NSƯT Tố Nga: Hát để tri ân!

Hai năm nay, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), NSƯT Tố Nga lại cho ra mắt MV để tri ân những người lính, những thương binh - liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc. Mới đây, chị tiếp tục ra mắt MV 'Gửi vào thương nhớ', khiến ai được nghe cũng đều nghẹn ngào…

Cảnh trong MV “Gửi vào thương nhớ”. Ảnh: Hữu Long

Như một định mệnh...

Nhắc đến NSƯT Tố Nga, công chúng nhớ ngay một giọng hát khó trộn lẫn và cũng chưa quên MV xúc động “Cúc ơi!” của chị ra mắt dịp 27/7 năm ngoái. Thành công của “Cúc ơi!” đã khiến Tố Nga quyết định không thực hiện một MV tương tự vì ngại sự trùng lặp đề tài. Thêm vào đó, sau những vất vả quay “Cúc ơi!” năm ngoái, Tố Nga tự nhủ không nên đầu tư làm sản phẩm hoành tráng, kỳ công đến như vậy nữa. Vậy nhưng, năm nay, Tố Nga trở lại cũng bằng việc ra mắt MV “Gửi vào thương nhớ” vẫn với đề tài về người lính.

NSƯT Tố Nga chia sẻ, việc thực hiện MV “Gửi vào thương nhớ” như một định mệnh. Cứ như có ai đó xui khiến khi chị bắt gặp ca khúc “Gửi vào thương nhớ” của nhạc sĩ Lê Trọng Lập phổ nhạc từ bài thơ “Viếng mộ ba” của nữ tác giả Minh Ngọc. Bài thơ hết sức dung dị, nhẹ nhàng, là lời tâm sự của người con gái thủ thỉ bên mộ cha vào ngày 27/7. Cô gái kể về nỗi nhớ cha, về mái tóc trắng sương của mẹ, cùng lời hứa sẽ sống thật tốt để noi gương ba, hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Nếu “Cúc ơi!” phải mất 12 năm ấp ủ để hoàn thành thì với “Gửi vào thương nhớ”, NSƯT Tố Nga cùng ê-kíp thực hiện trong vòng 1 năm với những xúc cảm mãnh liệt…

MV “Gửi vào thương nhớ”, do đạo diễn Lam Hạ thực hiện đã chọn Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) để ghi hình. MV kể về tình cảm của người con gái đối với người cha đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc. Ước nguyện của người cha từ khi cô gái còn nhỏ đã bộc lộ năng khiếu ca hát thì sau này lớn lên con sẽ được hát giữa một dàn nhạc giao hưởng lớn.

Vì thế, trong buổi thi tốt nghiệp thanh nhạc, cô gái đã xin phép hội đồng chấm thi cho phép mình được thể hiện phần thi tại Nghĩa trang Đường 9. Điều vốn không có trong tiền lệ, nhưng vì lời khẩn cầu tha thiết của cô sinh viên nên hội đồng đã chấp thuận. Cô đã đưa cả dàn nhạc ra giữa nghĩa trang hát cho cha mình, cho những đồng đội của cha đã ngã xuống nằm tại nơi đây cùng nghe.

NSƯT Tố Nga và dàn nhạc giao hưởng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Hữu Long

Đưa dàn nhạc giao hưởng đến Nghĩa trang Đường 9

Ý tưởng nhiều khi khác xa với thực tế, ê-kíp cùng nghệ sĩ hiện thực hóa điều này không đơn giản. Trước khi quay, chị cùng đạo diễn bỏ nhiều tháng trời ròng rã đi tìm bối cảnh, đạo cụ. Tố Nga tiết lộ, riêng chiếc đàn piano ba cánh đúng như yêu cầu của đạo diễn ở Quảng Trị phải thuê và đưa từ Huế vào. Đặc biệt, việc tổ chức một dàn giao hưởng 40 người ra quay tại Nghĩa trang Đường 9 cũng nhiều khó khăn. Cuối cùng, Tố Nga đã mời các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Huế vào hỗ trợ. MV “Gửi vào thương nhớ” phải sử dụng đến 400 diễn viên quần chúng vào vai bộ đội.

