Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh may khẩu trang ở Trung Phi

'Lòng nhân từ, bác ái và thiện chí của cô thể hiện những giá trị cốt lõi của Liên Hiệp Quốc. Cô xứng đáng là đại sứ tuyệt vời của Việt Nam' - đó là những đánh giá xúc động của Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) trong giấy khen đột xuất dành cho Trung tá Nguyễn Thị Liên - nữ sĩ quan tham mưu của Việt Nam hiện đang tham gia gìn giữ hòa bình tại đây.

Giữa những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Phi, Trung tá Liên đã tự may khẩu trang phát miễn phí cho nhân viên Sở chỉ huy Phái bộ và người dân ở thủ đô Bangui. Với Trung tá Liên, không chỉ là việc may khẩu trang mà việc giúp người dân cuốc đất trồng rau, làm bánh chính là cách chị làm để góp phần gìn giữ hòa bình cho người dân nơi đơn vị đóng quân trên lục địa đen.

Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA (giữa) gặp gỡ và khen ngợi việc làm ý nghĩa của Trung tá Nguyễn Thị Liên.

Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA (giữa) gặp gỡ và khen ngợi việc làm ý nghĩa của Trung tá Nguyễn Thị Liên.

Thuê máy khâu về may khẩu trang

Từ Trung Phi, Trung tá Nguyễn Thị Liên bảo, trước ngày dịch bệnh COVID-19 tràn đến Trung Phi, khẩu trang là thứ hoàn toàn xa lạ với người dân. Bởi vậy, ngay từ tháng 3, chị nhận định nếu dịch bệnh tràn đến đất nước này thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao vì hạ tầng y tế của họ quá yếu, tình hình chính trị bất ổn còn người dân nghèo khổ và lạc hậu.

Thậm chí, ngay ở Sở chỉ huy Phái bộ, nhiều nhân viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng chưa một lần đeo khẩu trang. Để tránh bị kỳ thị, tổ công tác Việt Nam khi đeo khẩu trang phải dùng một chiếc khăn che bên ngoài. Chị có ý định may thật nhiều khẩu trang vải để nếu dịch bệnh xảy đến sẽ tặng cho người dân và nhân viên Phái bộ.

Khi nguyện vọng may khẩu trang được cơ quan quân y Phái bộ ủng hộ nhiệt tình, chị khẩn trương bắt tay vào việc. Đầu tiên, chị đến nhà dân thuê một chiếc máy khâu, sau đó ra chợ mua vải và dây chun. Chị chú ý chọn những miếng vải có họa tiết sặc sỡ để phù hợp với gu thời trang của người dân. Sau giờ làm việc ở Phái bộ, chị Liên lại miệt mài cắt, may khẩu trang.

Khi số lượng khẩu trang của người thợ may không chuyên nhiều dần lên cũng là lúc số người mắc SARS-CoV-2 ở Trung Phi tăng từng ngày. Đến lúc này, Chính phủ Cộng hòa Trung Phi với sự tư vấn của Phái bộ MINUSCA đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 4-5. Theo đó, tất cả nhân viên LHQ cũng phải gương mẫu chấp hành.

Những ngày trước khi chỉ thị có hiệu lực, khi gần 300 nhân viên LHQ ở Sở chỉ huy Phái bộ đang lo lắng vì không biết tìm đâu ra nguồn khẩu trang thì được thông báo tới nhận khẩu trang miễn phí từ một nữ sĩ quan Việt Nam tại Phòng Huấn luyện của Phái bộ. Khỏi phải nói là họ vui mừng thế nào khi nhận được những chiếc khẩu trang xinh xắn do chính tay đồng nghiệp Việt Nam may tặng.

Dịch bệnh ngày càng lan rộng, 400 chiếc khẩu trang tặng cho nhân viên Phái bộ và người dân chẳng thấm tháp vào đâu, chị Liên tranh thủ từng chút thời gian rảnh rỗi để may thêm. Cảm phục nỗ lực của chị, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ đã tặng giấy khen đột xuất để ghi nhận và khích lệ việc làm ý nghĩa và kịp thời này.

Trung tá Liên hướng dẫn người dân làm bánh (trái) và may khẩu trang phòng dịch.

