Nữ biên kịch Kay Nguyễn: Mỗi tác phẩm đều yêu quý như con

Hơn 15 năm trong nghề, với gia tài hơn 10 phim điện ảnh ra mắt, Kay Nguyễn là một trong những biên kịch thành công ở cả phương diện phòng vé lẫn chất lượng nghệ thuật. Với chị, để ra đời một tác phẩm là sự trau dồi không ngừng nghỉ và theo đuổi đến cùng.

Nữ biên kịch Kay Nguyễn

Nữ biên kịch Kay Nguyễn

Mất nhiều thời gian học và hành

PHÓNG VIÊN: Chị được nhiều đạo diễn, nhà sản xuất (NSX) tên tuổi như: Charlie Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Victor Vũ... tin tưởng mời hợp tác. Lý do của những cơ duyên này là gì?

Biên kịch KAY NGUYỄN: Tôi may mắn bắt đầu tham gia lãnh vực điện ảnh khá sớm, khi được đào tạo chính quy ở Mỹ. 19 tuổi, tôi đã biên kịch cho bộ phim 1735km. Khi anh Charlie Nguyễn làm Tèo em, một dạng phim hành trình, tôi rất hân hạnh được cộng tác dưới vai trò kịch bản. Chị Ngô Thanh Vân do anh Charlie Nguyễn giới thiệu. Còn anh Victor Vũ do chị Đinh Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Hãng phim Galaxy giới thiệu. Giới thiệu là một chuyện, để thành hình một dự án phim ra rạp là cả quá trình dài phấn đấu. Tôi nghĩ, cùng cố gắng bản thân thì cả 2 bên đều cảm thấy làm việc ăn ý với nhau.

Việc theo học tại Mỹ mang đến cho chị cơ hội, thuận lợi và khó khăn nào khi tiếp cận thị trường trong nước?

Tôi nghĩ, học ở Mỹ hay Việt Nam thì đều có những thuận lợi, khó khăn. Điện ảnh là một ngành công nghiệp, như bất kỳ ngành nào khác, cần chuyên môn, sự chuyên nghiệp. Bạn cũng cần mối quan hệ và biết cách cư xử. Tuy nhiên, điện ảnh có một điểm khác biệt: là sự đam mê. Rất nhiều người tài đã bỏ cuộc vì họ không đủ đam mê theo đuổi. Ngành này đòi hỏi quá nhiều thứ: thời gian, chất xám, kỹ năng cứng, mềm… Và dự án là thứ duy nhất giúp bạn tồn tại và thành danh. Phải có tác phẩm công bố và tác phẩm tiếp theo chính là thứ bạn cần phải chứng minh nhiều nhất!

Hơn 15 năm bước chân vào nghề, trong số các kịch bản đã dựng thành phim, tác phẩm nào chị ưng ý nhất?

Mỗi kịch bản để thành hình đều rất khó khăn, vì nó vừa là văn bản kỹ thuật dùng cho cả đoàn phim, vừa phải mang tính truyền cảm hứng. Khi viết thì rút ruột ra viết, cần sửa có khi phải gạt bỏ tất cả để viết lại. Tôi nghĩ, với hơn 10 phim ra rạp của tôi, tác phẩm nào tôi cũng yêu quý như con mình.

Từ tác phẩm đầu tay cho đến Người bất tử sắp ra rạp, chị thấy mình trưởng thành như thế nào?

Nhiều chứ. 15 năm trôi qua không chỉ trong nghề mà trong đầu của mình, mọi thế giới quan đều đã khác xưa rất nhiều. Đặc biệt là kỹ thuật viết của tôi đã chín muồi. Mọi người biết làm tập làm văn từ lớp 3, lớp 4. Quay phim, dựng phim có khi 17, 18 tuổi mới bắt đầu học, không học thì không biết. Có khi người ta nghĩ biên kịch chỉ là bạn giỏi văn, siêng “đẻ” chữ. Không phải. Nó là một thứ kỹ năng mất rất nhiều thời gian để học và thực hành. Mỗi lần viết dự án mới, như học lại từ đầu. Không cẩn thận, dự án sau viết… cũng không bằng dự án trước. Mỗi thể loại phim đòi hỏi kỹ thuật viết hoàn toàn khác.

Người bất tử - dự án phim mới nhất mà Kay Nguyễn đảm nhận vai trò biên kịch

Nghề biên kịch luôn đòi hỏi sự sáng tạo và trải nghiệm cuộc sống. Chị đã tích lũy, nuôi dưỡng và phát triển 2 yếu tố đó ra sao?

