NSƯT Tiến Hợi: Đôi khi 'mượn' giọng Bác gửi lời chúc Tết

Hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ, đến nay NSƯT Tiến Hợi được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả ba lĩnh vực: Sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Chúng tôi đã gặp anh trong một ngày cuối năm, cùng nghe anh tâm sự chuyện Tết.

Nghệ sỹ Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ trong chương trình “Nhớ lời Bác dặn”.Ảnh: NVCC

Bận rộn cũng là niềm vui

+ Xin chào NSƯT Tiến Hợi! Được biết anh sinh năm Kỷ Hợi, có phải vì thế mà bố mẹ lấy luôn năm sinh để đặt tên cho anh?

- Đáng lý ra tên tôi là Viên đấy chứ. Tôi nghe mẹ kể lại, khi mẹ sinh tôi, bố đang đi công tác ở TP Venice của nước Áo. Nghe Đại sứ quán thông báo mẹ sinh con trai đầu lòng thì bố đã định đặt tôi tên Viên để kỷ niệm. Nhưng ông nội phản đối. Ông bảo sinh năm Kỷ Hợi (năm 1959) thì đặt là Hợi. Có lẽ ông nghĩ Nguyễn Kỷ Hợi thì kỳ quá nên lấy khai sinh là Nguyễn Tiến Hợi.

+ Tết là thời điểm gia đình quây quần bên nhau sau một năm dài vất vả thì thường là dịp các nghệ sĩ bận rộn nhiều hơn. Với cá nhân anh, dịp Tết thế nào?

- Chúng tôi cũng như các nghệ sĩ trong các nhà hát khác đều được nghỉ Tết theo đúng quy định Nhà nước. Nhưng do tính đặc thù nghề nghiệp nên khi được yêu cầu biểu diễn ở đâu thì chúng tôi vẫn xách balo lên và đi như thường. Vì thế tất cả anh em trong Nhà hát luôn trong tư thế sẵn sàng. Dù có về quê hay đi du lịch cũng phải thông báo trước để “lách” lịch diễn phục vụ Tết.

+ Anh có thể chia sẻ về một cái Tết anh đã từng bận rộn?

- Có thời kỳ ở Nhà hát Kịch Hà Nội thường xuyên dàn dựng những chùm hài kịch phục vụ Tết cũng như các ngày lễ lớn phục vụ quần chúng nhân dân tại phố đi bộ, đội ngũ diễn viên chúng tôi đêm 30 Tết vẫn còn diễn. Chúng tôi diễn miệt mài, có khi chỉ được nghỉ mùng 1 Tết, đến mùng 2 lại bắt đầu trở lại với công việc.

Nhà hát chúng tôi được giao chỉ tiêu là phải đi diễn phục vụ khán giả bất kể ngày nào, kể cả Tết nên chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc. Nhưng chúng tôi vui vì có những lần trong lúc chờ diễn, khán giả kéo đến bày tỏ ngưỡng mộ xin bắt tay, rồi chúc mừng, chúc Tết tíu tít, khoác vai bá cổ chụp hình. Hay những lần diễn ở địa phương, dù hàng quán đã đóng cửa họ vẫn mở lại để phục vụ nghệ sĩ.

Nhiều lần đi diễn về đến nhà thấy bạn bè khách khứa đến chơi cũng chỉ kịp chúc nhau chén rượu xong lại vội vã xin phép đi. Lại lên Nhà hát, anh chị em đồng nghiệp nắm tay nắm chân chúc Tết tưng bừng rồi cùng lên đồ, lọ mọ đưa nhau đi đến 10-11h đêm mới về.

Nhưng ngày Tết mà, thời điểm đó dù là đêm muộn thì mọi người vẫn ngồi quây quần bên nhau, vẫn kể cho nhau nghe những chuyện hàng ngày, vẫn cùng nhau tận hưởng không khí Tết. Tôi thấy bận rộn cũng là niềm vui.

Thích cái Tết đơn giản ấm cúng

+ Bận rộn là thế, anh chuẩn bị Tết cùng gia đình như thế nào?

- Tôi có thói quen thu xếp công việc đưa vợ đi mua hoa, cây cảnh, nhỏ xinh để chơi Tết vào chiều cuối năm, thường là 29 Tết cho rẻ. Tôi tiết kiệm mà.

Chỉ là cành đào, cành quất nhỏ thôi nhưng năm nào cũng sắm đầy đủ. Tôi quan niệm không phải cứ “chơi” cây to đùng mới là Tết. Không khí Tết ấm cúng có hoa, có đào, có quất, có chút bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… thế là vui rồi!

Vài năm trước, nhà tôi cũng nấu bánh chưng để các con biết cảm giác trông nồi bánh. Nhưng giờ con cái trưởng thành cả rồi, nhu cầu ăn không nhiều, điều kiện không gian không có nên vợ tôi thường đặt 3-4 tấm bánh chưng để thắp hương gia tiên thôi. Kể ra, nếu vẫn giữ được thói quen xưa thì vẫn vui hơn.

