Nữ bác sĩ chuyên cứu ngư dân giữa trùng khơi

TGTTO Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng là đơn vị dân sự duy nhất trong cả nước thực hiện những chuyến vượt biển cứu chữa cho ngư dân gặp nạn ngoài khơi và bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng luôn là người tự nguyện nhận những ca cấp cứu đặc biệt đó.

Duyên nợ với biển

Tiếng chuông điện thoại trong căn phòng nhỏ của Trạm cấp cứu Hải Châu thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đổ dồn. Đầu dây bên kia là cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng. Họ thông báo một trường hợp ngư dân bị thương khi đánh bắt trên biển. Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (SN 1965, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng) tiếp nhận thông tin vụ việc rồi ngay lập tức làm thủ tục cùng đội của mình lên tàu Biên phòng, hướng thẳng đến vị trí bệnh nhân đang ngoài khơi.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng

Đó không biết là lần thứ bao nhiên bác sĩ Hồng lên đường thực hiện nhiệm vụ cấp cứu cho bệnh nhân là ngư dân trên biển trong suốt hơn 20 năm làm nghề của mình.

Bác sĩ Hồng nhớ lại thời thanh niên của mình gần 30 năm trước. Hồng thường xuyên chứng kiến người thân phải nhập viện vì những căn bệnh hiểm nghèo và được các bác sĩ cứu sống một cách thần kỳ. Cô nữ sinh trung học từ đó mang ước vọng cứu người nên quyết định thi vào trường Đại học Y khoa Huế.

Tốt nghiệp đại học, Hồng được nhận về làm ở Khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng để trau dồi thêm kinh nghiệm. Suốt 5 năm làm việc không lương, có lúc Hồng đã mệt mỏi và có lúc mang ý định bỏ nghề. Trong lúc chán nản nhất, Hồng được điều động sang làm việc tại Trạm cấp cứu 5 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nay là Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, nữ bác sĩ đã xem trung tâm là ngôi nhà thứ 2 của mình.

“Công tác ở đây vất vả hơn các bác sĩ khác là phải trực gần như liên tục. Bác sĩ 115 đời sống cũng khó khăn hơn, không oai như bác sĩ bệnh viện, không có điều kiện cải thiện kinh tế vì ít người mở được phòng mạch riêng. Bác sĩ 115 cũng nguy hiểm hơn khi luôn sẵn sàng nhận lệnh đến nơi có tai nạn, bệnh dịch, bão lụt… Nhưng công việc này như duyên như nợ, đã làm là không bỏ được”, bác sĩ Hồng tâm sự.

Bác sĩ Hồng trong một chuyến cứu nạn cho ngư dân trên biển

Nữ bác sĩ thừa nhận thử thách lớn nhất trong cuộc đời làm cấp cứu của mình là những chuyến lên tàu vượt sóng biển cứu ngư dân. Chị nhớ lại chuyến vượt biển đầu tiên là vào năm 2007. Ca trực của chị lúc đó nhận được tin báo từ Bộ đội Biên phòng về một tàu vận tải nước ngoài gặp nạn, bị chìm trên biển. Nhiều thuyền viên cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Bác sĩ Hồng đã cùng kíp trực quyết định nhận nhiệm vụ và lên đường. “Chúng tôi chỉ mang theo những thiết bị y tế cần thiết, đủ để cứu nạn và gọn nhẹ nhất để có thể dễ di chuyển.

Tôi chưa từng đi tàu biển trước đó nên không mường tượng được điều gì chờ đợi mình. Ấn tượng đầu tiên lầ say sóng kinh khủng, hoàn toàn khác xa việc đi tàu xe. Tôi nôn liên tục từ khi tàu cách bờ vài hải lý cho đến khi tàu đến nơi có người gặp nạn. Đến nơi, tôi gượng dậy, chăm sóc các thuyền viên như những chuyến cấp cứu trên bờ. Lần đó, chúng tôi giúp cứu sống nhiều thuyền viên và nghiệp cấp cứu trên biển cũng bám lấy tôi đến bây giờ”, chị Hồng nhớ lại.