Tôi nghĩ, mình đi nhiều, đọc nhiều, lắng nghe nhiều. Đời tôi không “ba chìm, bảy nổi” để có nhiều trải nghiệm sống, nên tôi bù đắp bằng trải nghiệm thụ động. Nhưng tôi cũng ít khi chọn chất liệu viết vượt quá trải nghiệm tổng thể của mình. “Write what you know, and know what you write” (Viết những gì bạn biết và biết những gì bạn viết) là lời khuyên của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Stephen King.

Trong vai trò là biên kịch nữ, chị nghĩ có khác biệt hay lợi thế gì so với nam giới?

Không khác gì nhiều. Tôi nghĩ vậy. Tôi muốn leo lên đỉnh cao nhất trong điện ảnh giải trí - là nhà sản xuất, nên tôi chọn đi từ con đường chuyên môn nào khó có “phân biệt giới tính”, “phân biệt giai cấp” nhất, là biên kịch; sau đó là đạo diễn.

Giai đoạn thực hiện Cô ba Sài Gòn, chị vừa biên kịch kiêm đạo diễn. Đó chắc hẳn vừa là trải nghiệm vừa là thách thức?

Mỗi bộ phim đều có một cuộc đời riêng. Cô ba Sài Gòn thuộc dạng cuộc đời “vượt khó”. Tôi được mời vào rất muộn trong quá trình sản xuất, chỉ để làm đúng việc sửa chữa kịch bản. Nhưng vì nhà sản xuất từ đầu đã “ra đầu bài” rất hấp dẫn, là một mỏ vàng về nội dung để khai thác và cho phép tôi được bỏ hẳn kịch bản cũ. Nó có tất cả những thứ đáng mơ ước của một bộ phim và của cá nhân người làm phim: đề tài thời trang, sự quan tâm của nhà đầu tư, sự chăm chút của nhà sản xuất, sự nhiệt tình của nhà phát hành mang phim quảng bá đến các liên hoan phim, dàn diễn viên khủng, chiến dịch marketing hoành tráng. Tôi thấy vui vì lần đầu tiên làm đạo diễn mà được như vậy là quá may mắn.

Ngay từ đầu nhận dự án, tôi đã không bỏ cuộc và cố gắng hết sức. Tôi cũng vui vì cái gốc làm phim của tôi là biên kịch. Dự án này chứng minh rằng, một kịch bản tốt vẫn có thể xoay trở tình huống nếu gặp được NSX hiểu ý và hiểu nỗ lực của mình. Tôi mừng vì Cô ba Sài Gòn được giải đúp Cánh diều vàng 2017, được chọn đi dự hầu hết các liên hoan phim quốc tế quan trọng và gần đây nhất được Cục Điện ảnh chọn đại diện Việt Nam dự Oscar 2019. Đó là một cơ duyên lớn.

Biên kịch không phải nghề gõ chữ

Kịch bản từ trang giấy ra phim trường là quá trình dài, nhiều khi bị sửa tan nát. Đã bao giờ vì thế mà chị tranh cãi, mâu thuẫn với đạo diễn, êkíp sản xuất?

Không. Vì nếu tôi vào dự án dưới vai trò biên kịch, tôi biết mình chỉ ở đó để thực hiện kịch bản, chứ không phải để làm đạo diễn hay nhà sản xuất. Tôi tôn trọng quyết định của họ và chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp ý đồ đạo diễn, ngân sách, thời hạn, mùa ra rạp…

Nghề biên kịch trước đây được coi là nghề thầm lặng, nhưng hiện nay, nhà sản xuất phim nào cũng đánh giá nó là yếu tố thành công tiên quyết. Chị có cho rằng các biên kịch gia đã “đổi đời”?

Không. Hình như ở xứ nào cũng vậy. Hollywood hay TPHCM, biên kịch điện ảnh vẫn là thấp nhất trong “chuỗi thức ăn”. Trừ biên kịch phim nhiều tập (truyền hình, kỹ thuật số), tôi nghĩ nhà sản xuất, đạo diễn giỏi và tinh tế sẽ có cách “o bế” biên kịch để có tác phẩm tốt. Còn lại, đã gọi là nhà làm phim, ai cũng sẽ phải biết viết kịch bản. Biên kịch sẽ phải cố gắng rất nhiều, vì nếu họ không theo đuổi dự án đến cùng, không chứng tỏ năng lực đủ, sẽ dễ dàng bị thay thế bởi một biên kịch khác, cho kịp tiến độ và hiệu quả.

