NSƯT Đức Hải: Tôi từng bối rối khi dạy chính thầy của mình

Hiện tại, NSƯT Đức Hải đang đảm nhận Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.

Nhớ lại lần đầu tiên đứng trên bục giảng, được học trò xưng thầy, cảm xúc của NSƯT Đức Hải lúc đó thế nào?

Ngay lần đầu bước lên bục giảng, tôi rất mất bình tĩnh. Bởi, sinh viên của tôi lúc đó là những người học tại chức, lớn tuổi hơn tôi, thậm chí họ còn giữ chức vụ cao ở các đơn vị nghệ thuật, có cả nghệ sĩ từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu. Thực sự, tôi khá run và mất bình tĩnh.

Với nghệ sĩ Đức Hải, lúc đứng trên sân khấu và trên bục giảng có điều gì khác biệt?

Khi đứng trên khấu, nghệ sĩ được thả sức tung hứng với bạn diễn trong phạm vi cho phép. Hay bước ra ngoài đời, chúng ta có thể thoải mái vui đùa, tếu táo nhau mà không cần quá giữ ý. Nhưng, khi đã bước lên bục giảng thì dứt khoát không được ăn nói, hay có hành vi lố, quá đà. Hơn ai hết, bản thân những người làm thầy phải ý thức được điều đó.

Vậy giữa giảng dạy và diễn xuất, công việc nào đòi hỏi độ khó nhiều hơn? Hai công việc này có hỗ trợ cho nhau?

Thực ra, giữa nghệ thuật và giáo viên, mỗi nghề đòi hỏi mức độ khó khác nhau. Nhưng, đã theo nghề giáo đòi hỏi mình dù vui vẻ vẫn phải trong khuôn khổ chỉn chu, nghiêm túc, bài bản.

Đối với một người đã, đang và sẽ là diễn viên, sẽ có lợi thế khi bén duyên với công việc giảng dạy. Bởi, công việc diễn xuất sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm trong việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Ngược lại, nghiệp vụ giảng dạy cũng hỗ trợ rất nhiều cho nghề diễn trong khâu phân tích, chinh phục bạn diễn sẽ bài bản hơn. Hơn hết, trong cách diễn xuất của bạn sẽ chứa đựng những yếu tố tâm lý giáo dục, chứ không chỉ là một nghệ sĩ đơn thuần.

Những kỷ niệm “không thể nào quên” của thầy giáo Đức Hải trong suốt chặng đường làm người lái đò?

Suốt chặng đường theo nghiệp nhà giáo, tôi có rất nhiều kỷ niệm “không thể nào quên”. Có lần, tôi bước vào lớp, thì bất ngờ gặp một sinh viên rất đặc biệt vô cùng thân quen – đó chính là người thầy đầu tiên đã chỉ dẫn, dạy cho tôi những bài học đầu đời khi chập chững vào nghiệp diễn. Phải mất vài giây bối rối, tôi mới lấy lại bình tĩnh. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của từng người đều rất rõ ràng, và mọi người luôn tôn trọng, hỗ trợ cho nhau.

Có những học trò của tôi, họ là những NSND, giám đốc của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật. Điều này đòi hỏi người giảng viên phải rất bản lĩnh, nếu không sẽ xảy ra tình trạng đồng nghiệp dễ xuề xòa. Hơn nữa, nếu người thầy không chỉn chu, đàng hoàng thì khó lòng được mọi người tôn trọng. Ngược lại, nếu mình rạch ròi, đúng mực, vui vẻ, thì sẽ được mọi người tôn trọng và quý mến.

Trong mắt học trò, thầy giáo Đức Hải là một người thế nào?

Tôi là người vui tính, nhưng trong công việc tôi cực kỳ khó tính. Không ít lần họp hành, tôi tỏ thái độ khá nghiêm khắc, làm cho mọi người phân vân không biết là mình diễn hay thật. Nhưng, trước những sự việc không được như mình mong muốn thì diễn làm gì nữa. Thế nên, tôi quyết định thẳng thắn trong mọi vấn đề để công việc trôi chảy, hiệu quả về chất lượng giáo dục, đào tạo sinh viên.

Thầy giáo Đức Hải tự nhận mình là người cực kỳ khó tính trong công việc giảng dạy.

Vừa là nghệ sĩ, vừa là giảng viên, anh đối mặt với trở ngại, khó khăn gì?

Theo đuổi hai lĩnh vực: giải trí và giáo dục, bản thân tôi trở thành người đóng hai vai, thế nên cũng phải đối mặt với không ít trở ngại, khó khăn. Ban đầu, những giảng viên không thuộc lĩnh vực nghệ thuật trong trường như khoa ngoại ngữ, du lịch, họ không nghĩ tôi là giảng viên, hay cán bộ quản lý cấp cao, nên rất thân thiện bởi vốn đã quen tôi là nghệ sĩ trên sân khấu. Nhưng, khi biết vị trí và vai trò của tôi trong trường, nhiều người ngỡ ngàng vì không ngờ tôi là quản lý cấp cao của họ.

Trong hội đồng hay trong các cuộc họp giao ban có cả người cũ lẫn người mới, có nhiều người là thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí là viện sĩ viện hàn lâm thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong trường, đó cũng là rào cản, trở ngại khá lớn với tôi. Bởi, đẳng cấp của họ rất cao nên họ thăm dò mình nhiều. Tuy nhiên, khi tôi đã chinh phục được, thì rất được họ yêu quý.

Thực ra, dù trong hoàn cảnh nào, tất cả đều phụ thuộc vào cách dẫn dắt và chỉ đạo của người “cầm trịch”. Họ phục hay không phục, vui vẻ hay không vui vẻ do nhận thức và cách truyền đạt của mình.
Khi làm công tác giải trí, nếu tôi đứng ở vị trí giám đốc hay phó giám đốc của một đơn vị nghệ thuật, thì nhiệm vụ sẽ hoàn toàn khác với người phụ trách giáo dục. Điều này đòi hỏi sự khắt khe, phạm trù mức độ của nghề.

Cảm ơn những chia sẻ của NSƯT – thầy giáo Đức Hải. Chúc mừng anh nhân ngày 20/11!

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nsut-duc-hai-toi-tung-boi-roi-khi-day-chinh-thay-cua-minh-a347837.html