Ân nhân của ngư dân

Nhớ lại chuyến đi cấp cứu lần đầu trên biển, bác sĩ Hồng khẳng định chưa bao giờ mình hối hận vì quyết định đó. Và cũng từ đó, những chuyến vượt biển cứu nạn của bác sĩ Hồng ngày càng nhiều hơn và phần lớn gắn liền với những ngư dân mưu sinh trên biển.

“Những chuyến vượt biển cứu bà con mình gặp nạn không phải lúc nào cũng thành công. Có lần, một ngư dân Đà Nẵng bị tai nạn chấn thương sọ não khi hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa. Tôi cùng tàu SAR412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng lên đường đi cứu nạn. Nhưng khi đến nơi, bác ngư dân đã tử vong vì vết thương quá nặng. Những lần đó tôi luôn nuối tiếc, tự trách mình vì không đến được với bệnh nhân sớm hơn một chút”, bác sĩ Hồng tâm sự.

Những người ngư dân được bác sĩ Hồng cứu nạn trên biển, họ cũng chưa bao giờ quên đến ân nhân. Chị Hồng cho hay có người sau khi khỏe mạnh trở lại mang quà có giá trị đến cảm ơn. Tất cả chị đều từ chối. Nhưng, những món quà dân dã như con cá, cân mực từ biển về thì chị không từ chối vì đó là tấm lòng chân tình của bà con.

“Bà con đi biển chất phác, thật thà. Họ ăn to nói lớn nhưng sống rất tình cảm. Họ cũng thiếu nhiều kiến thức để tự chăm sóc cho mình khi xảy ra sự cố trên biển nên tôi cùng các đồng nghiệp đã mở những lớp sơ cấp cứu cho bà con”, bác sĩ Hồng nói.

Lớp học sơ cấp cứu của bác sĩ Hồng dành cho các ngư dân đã kéo dài được 3 năm với hơn 20 lớp. Hàng trăm ngư dân Đà Nẵng đã được trang bị thêm những kiến thức để có thể tự chăm sóc mình khi cần thiết.

“Tôi có thực tế sơ cấp cứu trên biển nên vận dụng khi hướng dẫn bà con. Tai nạn thường gặp trên biển là những ca chấn thương sọ não do té ngã từ trên cao hay bị cần trục đánh vào người rồi bị ngạt khí khi xuống hầm cá… Những ca bệnh thường gặp ở ngư dân trên biển là những cơn đột quỵ, đau ruột thừa hay có khi là ngộ độc thực phẩm…

Tôi hướng dẫn bà con dùng vải sạch để băng bó vết thương thay cho băng gạc, chườm đá nếu bị đứt tay, dùng nước sạch để xử lý khi bị bỏng… Tôi còn chuẩn bị cho tàu cá của ngư dân những thiết bị y tế cơ bản nhất cần thiết phải mang theo để tự sơ cứu mình khi gặp nạn ngoài trùng khơi”, bác sĩ Hồng nói.

Bác sĩ Hồng cùng các đồng nghiệp

Theo bác sĩ Hồng, hiện tại Bộ Y tế chưa có bất cứ văn bản nào khuyến cáo hay đề nghị các Trung tâm cấp cứu trên cả nước thực hiện việc cứu người trên biển và 115 Đà Nẵng là đơn vị duy nhất cả nước lại tiên phong thực hiện nhiệm vụ này. “Không ai yêu cầu, không ai giao phó nhưng ai cũng biết rằng, cấp cứu trên bờ đã khó, cấp cứu trên biển còn khó vạn lần. Ngư dân trên biển cần bác sĩ hơn bao giờ hết nên mình không thể bỏ mặc họ”, bác sĩ Hồng khẳng định.

HƯƠNG TRÀ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nu-bac-si-chuyen-cuu-ngu-dan-giua-trung-khoi-16376.html