Nữ chiến sĩ giao liên 'Biệt động Sài Gòn' kiên trung

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Bá (Hà Nội), cụ bà Nguyễn Thị Thìn (sinh năm 1929) là một chân dung tiêu biểu cho hình ảnh người nữ chiến sĩ đầy quả cảm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Người phụ nữ ấy tuy nhỏ bé nhưng lại có một sức mạnh lớn lao, một lòng kiên trung, dũng cảm, chưa từng sợ hãi trước quân thù.

Bà Nguyễn Thị Thìn họp hội cựu chiến binh.

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Bá (Hà Nội), cụ bà Nguyễn Thị Thìn (sinh năm 1929) là một chân dung tiêu biểu cho hình ảnh người nữ chiến sĩ đầy quả cảm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Người phụ nữ ấy tuy nhỏ bé nhưng lại có một sức mạnh lớn lao, một lòng kiên trung, dũng cảm, chưa từng sợ hãi trước quân thù.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, được gặp cụ Thìn trong một dịp tình cờ, được nghe cụ chia sẻ những câu chuyện đầy khó khăn về quá trình hoạt động cách mạng, tôi càng xúc động và biết ơn những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc hơn.

Từ cô giao liên “biệt động Sài Gòn”

Năm ấy bà Thìn tròn 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn của người thiếu nữ, bà đã một mình rời Hà Nội để vào Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ban đầu bà làm thuê ở xưởng giấy, cho đến khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, bà đã tham gia đoàn thể cứu quốc. Thời điểm đó, bà gia nhập phân đội A - Trung đội cảm tử Nguyễn Bình, sau đổi tên thành Ban Công tác số 4, Đại đội 3824, Tiểu đoàn quyết tử 950 - Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Bà được nhận nhiệm vụ giao liên nội thành Sài Gòn, công việc đầy nguy hiểm và khó khăn với một thiếu nữ. Bà phải chuyển mệnh lệnh, vũ khí, tài liệu đến các đơn vị đang chiến đấu trong một thành phố đầy cảnh sát, chỉ điểm,...

Bà Nguyễn Thị Thìn (bên phải) gặp gỡ đồng đội là các cựu chiến binh.

Nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn được thể hiện trong những hành động gan dạ và mưu trí của bà. Bà cải trang, ứng xử linh hoạt nên đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được phân công.

Bà Thìn bồi hồi kể lại: “Đó là khoảng năm 1947, hôm đó chỉ huy giao cho bà phải chuyển năm khẩu súng trường của đơn vị vừa lấy được đang cất trong một căn nhà ở Lò Đúc (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) đến giao cho cơ sở của đơn vị ở xóm Chùa (nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh).

Muốn đến được cơ sở, bà buộc phải đi qua cầu Kiệu và đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng, Tân Định). Chỗ này, lính Pháp và mật thám canh gác nghiêm ngặt, cảnh giới 24/24 giờ. Bà lại trằn trọc suy nghĩ cả đêm để tìm cách qua mặt chúng. Bà huy động anh em trong đơn vị tới nơi cất súng, tháo rời từng bộ phận súng, giấu vào chăn, chiếu, gối, bó gọn lại. Lựu đạn giấu trong thùng gạo, còn đạn súng gói lại cho vào bếp đun than củi.

Sáng hôm sau, bà thuê xe ngựa tới, chất đồ lên giả vờ chuyển nhà. Lúc đi tới cầu Kiệu, có hai tên lính Pháp chặn xe để xét hỏi, bà xuống xe bình tĩnh đối đáp với lý do chuyển nhà. Thái độ bình thản của bà làm tụi mật thám, chỉ điểm không nghi ngờ gì. Bà xin phép hai tên lính Pháp, cảm ơn rồi đưa xe an toàn qua cầu, đến nơi tập kết thành công.”

Nhờ ngoại hình bà nhỏ bé, nên rất nhiều lần bà Thìn thoát khỏi tầm ngắm của thực dân Pháp. Nhưng cho đến một lần đồng đội của bà bị bắt, người này đã khai báo nên bà bị mai phục và bị bắt đưa về Sở Mật thám đặc biệt miền Đông nằm trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi).

Tại đây, thực dân Pháp nhiều lần dùng đòn roi tra tấn bà dã man như trói tay treo lên xà nhà rồi đánh, phủ vải lên mặt bà rồi dội nước cho ngạt thở, quay điện... và nhiều hình thức độc ác khác, hòng khai thác những bí mật của đơn vị, nhưng bà Thìn quyết không khai báo một lời nào. Kẻ địch giam bà tại khám lớn Sài Gòn rồi đưa ra tòa xét xử. Nhưng không có chứng cứ buộc tội nên chúng đành phải trả lại tự do cho bà.

Khi ra tù, với tình trạng sức khỏe giảm sút còn chưa hồi phục, bà lại tìm cách liên lạc về đơn vị cũ. Bà trở lại công việc với trọng trách tổ trưởng giao liên, lần này bà còn phụ trách thêm việc dẫn đường cho các đơn vị chiếm đánh đồn địch.

