NSƯT Bùi Công Duy: Tôi đóng 5 vai mỗi ngày

NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ cảm xúc khi trở lại với Điều còn mãi 2019, những quan điểm nghề nghiệp và cách anh cân bằng cuộc sống của mình.

Clip: NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ về Điều Còn Mãi 2019

- Trở lại với Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi năm nay, tâm trạng của anh thế nào?

Tôi vinh dự được tham gia Điều Còn Mãi từ những số đầu tiên. Buổi Hòa nhạc vào ngày lễ Quốc khánh 2/9 không chỉ người nghệ sĩ như tôi mà mỗi người Việt Nam đều mang cảm xúc thiêng liêng. Khi được biểu diễn tại Hòa nhạc Điều còn mãi tất cả nghệ sĩ, trong đó có tôi cũng đều tự hào.

Tham dự chương trình năm nay, tôi sẽ biểu diễn một nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Dương mang tên Bài ca chung thủy. Đây là một bài ca tình yêu sẽ được biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tôi dành nhiều tình cảm cho tác phẩm này và cũng đã có cơ hội biểu diễn tại các buổi hòa nhạc lớn.

- Áp lực lần trở lại Điều Còn Mãi năm nay với anh có nhẹ nhàng hay áp lực hơn ngày trước?

Điều Còn Mãi là buổi hòa nhạc quốc gia đại diện cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Chương trình mang thông điệp của một quốc gia, của dân tộc Việt Nam hướng tới đông đảo khán giả để nhắc nhớ lại niềm tự hào của chúng ta.

Khi ra sân khấu, dù là biểu diễn cho 1 người hay cho 1000 người áp lực chưa bao giờ là dễ dàng. Nghệ sĩ luôn cần có sự xúc động và áp lực mới mang lại những khoảng khắc đáng nhớ cùng giá trị nghệ thuật. Những người nghệ sĩ như chúng tôi dù có biểu diễn ở chương trình lớn hay nhỏ tất cả đều quan trọng và ý nghĩa như nhau.

Bùi Công Duy: Biểu diễn cho 1 hay 1000 người áp lực chưa bao giờ là dễ dàng.

Bùi Công Duy: Biểu diễn cho 1 hay 1000 người áp lực chưa bao giờ là dễ dàng.

- Giành huy chương Vàng tại cuộc thi Violin quốc tế Tchaikovsky năm 1997 khi mới 16 tuổi, anh còn là nghệ sĩ violon đầu tiên của Việt Nam được biểu diễn solo cùng dàn nhạc danh giá tại Berliner Philharmonie năm 2014. Những cột mốc này tác động đến cuộc đời anh như thế nào?

Mỗi người nghệ sĩ qua từng giai đoạn sẽ có một ước mơ khác nhau. Khi còn nhỏ, ước mơ là có được những giải thưởng lớn. Khi lớn hơn, ước mơ là được biểu diễn ở những nơi danh giá. Sau chu kỳ mười năm, mỗi người lại có một định hướng, một ước mơ và mục đích.

Tất cả chúng tôi đều mong muốn được diễn ở những nơi có nhiều khán giả biết đánh giá để thôi thúc mình luôn làm việc không ngừng nghỉ và hoàn thiện hơn cho những khoảnh khắc ấn tượng nhất trên sân khấu. Từ đó, nuôi dưỡng những giá trị nghệ thuật ngày một phát triển.

- Có cơ hội lưu diễn tại nhiều quốc gia, anh thấy nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Tuy mới có lịch sử 60 năm phát triển âm nhạc thính phòng cổ điển nhưng Việt Nam được thừa hưởng một hệ thống đào tạo bài bản. Đương nhiên, khi so với thế giới còn nhỏ bé nhưng chúng ta có đủ điều kiện và tín hiệu tích cực trong công tác tổ chức biểu diễn. Số lượng các nghệ sĩ nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn ngày càng tăng cũng là một trong những đích đến để hội nhập với âm nhạc thế giới.

Nhạc trẻ dù có thịnh hành đến đâu thì nhạc cổ điển vẫn luôn có vị trí không thay đổi. Một đất nước có nền kinh tế nghèo nàn hay vững mạnh nhạc cổ điển luôn có một vị trí riêng biệt, không thể thiếu và thay thế được. Mỗi thị trường cũng cần đa dạng các thể loại nhạc khác nhau, nhưng nhạc cổ điển có giá trị qua nhiều thế kỷ luôn được hoàn thiện và khẳng định.

NSƯT Bùi Công Duy bên các giám khảo và thí sinh tham gia cuộc thi Âm nhạc quốc tế Violon và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 được tổ chức tại Việt Nam tháng 8 vừa qua.

