NSND Văn Hà và Giấc mơ Opera Việt Nam

85 tuổi vẫn ăm ắp những trăn trở về nghề, đó là điều hiếm gặp ở những ai đã qua tuổi 'thất thập cổ lai hy' nhưng với Đạo diễn Opera- NSND Văn Hà lại là ngoại lệ. 'Những Opera studio thể nghiệm trong Nhạc viện; những thế hệ đạo diễn Opera trẻ tài năng; các chương trình Opérette mang đậm bản sắc dân tộc VN đương đại, tại sao không?'- NSND Văn Hà chia sẻ trong cuộc trò chuyện cùng VietTimes.

NSND Văn Hà.

Chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với Đạo diễn Opera- NSND Văn Hà vào những ngày mùa đông thật đẹp của năm 2019. Ông hồn hậu, thanh tao và đầy nhiệt huyết, say mê với những chia sẻ về đời và về nghề.

Chàng Văn Hà của ngày xưa, những năm đầu của thập kỷ 60 đã từng là thần tượng, là “bạch mã hoàng tử” của rất nhiều thế hệ các nữ diễn viên xinh đẹp. Còn NSND Văn Hà bây giờ, đối với nền nghệ thuật Việt Nam nói chung và lĩnh vực nghệ thuật Opera nói riêng, sau gần 6 thập kỷ ông vẫn “độc chiếm” vị trí “độc tôn” khi là đạo diễn opera tài năng số một và duy nhất tại Việt Nam được đào tạo bài bản, được bạn nghề cũng như người hâm mộ trong và ngoài nước công nhận.

NSND Văn Hà trong căn phòng nhỏ của riêng ông với rất nhiều kỉ vật về nghề mà ông vẫn trân trọng. Ông thường thả hồn trong tiếng nhạc thiền được mở nhè nhẹ từ căn phòng này.

Trong lời nhận xét của Hội đồng xét duyệt khi trao huân chương Lao động cho Đạo diễn- NSND Văn Hà có một phần ghi:

Nghệ sĩ Văn Hà là đạo diễn nhạc kịch đầu tiên và cũng là duy nhất đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc bác học VN. Là người đặt nền móng cho nền nhạc kịch và kịch hát VN.

Cho tới ngày hôm nay, qua suốt 56 năm vẫn bền bỉ hoạt động trong nhiều lĩnh vực: đạo diễn, tác giả, đào tạo cho nhiều thế hệ trong cả nước”.

Còn trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Viettimes hôm nay, chúng ta được biết tới một Đạo diễn Opera- NSND Văn Hà với những ý tưởng vô cùng đáng trân trọng dành cho sự phát triển nghệ thuật opera VN, những ý tưởng đó không khó để biến thành hiện thực, chúng ta cùng theo dõi, chia sẻ những điều ông tâm đắc và chờ đợi chúng biến thành sự thực…

Một trong những hình ảnh đẹp từ đêm diễn vở nhạc kịch Ý của chàng sinh viên Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Quốc Gia Matxcơva mùa đông đáng nhớ năm 1965 tại nước Nga.

Văn Hà chàng “da vàng- mũi tẹt” đáng tự hào của Opera VN

Đã rất nhiều bài viết ca ngợi tài năng của Đạo diễn Opera- NSND Văn Hà trong các chương trình được ông dàn dựng, những chương trình đó đã tạo ra một phong cách độc đáo (mang tính ước lệ của sân khấu truyền thống VN) làm lay động những cảm xúc đẹp đẽ trong mỗi chúng ta.

Từ khi còn là chàng sinh viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quốc Gia Matxcova chàng trai trẻ 30 tuổi Văn Hà của Việt Nam đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với chính những người thầy đáng kính là những “cây đại thụ” của nền âm nhạc hàn lâm bác học Nga cùng bạn bè quốc tế khi dàn dựng thành công các trích đoạn nhạc kịch kinh điển trên thế giới như: “Carmen” (Pháp), “Chiến tranh và Hòa bình” (Nga), “Porghi & Bes” (Mỹ), “Ruồi trâu” (Nga), “Epghenhi Onheghin” (Nga).

