộc sống ngoài đời của ông còn khổ hơn phim, khi rất nhiều biến cố đã xảy ra trong gia đình bé nhỏ ấy và ông luôn là người phải chống chọi, chèo lái. NSND Hoàng Cúc, người em thân thiết của ông ở Nhà hát Kịch Hà Nội nói, ông đã nuốt những phiền muộn vào trong lòng để làm việc và cống hiến cho khán giả. Như câu ông đã từng chia sẻ: “Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau”.

Linh Nguyễn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nsnd-tran-hanh-nguoi-tot-cua-man-anh-viet-633136/