Bà tiếp tục nhận nhiệm vụ đưa công văn từ căn cứ vào thành phố cho các đơn vị. Có lần đang đi, gặp tụi lính Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh đi càn, bà nhanh chóng cất giấu tài liệu vào nơi bí mật... Khi bị bắt, chúng xét người bà không hề tìm được manh mối nào. Bực tức, chúng đưa bà về Tòa thánh Tây Ninh, tra tấn bà dã man. Chúng hỏi: “Vì sao mày người Bắc Kỳ mà lại có mặt ở khu vực này, có phải giao liên không?”. Bà đáp lại rất điềm tĩnh: “Đi thăm bà ngoại. Ba tôi người bắc, lấy má tôi ở đây”.

Tụi lính dọa, nếu bà không khai thật, chúng sẽ bắn bà. Chúng bịt mắt bà, chở tới bìa rừng, trói bà vào gốc cây rồi lại hỏi: “Mày có khai thật không, nếu không chúng tao sẽ bắn?”. Bà vẫn một mực khẳng định lại câu trả lời cũ và nói, chúng cứ bắn nếu không tin. Sau đó, ba viên đạn bay trên đầu bà, bọn lính chỉ bắn dọa vì không tìm được thông tin gì. Ba ngày sau, bà được thả.

Bà lại tìm cách liên lạc trở về đơn vị. Đến năm 1952, sau trận lũ lịch sử miền Đông Nam Bộ, đơn vị gặp nhiều khó khăn nên đã cử bà về xây dựng trung đội ngụy vận trong nội thành. Thời điểm này, khi công tác đang tiến hành thì bà bị một kẻ phản bội chỉ điểm và bị địch bắt giam lần thứ hai.

Cũng như những lần trước, bao trận đòn roi tra tấn trút lên người phụ nữ bé nhỏ ấy, nhưng không lay chuyển được tấm lòng trung kiên của bà. Bà lại bị chúng đưa vào giam ở khám Chí Hòa, và đưa ra tòa xét xử sau đó. Tháng 3-1954, bà được trả tự do.

Thời gian này, bà liên lạc lại với đơn vị, nhưng xét thấy bà bị bắt nhiều lần, ở lại tiếp tục sẽ không có lợi nên bà được cấp trên phân công tập kết ra miền bắc.

Đến hậu phương vững chắc của gia đình

Trong những năm bà làm biệt động Sài Gòn, khoảng năm 1950, bà bén duyên với chính người thủ trưởng phụ trách mình. Được biết, người thủ trưởng - chồng của bà Thìn là Đại tá Trần Anh Linh, tên khác Phạm Đình Hà (1926-2006). Ông sinh ra và lớn lên tại vùng quê Quỳnh Lưu (Nghệ An), trong một gia đình trí thức yêu nước, được giác ngộ tư tưởng cách mạng từ sớm. Khoảng 16 tuổi ông cũng đã tham gia hoạt động cách mạng, cũng là người lính biệt động Sài Gòn, nhiều lần bị địch bắt tù đày.

Những bằng khen ông bà được trao tặng.

Năm 1956, hai ông bà ra tập kết ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), bà được đi học chuyên môn về y tế, sau đó chuyển ngành sang Bộ Y tế. Bà được điều về làm y tá ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, sau đó là Bệnh viện Việt Nam - Cuba, bệnh viện Xanh-pôn. Tới khi giặc Mỹ đánh phá miền bắc, theo phân công chỉ đạo, bà về công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm I, phụ trách Phòng Y tế của xí nghiệp.

Tấm ảnh chụp chung của vợ chồng bà Thìn.

Quãng thời gian này, ông Linh vẫn còn là bộ đội, chiến đấu tại chiến tuyến lửa khu 4. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu bảo vệ miền bắc, để bà một mình nuôi ba con nhỏ. Dù công tác ở cương vị nào, bà Thìn cũng làm tròn trách nhiệm, luôn là người có thành tích tốt và được tín nhiệm. Bên cạnh việc nước, việc nhà bà cũng luôn chăm lo và làm tròn bổn phận người mẹ. Dù vắng bóng ông, nhưng bà vẫn nuôi dạy con cẩn thận, phụng dưỡng bố mẹ chồng chu đáo.

Tới khi nghỉ hưu (năm 1985), bà trở về cuộc sống đời thường, dù bận rộn với việc làm vợ, làm mẹ, bà Thìn vẫn tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội chữ Thập đỏ, Hội Phụ nữ,... bà vẫn giữ vững và nêu cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ, khí phách, lập trường của nữ chiến sĩ giao liên năm xưa, phẩm giá của nữ Cựu binh Hà Nội ngày nay.

Căn nhà giản dị của bà Thìn với ảnh Bác được đặt trang trọng.

Cho tới nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng bà Thìn vẫn cố gắng tới những buổi họp mặt cựu chiến binh, những cựu binh bị địch bắt tù đày,... Bà Thìn chia sẻ: “Giờ bà đã già yếu, chỉ mong có nhiều cơ hội gặp lại đồng đội, ôn kỷ niệm cũ. Nghĩ tới những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc là bà lại xúc động. Nếu lựa chọn lại bà vẫn sẽ chọn làm một người lính biệt động Sài Gòn”.

LY VŨ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nu-chien-si-giao-lien-biet-dong-sai-gon-kien-trung-629018/