Cũng sau thành công của đêm diễn các trích đoạn này, vào một ngày mùa đông tuyệt đẹp của nước Nga, ngày 27/12/1965, chàng đạo diễn Opera trẻ tài năng của Việt Nam, Văn Hà, đã được ban lãnh đạo nhạc viện nơi chàng học tập mời dàn dựng tiếp vở opera “Pagliasso” của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý R. Leoncavallo.

Nghệ sĩ Văn Hà được Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trao Huân Chương Lao động cùng các nhạc sĩ trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ngay sau đêm diễn, Văn Hà đã được Ban Giám đốc và Đảng Ủy của Học viện cũng như Nhà hát, nơi ông biểu diễn, trước đông đảo khán giả cùng với niềm cảm xúc vỡ òa đã trang trọng trao cho Văn Hà tấm bằng khen cùng lời nhận xét mà cho tới bây giờ, NSND Văn Hà vẫn còn lưu lại nguyên văn trong cuốn hồi ký:

Với vở diễn mà đồng chí Văn Hà đã dàn dựng trong luận án tốt nghiệp, đã thể hiện là một đạo diễn nhạc kịch tài năng, một sự sáng tạo xuất sắc, một vở diễn tràn đầy xúc cảm, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ”.

Nữ diễn viên Ni-ku-no-va, người vào vai Nedda (vợ của Canio, một trong ba nhân vật nam chính của vở nhạc kịch) đã để lại lời nhắn trong tấm lưu bút cho Văn Hà: “Tôi biết ơn bạn, Văn Hà ạ. Bạn đã đem đến cho tôi niềm xúc cảm đầu tiên, trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của tôi”.

Đêm diễn đó gây hiệu ứng mạnh với khán giả nước bạn bởi họ tò mò và hiếu kỳ khi biết lần đầu tiên, tại Nhà hát, có một Đạo diễn Opera trẻ, người Việt Nam, dàn dựng một tác phẩm kinh điển, điều mà trước đó, chỉ có ở những nghệ sĩ lớn… da trắng mà thôi.

Văn Hà được phong tặng và đón nhận danh hiệu NSND do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Sau đó, khi về nước ở vị trí Tổng đạo diễn- Phó giám đốc Nhà hát Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc vũ kịch VN ông đã dàn dựng thành công, đóng góp một phần không nhỏ để xây dựng nền móng cho nền nghệ thuật Opera (nhạc kịch) và Opérette (kịch hát) tại Việt Nam nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng.

Hơn 40 tác phẩm nhạc kịch và kịch hát mà trong đó ông là người đầu tiên dàn dựng các tác phẩm nhạc kịch kinh điển thế giới như: “Ruồi trâu” (Nga), “Madame Butterfly” (Quý bà bươm bướm- Ý) … ông còn dàn dựng nhiều tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như “Cô Sao”, “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận), “Bông Sen” (Lưu Hữu Phước và Hoàng Việt), “Bên bờ Krông Pa” (Nhật Lai) …

Tạo dựng nền Opera và Opérette mang bản sắc dân tộc VN đương đại (!)

Với ước mong đưa nền nghệ thuật Opera và Opérette đến gần hơn với công chúng VN, đặc biệt là công chúng trẻ Đạo diễn Opera- NSND Văn Hà ước mong:

Đã từ lâu tôi cứ trăn trở, ấp ủ một ý nghĩ còn dang dở: Bên cạnh những tác phẩm kinh điển của thế giới mà ta đã giới thiệu với quần chúng khán giả Việt Nam, những tinh hoa của nền văn minh nhân loại thì nên chăng, nền nhạc kịch VN có thể tự điều chỉnh mình theo một xu hướng thích ứng phù hợp với tâm sinh lý và thẩm mỹ của đối tượng quần chúng hôm nay.