+ Hơn 30 năm với trên 40 tác phẩm từ sân khấu đến điện ảnh và truyền hình với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa kể mỗi tác phẩm diễn vài trăm buổi, anh có chịu ảnh hưởng nhiều từ Bác không?

- Để vào vai Bác Hồ, tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu và thể hiện cả nghìn lần, nếu nói không ảnh hưởng thì cũng không đúng nhưng là sự ảnh hưởng không rõ nét vì tôi biết cách áp dụng cách sinh hoạt, tư duy sống của Bác sao cho hợp lý tùy vào hoàn cảnh của gia đình.

Nhiều năm “gắn bó” với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi học được gì? Đó là tính tư tưởng, đạo đức, phong cách tiết kiệm, lối sống giản dị, chan hòa vì mọi người.

+ Vai Bác Hồ gần như gắn bó với anh suốt sự nghiệp nghệ thuật. Có Tết nào anh được yêu cầu diễn lại cho bạn bè hay gia đình xem không?

Thực ra là không. Nếu vào vai Bác Hồ thì liên quan đến phần hóa trang, mà để hoàn chỉnh hình ảnh thì mất rất nhiều thời gian. Điều kiện không phù hợp, hơi khó nên thay vào đó tôi thể hiện bằng giọng nói. Thi thoảng tôi “mượn” giọng Bác Hồ để chúc Tết mọi người. Đó là những lời Bác chúc Tết cả nước vào mùa xuân 1968-1969. Tôi có một lợi thế, quê gốc ở TP Vinh (Nghệ An), cách quê Bác gần 20km nên dùng ngữ điệu của Bác khá chuẩn. Nghe xong mọi người bày tỏ cảm giác rất vui như nghe thấy lời Bác chúc Tết năm xưa.

Ăn kiêng để giữ hình ảnh Bác Hồ

+ Anh thường xuyên nhận được lời mời sự kiện kỷ niệm liên quan đến Bác Hồ. Vậy anh có chế độ ăn uống để giữ hình ảnh cho khớp khi vào vai không?

- Có chứ. Có những lần tôi nhận kịch bản trước 1 tháng đóng hình tượng Bác khi ở chiến khu, thời điểm đó Bác rất gầy. Tôi đã phải ăn kiêng, thức khuya, tập thể dục để “ngót” đi đôi chút. Sau đó cộng với hiệu ứng hóa trang, tạo khối, đánh má hóp thì mới đạt hình ảnh đấy.

Bây giờ, tôi đã có tuổi nên cân nặng không được như xưa, nhưng cũng may vẫn giữ phom dáng dong dỏng.

Ngay cả vào dịp Tết tôi cũng phải chú ý ăn uống điều độ để kiểm soát cân nặng đề phòng những vai diễn “bất chợt”.

+ Vợ anh có phải “nhắc nhở” không hay tự anh ý thức điều đó?

- Riêng về phần diễn xuất thì vợ tôi luôn tin tưởng tôi. Còn phần hóa trang tôi luôn luôn tin tưởng vợ. Thú thật, năm 1987 khi dựng vở “Đêm trắng”, Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 có cử một nữ diễn viên đi học hóa trang tại nhà cố NSƯT hóa trang Nhữ Đình Nguyên. Và người hóa trang Bác Hồ cho tôi từ đó đến tận giờ, theo tôi đi hàng trăm chương trình sự kiện, các vở diễn sân khấu, truyền hình chính là vợ tôi bây giờ. Bật mí, cô là Vương Đạm Thủy, quê Nam Đàn (Nghệ An). Lại xin bật mí tiếp, cô ấy còn trùng ngày tháng sinh với Bác: 19/5/1966.

+ Năm 2019 là năm Hợi, anh và gia đình có kế hoạch gì đặc biệt hơn vào năm tuổi không?

- Năm 2019 với tôi khá đặc biệt. Đó là năm tuổi và tôi vừa tròn 60, cũng là năm cháu gái nội - thiên thần nhỏ đáng yêu đón cái Tết đầu tiên bên gia đình. Nên chắc năm nay nhà tôi ăn Tết “to” tưng bừng.

Nói vui vậy thôi, thú thật, gia đình tôi cũng ít đi xa vào dịp Tết vì tôi là con trai trưởng, cả năm bận rộn, Tết là dịp nhớ đến ông bà, tổ tiên. Việc hương khói, đón xuân, đón Tết ấm cúng vui vẻ, quây quần phải duy trì. Những năm đi diễn xa thì tôi vẫn thắp hương báo cáo tổ tiên nội ngoại, làm tròn bổn phận rồi mới lên đường.

+ Xin cảm ơn chia sẻ của anh!

Thi thoảng tôi “mượn” giọng Bác Hồ để chúc Tết mọi người. Đó là những lời Bác chúc Tết cả nước vào mùa xuân 1968-1969.

Mai Phạm (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nsut-tien-hoi-doi-khi-muon-giong-bac-gui-loi-chuc-tet-20190124085029187.htm