NTK chủ thương hiệu May House 'vứt con vào khó khăn để trải nghiệm điều quý giá'

Nhà thiết kế chủ thương hiệu May House ''ném'' con vào cuộc sống tự lập, dạy con làm bánh bán lấy tiền tự mua xe đạp, điện thoại.

Khi Bốp, cậu con trai đầu lòng, 11 tuổi, của nhà thiết kế Hà Minh Phúc thủ thỉ với mẹ về ước mơ có một chiếc điện thoại và một chiếc xe đạp, bà mẹ ba con đã nghĩ đến việc dạy con làm thế nào để thực hiện ước mơ đó. Minh Phúc cho rằng: "Trẻ con như búp trên cành, cứ sống trong cảnh sẵn có liệu các con bao giờ mới hiểu là bằng bao sự khó khăn, vất vả, bố mẹ mới có thể lo lắng cho cuộc sống của con, của gia đình".

Rồi cô nhớ đến một câu chuyện mình đã đọc có tên: "Trường đại học tốt nhất chính là trường nghèo khổ", cô tin rằng phải có gian nan, vất vả, khó khăn, con người ta mới có được những trải nghiệm sâu lắng để hiểu, yêu và biết san sẻ hơn... Sau rất nhiều suy nghĩ, Minh Phúc chọn giúp con hiểu về giá trị của cuộc sống bằng chính những "trải nghiệm thực tế".

 Cậu bé Bốp 'khởi nghiệp' từ món bánh chuối nướng được mẹ truyền dạy. Mỗi khi vào bếp, Bốp thích vừa nghe nhạc Sơn Tùng M-TP vừa nhào bột, đánh trứng.

Cậu bé Bốp 'khởi nghiệp' từ món bánh chuối nướng được mẹ truyền dạy. Mỗi khi vào bếp, Bốp thích vừa nghe nhạc Sơn Tùng M-TP vừa nhào bột, đánh trứng.

Bà mẹ ba con đưa cho "cậu cả" hai cách để kiếm tiền tự mua điện thoại và xe đạp. Một là "làm công ăn lương": Bốp đến công ty của mẹ phụ việc cho các bác với mức lương 20.000 đồng/ngày theo giờ hành chính và rửa bát, lau nhà sau giờ lên công ty để nhận 10.000 đồng. Hai mẹ con tính toán tổng thu nhập từ cách này sau thời gian nghỉ hè của Bốp là 1,8 triệu đồng. Số tiền dự định được dùng để mua xe đạp và bố của Bốp sẽ "đầu tư" phần còn thiếu.

Kế hoạch kiếm tiền thứ hai Minh Phúc hướng dẫn cho con dựa trên sở thích kinh doanh của Bốp. Chị quan sát thấy con trai không thể hiện bất kì kỹ năng hay sở thích nào liên quan đến toán - văn, nhưng lại nhanh nhẹn với việc mua bán, giá cả. Chẳng hạn, Bốp có thể nhìn ra rất nhanh các sản phẩm giá tốt hay đang có khuyến mại khi đi siêu thị cùng với mẹ. Rồi khi đi mua sách, Bốp biết mua ở hiệu sách bên đường rẻ hơn hiệu sách bên này 1.000 đồng... Vì thế, Minh Phúc đã gợi ý con kinh doanh các loại bánh tự làm để kiếm tiền lãi mua điện thoại.

"Tính đi tính lại, nếu lãi 5.000 đồng/sản phẩm và mỗi ngày bán được 20 sản phẩm thì sau 60 ngày, Bốp mới đủ tiền thực hiện ước mơ. Ngày thứ nhất, Bốp bán được 240.000 đồng trong khi chi phí đầu tư là 552.000 đồng (chưa có chi phí điện, nước và lương giúp việc cho mẹ). Nhưng tiền thu chưa ấm chỗ thì Bốp đã mua ngay một món đồ chơi trị giá 75.000 đồng khi chưa kịp xin ý kiến và trả tiền gốc cho mẹ.

Ngay lập tức, bố đã gọi Bốp vào văn phòng và giảng giải một bài về chi phí, lãi lỗ, tiền và quyền sử dụng tiền. Hiệu quả là ngay buổi tối đó, Bốp quyết tâm vào bếp làm từ đầu đến cuối, mẹ chỉ làm chân vo ve giúp việc và 'anh' đã hoàn thành hai mẻ bánh thơm ngon, không bị sém như khi mẹ làm", Minh Phúc kể lại những ngày đầu con trai "khởi nghiệp".

Mỗi ngày đi bán bánh của Bốp đều là một bài học thú vị và được mẹ ghi chép lại cẩn thận. Khi thì một bài học về ship hàng, lúc là cách giao tiếp với khách hàng hay sắp xếp đường đi giao bánh sao cho nhanh nhất, phù hợp nhất... Mỗi ngày, Minh Phúc thấy con trai trưởng thành hơn một chút, quy củ, gọn gàng như một thói quen.

Chị rất nhớ một buổi tối sau khi Bốp đã làm xong mọi việc nhưng lại có một đơn hàng của cô hàng xóm mới phát sinh. Lúc đầu, chị định bụng sẽ không để con đi vì con đã vất vả cả ngày, nhưng sau một hồi suy nghĩ, chị lại động viên con và hứa sẽ đi cùng con. Rồi để tạo động lực, chị bảo sẽ "thưởng nóng" cho con bất cứ cái gì con thích.

Bốp xin mẹ một chai nước ngọt có giá 19.000 đồng nhưng cậu bé lại đút cả 25.000 đồng vào máy bán nước tự động và không lấy lại được 6.000 đồng tiền thừa. Lúc đó, em trai của Bốp quay sang bảo anh: "6.000 đồng là một gói bim bim, vậy là mất 6.000 đồng, tức là không được ăn một gói bim bim". Cậu bé Bốp tiếc ngẩn ngơ sau câu nói của em, còn chị Minh Phúc lại thấy vui vui trong lòng khi con biết trân trọng hơn giá trị của đồng tiền.

Chị Hà Minh Phúc là một nhà thiết kế thời trang có tiếng ở Hà Nội.

"Muốn thay đổi, phải liều lĩnh" - bà mẹ ba con tâm niệm như vậy nên sau khi Bốp hoàn thành khóa học về bán bánh, chị tiếp tục đưa ra một quyết định sau nhiều đêm trằn trọc. Đó là "ném" cậu con trai tính tình "siêu ngây thơ" và hồn nhiên vào nơi cực khổ - một điểm ở miền núi Phú Thọ, nơi có cuộc sống hoàn toàn khác với những gì con đã trải qua ở Hà Nội.

Cậu bé Bốp sẽ phải chăn trâu, cắt cỏ, nấu bếp củi... như một người nông dân đích thực. Chị bảo: "Nhiều người nghĩ tôi hâm, nhưng thôi kệ, vì bản thân tôi hiểu mình đang làm điều tốt nhất cho con. Dù khó khăn, tôi tin đó là một trải nghiệm vô cùng quý báu cho con. Có sướng phải có khổ, mà có khổ sau sướng mới thấy quý".

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nha-thiet-ke-chu-thuong-hieu-may-house-day-con-lam-banh-ban-lay-tien-tu-mua-xe-dap-dien-thoai-d418323.html