Có nghĩa là nhạc kịch của chúng ta vẫn tiếp thu những thủ pháp, những cấu trúc khoa học của dòng âm nhạc cổ điển bác học mà tinh hoa thế giới đã để lại, và rồi ta sẽ thổi vào đó cái hồn của những giai điệu như từ hơn nửa thế kỷ nay các nhạc sỹ của chúng ta đã tạo nên không biết bao nhiêu ca khúc bất hủ đi vào lòng người. Tùy theo nội dung, đề tài của câu chuyện mà có tính tìm tòi, sáng tạo. Thậm chí, ta có thể dung nạp cả những tiết tấu trong nhạc nhẹ như Pop, Rock, Dance, Jazz…

Với một ngôn ngữ âm nhạc như thế, mang những tiết tấu của thời đại công nghiệp ta không chỉ hy vọng và còn tin rằng nhạc kịch của chúng ta có sức lôi cuốn những người đương thời và đi vào mũi nhọn của đời sống. Bởi thế mạnh của nó là mang theo một cốt truyện như ông cha ta đã từng làm bao đời nay, những trò diễn, tích truyện trong tuồng, chèo, cải lương mà dân tộc ta vẫn thường đắm đuối mê say.

Nhìn ra thế giới, đã có rất nhiều những vở diễn mang phong cách và ngôn ngữ âm nhạc hiện đại có pha trộn Pop, Rock và đã có sức hút rất lớn đối với công chúng. Ví dụ như : The cat”, “Romeo & Juliet”, “Notre dame de Paris”…

Một lần nữa tôi muốn được nhắc lại, bên cạnh những tác phẩm kinh điển mà ta vẫn tiếp tục mang đến khán giả VN, những tác phẩm tinh hoa của nhân loại, thì chúng ta sẽ cố gắng vun đắp cho nền nhạc kịch VN một nền nhạc kịch mang đậm bản sắc dân tộc hiện đại. Điều mà bất cứ một dân tộc nào đều mơ ước và hướng tới”.

Tất cả đều mất đi, chỉ còn chữ Tình ở lại…

Ở vào thời điểm mùa đông của cuộc đời, NSND Văn Hà nghiệm ra : “Tất cả rồi sẽ qua đi, dù là tiền tài hay danh vọng mà chỉ còn chút Tình sẽ đọng lại”.

Chút tình đó với NSND Văn Hà là niềm an ủi của người vợ đã cho ông hai người con thành đạt.

Tấm poster về đêm diễn vở nhạc kịch kinh điển Ý có tựa đề "Paliasso" cùng những lời cảm xúc của bạn bè, khán giả trong đêm diễn mà NSND Văn Hà còn giữ tới bây giờ.

Chút tình đó trong nghề là niềm ước ao nền nghệ thuật Opera VN sẽ có những lớp thế hệ tiếp nối. Những lớp các đạo diễn Opera tài năng, được đào tạo bài bản. Những Opera Studio cho các sinh viên trẻ thực tập trong các Nhạc viện trước khi trở thành một nghệ sĩ thực thụ…

Chút tình đó là niềm tự hào dành cho người con trai, Nhạc trưởng Lê Ha My, người nối nghiệp cha làm nghệ thuật. Người con trai đó có 15 năm học piano chuyên nghiệp, tốt nghiệp Học viện Âm Nhạc VN, anh học tiếp chuyên ngành Chỉ huy tại Nhạc viện Quốc gia Moskva mang tên Tchaikovsky 10 năm và đạt Học vị Tiến sĩ Âm nhạc. Hiện nay, Nhạc trưởng Lê Ha My đang là Phó Giám đốc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh.

Trong đời sống, chúng ta có thể có rất nhiều câu chuyện cổ tích. Nhưng cổ tích vốn vậy, sẽ không thể là hiện thực bởi nó đẹp đẽ tới nỗi không được thực hiện nên nó mãi là câu chuyện để chúng ta chiêm nghiệm và nhìn nhận lại đời sống của mình. Còn thực tế đời sống, khi còn lại chút Tình ta nhất định phải vun vén, phải xây dựng cho dù chật vật, khó khăn, để còn lại, cho bây giờ và cả mai sau.

Thục Nhi

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nsnd-van-ha-va-giac-mo-opera-viet-nam-376170.html