Những chiếc khẩu trang bé nhỏ được may từ đôi bàn tay khéo léo của chị Liên giờ đã trở nên thân thuộc với người dân và nhân viên LHQ nơi đây. Họ trìu mến gọi Trung tá Liên là “hero” - anh hùng chống COVID-19, thường giơ tay vẫy chào và reo lên “Vietnam, number one” mỗi khi gặp chị. Điều đặc biệt hơn nữa là người dân ở thủ đô Bangui từ chỗ kỳ thị khẩu trang giờ đây đã tìm đến chị để học cách may khẩu trang cho gia đình và cộng đồng. Để thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen không hề dễ dàng. Nhưng chị Liên bằng trách nhiệm và lòng tận tụy với cộng đồng đã làm được điều tưởng chừng như không thể đó.

Khi tôi viết những dòng này, từ Trung Phi, chị Liên nhắn cho tôi, số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Phi đã lên đến 327 ca (ngày 16-5) trong đó có 12 ca đã khỏi bệnh. Phái bộ có 2 ca nhiễm (đã âm tính), 5 người phải đi cách ly. Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, chiếc máy khâu vẫn đang đồng hành cùng chị trong nỗ lực bảo vệ tính mạng của người dân trước dịch bệnh nguy hiểm.

Làm nông dân ở Bangui

Mặc dù đã tìm hiểu từ trước nhưng chỉ khi đặt chân đến Trung Phi, Trung tá Liên mới cảm nhận được hết cuộc sống khổ cực của người dân nơi đây. Quang cảnh sân bay quốc tế ở thủ đô Bangui sơ sài và lạc hậu, những người dân đen đúa, gầy nhẳng chìa tay xin tiền khách. Suốt quãng đường từ sân bay về trụ sở Phái bộ, chị Liên bị ám ảnh bởi những khu chợ tiêu điều họp ở bãi đất lầy lội, ruồi muỗi bu đầy ở những xe bán bánh mỳ và khu bán thịt cá.

Làm thế nào để giúp đỡ người dân khi họ đang phải sống chung với những xung đột, bất ổn chính trị là nỗi trăn trở của chị Liên và đồng đội. Chị nhận thấy nhiệm vụ của những người lính gìn giữ hòa bình là phải làm sao giúp cho người dân có bữa cơm no, manh áo lành lặn và nụ cười vui. Chị lăn lộn cùng người dân cuốc đất làm vườn như một người nông dân thực thụ trên những mảnh vườn cằn cỗi, dưới cái nóng như thiêu như đốt.

Vừa tỉ mỉ hướng dẫn, chị vừa phải chăm chút cho vườn rau của trong khu ở của mình thật tươi tốt để làm mẫu cho bà con học theo. Chị Liên và anh em trong tổ công tác đã mất nhiều công sức để biến mảnh đất đầy cỏ dại và sỏi đá trong khu trọ thành một vườn rau xanh đủ loại. Đều đặn sau mỗi buổi chiều đi làm về, cả tổ lại ra vườn tưới rau, nhặt cỏ để vừa khuây khỏa đầu óc, vừa cải thiện bữa ăn.

Khi người dân đã biết trồng rau trên những mảnh vườn hoang hóa đã lâu, chị Liên lại nghĩ cách giúp họ chế biến thức ăn. Từ củ sắn, hạt đỗ, chị Liên bày cách cho họ làm bánh sắn nhân đỗ và nấu chè đỗ xanh ăn giải khát, ủ giá đỗ ăn thay rau. Chị còn tặng gạo và bày cách cho các bà mẹ nấu cháo cho con ăn. Vượt qua sự bất đồng về ngôn ngữ, bằng cách ra hiệu, bằng nụ cười, ánh mắt và tính kiên nhẫn mà chị Liên đã truyền cho họ những cách chế biến thức ăn đa dạng và ngon miệng. Nhiều bà mẹ Trung Phi còn cẩn thận lấy giấy bút ghi chép từng bước để lưu lại kinh nghiệm quý.

Chị Liên đã truyền cho người dân nơi đây tình yêu cây cối, đất đai để họ biết làm chủ trên chính mảnh đất của mình, để những bữa cơm có rau xanh trong lúc rau ngoài chợ bán đắt gần bằng thịt cá. Người dân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được tận mắt nhìn thấy những hạt đậu nảy mầm, những luống cải, giàn mồng tơi xanh mướt. Vui nhất là có hộ dân đã biết cách trồng kết hợp nhiều loại rau và mang đi bán kiếm thêm thu nhập. Sau chuyến về phép và quay trở lại Trung Phi vào đúng dịp tết 2020, món quà mà Trung tá Liên mang sang Trung Phi tặng người dân là rất nhiều hạt giống rau.

