NSUT Hoàng Yến- Không tự động viên mình vượt dốc thì không thể tiếp tục

Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một tuyệt tác trong kho tàng văn chương Việt Nam, đã được sân khấu chuyển thể nhiều lần. Lần này, tác giả Lê Chí Trung viết thành kịch nói và đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng, Nhà hát Thế Giới Trẻ sản xuất. Và chính NSUT Hoàng Yến, Phó Giám đốc Nhà hát, là người từng đứng mũi chịu sào cho nhiều vở diễn nơi này, lại tiếp tục đầu tư. Nhưng lần này chị không cô đơn. Hiệu ứng mạnh mẽ từ vở Yêu là thoát tội đã tạo nên một ê kíp đồng cam

-PV: Đầu tiên xin hãy nói về chị. Tôi gọi chị là “con chim yến lạc loài phương Nam”. Gần 20 năm trước, chị từ miền Bắc vào đây hoạt động, xuất hiện trên sân khấu 5B với những vở rất nghệ thuật như Bảy sắc cầu vồng, Chuyện tình nữ phạm nhân… Nhưng rồi hình như sân khấu phương Nam chưa phù hợp với chị hay sao ấy, mà chị biến mất một thời gian rất lâu, trong khoảng thời gian đó chị làm gì?

-Thật sự tôi ôm ấp nhiều ước mơ nên đã rời bỏ cái tổ của mình là đoàn kịch nói Nam Định để vào Nam thử thách. Và tôi không trụ được lâu ở 5B. Tôi không trách ai cả, cũng không tự trách mình, chỉ nghĩ con đường đó chưa phù hợp thì mình tìm con đường khác, mình còn trẻ mà. Nhưng ở Nam Định bảo tôi phải chuyển biên chế cho đúng thủ tục, thế là tôi phải chuyển về Trường Đại học Công nghiệp, làm những việc không dính tới nghệ thuật. Được 2 năm, tôi buồn quá, may mà thầy Hà Quang Văn trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM cho tôi chuyển về trường, phụ trách giảng dạy. Nhưng tôi lại không có năng khiếu sư phạm, tôi thèm được diễn thôi. Trường thành lập Nhà hát Thế Giới Trẻ, tôi được điều sang làm Phó Giám đốc phụ với thầy Trần Ngọc Giàu làm Giám đốc. Đúng nghề của mình rồi.

 NSUT Hoàng Yến trong vở Yêu là thoát tội- ảnh HK

NSUT Hoàng Yến trong vở Yêu là thoát tội- ảnh HK

-Nhưng chị về Nhà hát Thế Giới Trẻ với muôn vàn khó khăn. Gần như người ta chỉ giao cho chị một chức danh, chứ kinh phí không có, sân khấu thì cũng cho thuê, bị lấy mất những “ngày vàng” là thứ 6,7, chủ nhật. Thấy chị nhẫn nhịn xoay sở, không hề than van, lên tiếng. Và chị đã tự bỏ vốn ra dựng những vở rất nghệ thuật như Âm binh, Cát trắng như gạo, Medea… Nhưng thực ra những vở đó lại kén khán giả. Chị chủ trương thế nào vậy?

-Tôi vốn không biết hơn thua với ai. Đành chịu thôi chứ than van cũng đâu ai thương mình. Tôi nghĩ thôi thì mình như đơn vị xã hội hóa, mình tự lực vậy. Bỏ vốn ra thì được rồi, nhưng đơn vị xã hội hóa khác còn diễn được ngày vàng, đằng này tôi chỉ có từ thứ hai đến thứ năm, ai mà đi xem. Mà mỗi suất diễn đều trả tiền thuê rạp chứ đâu có miễn phí. Lại không được bán vé ở phòng vé. Tôi đã năn nỉ công ty Sài Gòn Phẳng cho tôi gởi vé ở đó để bán, tôi chịu hoa hồng cho họ, nhưng họ cũng không cho. Tôi đành đi “bán dạo”, là lên mạng, là bán qua người quen. Thôi kệ đi. Miễn được làm vở là vui rồi. Những vở đó kén khách thật, nhưng tôi chủ trương làm nghệ thuật nghiêm túc, để mình và bạn bè được thăng hoa. Một năm mình làm được bao nhiêu vở đâu, cả đời mình cũng chưa chắc làm được bao nhiêu, thôi cứ làm theo sở trường của mình, chứ chạy theo sở đoản chưa chắc thành công.