- Có ý kiến cho rằng tài năng thính phòng tại Việt Nam không thiếu, cái thiếu là môi trường để họ tiếp cận và tôi luyện. Quan điểm của anh về ý kiến này như thế nào?

Tài năng ở Việt Nam là có, nhưng không phải quá nhiều. Cái khó nhất hiện nay là hệ thống môi trường chưa đồng đều. Để phát triển về số lượng, chúng ta đang gặp nhiều thách thức mặc dù vẫn có những gương mặt và điểm nhấn nổi trội. Nếu có những chính sách tốt hơn trong đào tạo, những hoạch định mạnh dạn và cụ thể sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.

- Cũng có quan điểm, để trở thành một nghệ sĩ violin phải trải qua một quá trình dài hơi và tốn kém hơn các loại hình âm nhạc khác. Vì vậy, violin chỉ dành cho giới nhà giàu. Anh có suy nghĩ gì?

Để trở thành một nghệ sĩ violin giỏi, yếu tố giàu nghèo là quan trọng nhưng không mang tính quyết định. Trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ giỏi xuất thân từ những gia đình nghèo nhưng họ có đam mê, tài năng và họ vẫn vươn lên được. Theo tôi, yếu tố quyết định chính là đam mê với nghề.

- Bùi Công Duy còn là một người thầy đào tạo nhiều thế hệ tài năng âm nhạc trẻ tại Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về hành trình cùng các em chạm tới giải thưởng cao tại các cuộc thi quốc tế vừa qua?

Đó là một quá trình dài của sự tự học hỏi xung quanh, tự rút ra kinh nghiệm và trải nghiệm từ những cuộc thi nhỏ đến khu vực, quốc gia, châu Âu. Giảng dạy là một công việc thú vị giúp tôi có được kinh nghiệm áp dụng được ngay cả trong những tiết mục biểu diễn của mình. Ở các trường nhạc trên thế giới, có những người thầy 90 tuổi vẫn thực hiện công tác giảng dạy. Càng có tuổi họ lại càng dày dặn kinh nghiệm hơn.

- Vừa đảm nhận công việc giảng dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam kiêm thêm vai trò quản lý (NSƯT Bùi Công Duy đang làm Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia - PV) vừa cần mẫn với các chuyến lưu diễn và đêm nhạc, lại dành thời gian cho bản thân và gia đình. Anh cân bằng cuộc sống của mình như thế nào?

Tôi thường nói vui rằng một ngày tôi đóng đến 5 vai nên không bao giờ thấy nhàm chán và đó cũng là sự cân bằng. Buổi sáng sớm tôi đưa con đi học rồi đến trường làm thầy, buổi trưa làm quản lý, tối về là một người chồng, người cha, tối muộn lại là một người nghệ sĩ tập đàn. Tôi thấy cuộc sống của mình nhiều màu sắc và thú vị.

NSƯT Bùi Công Duy: Một ngày tôi đóng 5 vai nên không thấy nhàm chán!

- Đã quá quen mặt với các giải thưởng, có khi nào anh ngại đối diện với sự thất bại trong công việc cũng như đời sống?

Thất bại là chuyện bình thường, thậm chí là quan trọng khi giúp mình tốt lên và tỉnh táo, thực tế hơn. Không một người nào thành công mà chưa từng thất bại. Tôi nghĩ đó là việc cần thiết.

- Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ về chàng rể Bùi Công Duy: "Duy có tình yêu và nỗ lực khổ luyện là bởi cậu ta yêu nó. Tôi nhìn thấy rõ sự say nghề của Duy. Duy yêu âm nhạc đến cuồng tín". Sự cuồng tín của anh được bộc lộ như thế nào?

Sự cuồng tín đó theo giai đoạn, có những việc khiến mình mất ăn mất ngủ và say mê quên thời gian, đó là sự khát khao, đam mê. Trong cuộc đời, ai cũng có sự cuồng tín nhất định trong một công việc nào đó, bởi khi có sự cuồng tín ấy mục đích của mình sẽ lớn hơn. Khi mong muốn nhiều mình sẽ cố gắng hơn và chúng ta khám phá ra mình có khả năng làm được những việc cao cả hơn mình tưởng.

Huy Vũ

Video: Khánh Linh
Ảnh: Hòa Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/dieu-con-mai/nghe-si-bui-cong-duy-mot-ngay-toi-dong-5-vai-nen-khong-bao-gio-nham-chan-559393.html?utm_source=home&utm_medium=box_tindacbiet1&utm_campaign=desktop