Nhiều người nhận xét, đội ngũ biên kịch Việt đang ngày càng trẻ hóa, nhưng về mặt chất lượng chưa ổn định?

Tôi tin thị trường tự biết điều chỉnh. Dần dần mọi thứ sẽ tự hoàn thiện chính nó.

Chị đang đảm nhận vai trò huấn luyện viên cuộc thi Nhà biên kịch tài năng. Chị đánh giá thế nào về chất lượng thí sinh cuộc thi năm nay, có tín hiệu lạc quan nào cho thị trường sắp tới?

Các bạn đến từ nhiều lĩnh vực, độ tuổi, mang đến dấu ấn cá nhân rất thú vị. Nhưng các bạn cũng cần tìm hiểu thêm về ngành điện ảnh ở Việt Nam: quy trình thế nào, đâu là cơ hội để mình vào ngành và quan trọng nhất vẫn là kỹ năng nào cần phải trau dồi. Như tôi nói, mọi người chỉ nghĩ biên kịch là ngồi gõ chữ. Không phải. Kỹ năng biên kịch, như bất kỳ kỹ năng phức tạp nào, cũng cần ít nhất 10.000 giờ rèn luyện để tạm gọi là nhuần nhuyễn. Như vậy mỗi ngày học và viết 6 giờ, 6 ngày liên tục mỗi tuần, ít nhất mất 6 năm. Đó là một công việc toàn thời gian, nhưng ít ai đánh giá được như vậy. Một kịch bản khoảng 60.000 chữ. Sửa trung bình khoảng 10 lần là 600.000 chữ. Nếu tính theo giờ viết, không dưới 600 giờ. Và phải không được bỏ cuộc. Người bất tử được chỉnh sửa 31 lần trong 2 năm. Chính vì vậy, nhiều nhà sản xuất không biết đầu tư đúng mức cho kỹ năng mới này.

Nhưng nhà sản xuất nào cũng than thiếu kịch bản hay để sản xuất, chất lượng phim trồi sụt. Là người trong nghề, chị có cảm nghĩ như thế nào?

Tôi nghĩ, thị trường tự điều chỉnh. Nếu họ đánh giá được kịch bản tốt, họ sẽ có cách đầu tư. Còn bây giờ, chỉ là lời than phiền, chưa có hành động.

Để cân đong các yếu tố hình thành một kịch bản chất lượng, phải bao hàm những yếu tố nào?

Trình độ kỹ thuật, sự kết nối của biên kịch với dự án và đương nhiên là sự thấu hiểu của nhà sản xuất để cho thời gian hợp lý đối với từng thể loại phim riêng biệt. Kỹ thuật là điều kiện tiên quyết. Có kỹ thuật thì mới mong biến ảo kỹ thuật. “Phá” kỹ thuật để thăng hoa. Không có kỹ thuật, táy máy “sáng tạo” quá, thành ra nát. Đó là lý do biên kịch ngoài chuyên môn còn phải học hỏi thêm công tác đạo diễn, diễn xuất, dựng phim, để có thể viết ra kịch bản khiến mọi người đọc và cảm thấy dùng được cho phim. Mặc dù tư duy về chuyện phát hành, kênh phân phối, marketing thuộc về nhà sản xuất, nhưng nếu biên kịch có hiểu biết nhất định, họ sẽ làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra, cần sự kiên nhẫn. Cuộc sống đang khuyến khích sống vội, đăng cái status (trạng thái) là mấy ngàn like (thích), share (chia sẻ), comment (bình luận). Nhanh được “thưởng” cho chữ của mình hơn là viết một kịch bản xong lại bị rã ra hết, viết lại nếu chưa phù hợp.

Sau Người bất tử, dự án tiếp theo nào của chị sẽ được đưa vào sản xuất? Đâu là thể loại kịch bản chị muốn thử sức mình?

Lúc nào một nhà làm phim cũng phải chuẩn bị sẵn 4-5 dự án xung quanh mình, để khi thời cơ, nhà đầu tư, thời điểm ra rạp phù hợp là cất cánh. Tôi cảm thấy chưa được làm đủ nhiều dự án theo các thể loại khác nhau để biết được trải nghiệm nào làm mình hứng thú nhất. Còn sức, cứ phải thử hết thôi.

VĂN TUẤN (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nu-bien-kich-kay-nguyen-moi-tac-pham-deu-yeu-quy-nhu-con-549647.html