Đạo diễn Lam Hạ không tái hiện khung cảnh một cuộc chiến khốc liệt với bom rơi, đạn nổ, bi thương như người ta vẫn nghĩ về những thước phim chiến tranh. Câu chuyện hậu chiến được khắc họa một cách nhẹ nhàng nhưng khiến người xem ám ảnh, thấy đau thấu tận tim, dâng trào nước mắt. Trước khung cảnh mái nhà tranh vẫn thế, giấc mơ hồn nhiên vẫn thế, những luống rau mẹ trồng vẫn xanh ngắt nhưng chỉ có cha đi là không về. Để cho bài hát vẫn còn dang dở, đôi mắt trẻ thơ cứ cồn cào những mong chờ… Mỗi người xem đều sẽ thấy nhức nhối đến tê dại theo bước chân liêu xiêu trên đường làng ngày vợ dại, con thơ nhận tin báo tử.

“Việc chuẩn bị cho cả một đoàn quay mấy chục nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt việc di chuyển đàn piano ra nghĩa trang là cả thách thức, khó khăn đối với ê-kíp. Mọi người vừa chuẩn bị xong đâu vào đấy thì trời bắt đầu mưa như trút nước. Tôi nhìn trời nhìn đất mà bật khóc vì chỉ còn 3 tiếng nữa là hết nắng, nếu không quay được thì vỡ trận. Lúc ấy, tôi đưa mắt tìm kiếm mà không thấy chị Tố Nga đâu. Tôi hiểu chị cũng không dám đối mặt với cảnh tượng đang diễn ra nên trốn ở đâu đó. Một tiếng đồng hồ mưa tầm tã trong nỗi lo lắng khôn cùng của chúng tôi thì đột ngột mưa ngừng. Trời sau mưa lại đẹp hơn bao giờ hết, cả một bầu trời xanh mây trắng vần vũ…”, đạo diễn Lam Hạ chia sẻ.

Cùng với NSƯT Tố Nga, diễn xuất của các diễn viên trong MV là nghệ sĩ Xuân Trường (vai người bố), diễn viên Vân Anh (vai người mẹ) và bé Thỏ (vai Nga thời nhỏ) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Cách diễn xuất dung dị, nhẹ nhàng của các diễn viên làm nổi bật lên những bình yên, hạnh phúc bình dị đến nỗi không ai nỡ khuấy động của gia đình nhỏ dưới mái tranh nghèo.

Gọi là MV, nhưng “Gửi vào thương nhớ” có dáng dấp của một phim ngắn, với độ dài hơn 8 phút. Với “Gửi vào thương nhớ” cũng cho thấy Tố Nga ở một góc độ khác trong âm nhạc, bởi đây là một ca khúc nhạc nhẹ, không thuộc sở trường của chị. Nhưng Tố Nga đã rất khéo léo khi xử lý ca khúc vẫn phảng phất màu dân gian đầy lôi cuốn, tình cảm với một sắc thái riêng biệt.

Có một chi tiết ít người biết, đó là NSƯT Tố Nga mong muốn thực hiện một liveshow kỷ niệm 25 năm ca hát vào dịp cuối năm nay. Thế nhưng, việc thực hiện MV “Gửi vào thương nhớ” đã khiến chị dồn hết tâm sức và vét sạch kinh phí dự kiến làm show.

“Thông thường để đánh dấu sự nghiệp người ta hay chọn những cái là thế mạnh nhưng với Tố Nga việc làm những MV về chiến tranh như sứ mệnh ai đó đặt lên vai mình. Khi quyết định làm MV về chiến tranh để ghi dấu, viết thêm giai điệu đẹp trong sự nghiệp 25 năm ca hát thì đó là quyết định đem tới cho Tố Nga thêm nhiều người đồng cảm. Tố Nga thỏa mãn với quyết định của mình bởi có được những cảm xúc trong quá trình làm MV, đó là những cảm xúc đong đầy và đó là những giá trị ý nghĩa với Nga có được cho tới những ngày hôm nay”, nghệ sĩ Tố Nga chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nsut-to-nga-hat-de-tri-an-4022003-b.html