Với người dân nơi đây, chị thực sự là một người bạn gần gũi và trách nhiệm. Giữa một Trung Phi căng thẳng vì xung đột, chị Liên vẫn thường ra khỏi trụ sở Phái bộ, đến với người dân mà không lo sợ điều gì. Trên những con đường đất quen thuộc ở Bangui, từ người già đến trẻ con khi nhìn thấy chị và và tổ công tác của Việt Nam đều tươi cười chào hỏi. Khi xa quê hương đến một đất nước xa xôi, được đón tiếp niềm nở như người thân quen, những người lính như chị cảm thấy ấm áp, vơi đi nỗi nhớ nhà, có động lực để tận hiến vì công việc.

Ở Trung Phi, chị Liên trở thành người nông dân thực thụ khi cùng người dân cuốc đất trồng rau.

“Mẹ là người tuyệt vời nhất”

Trước khi chuyển công tác về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam để tham gia lực lượng phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi, Trung tá Nguyễn Thị Liên là giảng viên, trưởng bộ môn tiếng Anh ở Trường Sĩ quan đặc công. Từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, chị đã ấp ủ ước mơ được tham gia hoạt động này. Năm 2019, nhận được nhiệm vụ sang lục địa đen, chị tạm gác công việc cơ quan bộn bề, những lo toan, quán xuyến gia đình để tham gia các khóa huấn luyện theo tiêu chuẩn của LHQ.

Hiện tại tổ công tác của Việt Nam ở Cộng hòa Trung Phi có 6 đồng chí nhưng chỉ có Trung tá Liên là nữ. Chị cũng là nữ sĩ quan đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ này. Là chị cả đảm đang, chị luôn quan tâm, chia sẻ khó khăn với các anh em đồng nghiệp.

Đảm nhiệm công việc của một sĩ quan tham mưu đào tạo, chị Liên thường xuyên phối kết hợp với các tổ chức dân sự và cảnh sát để đào tạo cho nhân viên mới của Phái bộ. Bên cạnh đó là nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Phái bộ trong công tác huấn luyện xây dựng đơn vị và gìn giữ hòa bình tại phân khu đóng quân. Những kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam đã giúp ích cho chị rất nhiều cả về cách thức tổ chức, quản lý cũng như giảng dạy, để lại dấu ấn tốt đối với bạn bè quốc tế.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, chị Liên thường xuyên tham gia huấn luyện lưu động tại các địa điểm xa Phái bộ. Anh em nam giới có thể tự lái xe đi một mình nhưng nữ giới như chị thì phải di chuyển cùng đồng đội do hành trình di chuyển tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đất nước Trung Phi rộng lớn, nhiều rừng núi nên việc đi thanh tra các đơn vị phải di chuyển bằng máy bay Mi24 hoặc M8. Đây là các loại máy bay nhỏ, độ an toàn thấp nên mỗi lần máy bay hạ cánh là một lần chị và đồng đội căng thẳng đến thót tim.

Tại Sở chỉ huy Phái bộ MINUSCA, cũng như đồng nghiệp quốc tế, chị và anh em trong tổ phải thuê nhà dân để ở do LHQ chưa đảm bảo được nơi ở trong căn cứ cho cán bộ, nhân viên của Phái bộ. Ban ngày, tình hình ở thủ đô Bangui khá căng thẳng. Các thành viên của Phái bộ được khuyến cáo hạn chế ra đường nếu như không có lực lượng bảo vệ đi kèm.

Tuy thế, chị Liên vẫn tìm cách ra ngoài để gặp gỡ người dân. Ban đêm, tuy ở ngay thủ đô Bangui nhưng trong khu dân cư hoàn toàn không có điện. Giấc ngủ trở nên chập chờn, mệt mỏi vì nóng bức. Tuy thế, chị tự nhủ phải luôn bản lĩnh để vượt khó trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho các con.

Thời điểm lên đường sang Trung Phi vào tháng 6-2019, điều chị lo lắng nhất là đúng lúc con trai chuẩn bị thi chuyển cấp và con gái sắp sang Nga học thạc sĩ. Cả gia đình đã có một cuộc họp lấy ý kiến từng thành viên. Chồng chị ủng hộ quyết định của chị, còn hai con đều cam kết tự hoàn thành nhiệm vụ để mẹ yên tâm lên đường. Và cho tới thời điểm này, chị rất vui vì cả nhà vẫn người nào việc nấy. Ngày của mẹ, cả hai con đều nhắn tin “con yêu mẹ, vì mẹ là người tuyệt vời nhất”. Từ nơi xa xôi, chị thấy yên lòng và thấy rằng sự dấn thân vì nhiệm vụ là hoàn toàn đúng đắn.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nu-chien-si-mu-noi-xanh-may-khau-trang-o-trung-phi-596623/