Nữ bác sĩ 20 năm 'gác gôn' dịch bệnh

20 năm lặng lẽ cống hiến cho công tác y tế dự phòng (YTDP) tại Hà Nội, người phụ nữ ấy đã trải qua bao gian truân của một nghề vô cùng thầm lặng.

Không thiếu những lần phải rơi nước mắt, những đêm băn khoăn, trằn trọc không ngủ vì công việc. Nhưng cũng không thiếu những nụ cười, vinh quang khi dịch bệnh được ngăn chặn, khống chế. Đó là nữ bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - chị đã 20 năm “gác gôn” phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở Hà Nội.

Bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tại phòng làm việc.

Những đêm dài không ngủ
Công việc của một người bác sĩ YTDP lặng lẽ và gian nan. Ấy vậy mà, 20 năm qua nữ bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh đã dành cho công việc với tất cả lòng nhiệt huyết và sự say mê với nghề của mình. Song, càng yêu nghề bao nhiêu, những nỗi niềm trăn trở trong lòng chị càng lớn bấy nhiêu, thậm chí đã có những lúc chị muốn bỏ nghề. Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Kim Hạnh chia sẻ, những ngày học đại học, chị đã ấp ủ giấc mơ về ngành YTDP bởi muốn giúp người dân có nhận thức đúng đắn hơn về công tác này. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhưng đa phần người dân lại “có bệnh mới chữa”, đây không chỉ là trăn trở của chị mà của cả ngành y. Song, chị đã bị vỡ mộng ngay khi mới ra trường. “Nghề YTDP quá vất vả, sức lực của mình lại quá nhỏ bé” - chị chia sẻ. Nhưng vì yêu nghề, muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực và được sự ủng hộ, tạo điều kiện của gia đình, chồng con nên chị vẫn quyết tâm quay lại và gắn bó với công tác YTDP.
Yêu nghề là vậy nhưng vẫn không thiếu những lúc chị thấy ấm ức, tủi thân trong quá trình làm công tác YTDP. Chị kể, ngày chị mới đi làm - cách đây gần 20 năm, việc bác sĩ dự phòng đi giám sát tại bệnh viện từng bị coi là vướng víu, cản trở bác sĩ điều trị vì không làm công tác điều trị nhưng cũng phải xem hồ sơ bệnh án, hỏi chuyện bệnh nhân. Đồng thời, khi làm việc thực tế tại cộng đồng, bác sĩ Hạnh và đồng nghiệp có những lần bị người dân từ chối hợp tác và cư xử thô lỗ, thậm chí còn bị mắng chửi, nói những lời xúc phạm. Không tiếp cận được người dân, không hoàn thành công việc, chị cảm thấy ấm ức, tủi thân bởi mình làm việc vì cộng đồng, vì sức khỏe người dân nhưng không được người dân thấu hiểu. “Kiểm soát dịch bệnh là để không lây lan, bùng phát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Đây là công lao của dự phòng. Công tác YTDP đóng góp lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân, giảm thiệt hại kinh tế cho xã hội và từng gia đình do bệnh truyền nhiễm gây nên” - bác sĩ Hạnh nói.
Chị đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh nhi viêm não Nhật Bản, sống đời sống thực vật do không tiêm vaccine phòng bệnh. Vào bệnh viện, trẻ bị bệnh phải chọc dịch não tủy để xét nghiệm. Nhìn thấy trẻ bị giữ còng lưng để lấy dịch não tủy, nghe tiếng khóc các con, chị không kìm được nước mắt. Thậm chí, rất nhiều cái chết đau lòng, nhiều cuộc đời trẻ thơ phải khép lại sau những ngày dài nằm viện chỉ vì bố mẹ “tẩy chay” vaccine.
Không chỉ chị Hạnh, nhiều bác sĩ dự phòng chia sẻ, công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhưng chế độ phụ cấp độc hại và công tác phí chưa thật thỏa đáng. Vì vậy công tác YTDP đã khó lại thêm phần khó khăn. Điều đó đã khiến không ít bác sĩ nản lòng, không tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của mình. Tuy vậy, vẫn còn nhiều, rất nhiều cán bộ YTDP bám trụ với công việc, chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt. Bởi thế mà năm qua, họ đã góp phần quan trọng vào những thành tích chung của toàn ngành y tế Thủ đô.
Đừng đợi có bệnh mới chữa
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trên trận chiến phòng và dập các loại dịch bệnh, cán bộ làm công tác YTDP là những "chiến binh" quả cảm, nhiệt huyết vì sức khỏe của cộng đồng. Quả vậy, những người làm YTDP của Hà Nội ngày đêm lăn lộn với công việc trên mọi mặt trận, từ tuyên truyền cho người dân, tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở, vào tâm điểm vùng dịch để điều tra, xử lý ổ dịch. Trong khi các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm diễn biến rất phức tạp, khó lường, có khả năng xâm nhập vào Hà Nội bất kỳ lúc nào; dịch bệnh lưu hành địa phương vẫn có nguy cơ lây lan bùng phát, dịch bệnh có vaccine phòng thì có thể xuất hiện nếu không tiêm chủng đầy đủ; đội ngũ nhân lực mỏng khiến các cán bộ YTDP gần như vắt kiệt sức để làm việc. Với nữ cán bộ làm công tác YTDP, sự khó khăn phải nhân lên gấp bội bởi sức khỏe, thời gian và nhiều cản trở khác. Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của nữ cán bộ, nhân viên YTDP.
May mắn, với bác sĩ Kim Hạnh, chị gắn bó với nghề 20 năm nay nhờ sự ủng hộ của gia đình. Chồng chị một tay thu xếp việc nhà cửa, quán xuyến kinh tế, dạy dỗ con cái để chị yên tâm công tác. Ý thức người dân ngày một nâng lên, đặc biệt trong thời gian qua, YTDP Hà Nội đã gặt hái nhiều thành công khi kiểm soát được các dịch bệnh mới nổi, không để xâm nhập vào Hà Nội và lây lan trong cộng đồng. Đó là những công sức của ngành YTDP Hà Nội, trong đó có sự góp sức nhỏ bé của nữ bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh.
Chia tay chúng tôi, chị Hạnh muốn gửi gắm hai điều trăn trở. Đó là, thứ nhất, cán bộ, nhân viên YTDP được tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế chính sách, có phụ cấp thỏa đáng, đủ đề giữ được nhân lực bám trụ với nghề. Thứ hai, chị mong mỏi người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh, phòng cho chính mình và cho cộng đồng, đừng đợi đến lúc có bệnh mới chữa.

Văn Phong

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nu-bac-si-20-nam-gac-gon-dich-benh-337897.html