Cùng họa sĩ Trí Đức trong vở Cát trắng như gạo- ảnh HK

-Đến Yêu là thoát tội, một vở kịch lịch sử nói đến một nhân vật tuy không gọi đích danh nhưng ai cũng biết đó là Nguyễn Trãi, thì ban đầu cũng khá gian nan. Nhưng sau đó thì nhiều khán giả và báo chí đi xem, mới công nhận nó hay, cuối cùng đoạt huy chương bạc trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018, cùng với 6 HCV và HCB cho diễn viên. Và chưa đầy một năm, Yêu là thoát tội đã có hơn 20.000 lượt khán giả, đa số là sinh viên. Thành công này đã đền bù xứng đáng cho những gian nan mà chị chịu đựng. Từ đây chị đã có một ê kíp bạn bè đồng cam cộng khổ, tiếp tục nắm tay nhau bước tiếp với vở Kiếp hồng nhan. Chị đã thấy hài lòng hay chưa?

-Vâng, vui thì rất vui đấy ạ. Nhưng gọi là hài lòng thì e rằng mình lại sinh ra lười biếng, dừng chân mất thôi. Chỉ có thể hiểu rằng, hài lòng là thở phào vượt qua một cái dốc, hạnh phúc tí rồi lại tiếp tục vượt cái dốc mới. Không hài lòng, không tự động viên mình thì không đủ sức đi nữa đâu. Lần này các bạn cùng nhau bỏ vốn chứ tôi không còn cô đơn nữa. Tôi cảm động ở chỗ khi dựng Yêu là thoát tội anh em cùng chia sẻ khó khăn, không ai đòi thù lao gì hết, cứ vì mê mà làm, vì yêu mà diễn. Giờ gặt hái chút kết quả, phấn khởi lắm, lại nói vui chúng mình cùng “start up” nhé, cùng “cổ phần hóa” nhé, để vở Kiếp hồng nhan ra mắt hoành tráng hơn. Một mình tôi thì ít vốn, nhưng cả chục anh em tiếp sức thì có cả tâm lẫn lực, tự tin hơn.

NSUT Hoàng Yến trong Âm binh- Vở diễn do chị đầu tư - ảnh HK

-Chị có thể tiết lộ thêm về vở Kiếp hồng nhan?

-Vở này tác giả Lê Chí Trung gần như đo ni đóng giày cho các diễn viên. Chúng tôi chọn người trước, rồi anh ấy cứ nhìn người thế nào thì viết cho phù hợp. Chúng tôi nể sức làm việc của anh ấy. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu sẽ dựng rất hiện đại, phối hợp với tranh cát của họa sĩ Trí Đức, âm nhạc của Phùng Tiến Minh và trang phục của Sĩ Hoàng. Bởi khán giả của chúng tôi hầu hết là sinh viên, nên chúng tôi phải tìm cách kể chuyện sao cho mới mẻ. Tạm gọi là một nàng Kiều rất hiện đại. Và có lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo hướng dựng kịch lịch sử- văn học Việt Nam như thế này

-Giờ chị mơ ước điều gì? Chị có mơ một sân khấu ổn định để làm nghề hay không?

-Ai mà không mơ như vậy. Khán giả chúng tôi cứ bảo họ rảnh ngày thứ bảy, chúa nhật sao không diễn cho họ xem. Tôi chịu. Mà thôi, cứ tạm coi bây giờ là ổn định. Chỉ còn mơ một điều là các trường đến xem chúng tôi, rồi hài lòng, và hợp đồng nhiều suất cho sinh viên xem. Chúng tôi hướng tới giới trẻ, mong từ sân khấu họ sẽ thêm yêu lịch sử và văn học.

- Chúc chị và cả ê kíp bạn bè thành công với tâm huyết này.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nsut-hoang-yen-khong-tu-dong-vien-minh-vuot-doc-thi-khong-the-tiep-tuc-164655.html