Nữ công nhân may đam mê với nghề

'Dù làm bất kể công việc gì, người thợ trẻ ấy vẫn luôn thể hiện sự đam mê, tận tụy với nghề. Dấn thân với nghề, luôn biết cách khắc phục khó khăn để tạo ra sáng kiến, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời, luôn gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều sáng tạo trong lao động sản xuất' - Đó là tất cả những nhận xét của đồng nghiệp công ty dành cho chị Nguyễn Thị Lê (Xí nghiệp may Minh Hà).

Sáng tạo trong từng công đoạn

Kể về cơ duyên đến với nghề, chị Lê vui vẻ nói: “Ban đầu mình cũng không ý định sẽ làm nghề may. Thời gian đó, mình vừa đi xin làm công nhân may, vừa xin làm công nhân sản xuất giấy nhưng được công ty may gọi đi làm trước, sau đó hai ngày sau bên công ty giấy cũng gọi mình đến làm nhưng mới làm may nên mình không dám xin nghỉ. Có thể xem như số phận mình phải gắn với nghề và có duyên với nghề may này rồi”.

Năm 2011, vào làm công nhân may túi xách ở Xí nghiệp may Minh Hà, chị Lê (quê Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) chỉ mong muốn kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi dạy các con ăn học. Ban đầu, chị đảm nhiệm công việc nhận hàng, rồi mang đến cho thợ chính may cùng một vài công việc may những bộ phận, chi tiết nhỏ khác. Nhưng nhờ ham học hỏi, luôn cố gắng phấn đấu, sau vài tháng, chị đã trở thành thợ may có tay nghề cao và được tin tưởng giao phó nhiều công đoạn quan trọng khác. Cho tới nay, trải qua 7 năm gắn bó với nghề, với công ty, cô gái 30 tuổi này đã có nhiều ý tưởng thiết thực nhằm giúp công nhân tăng năng suất lao động và giảm chi phí cho công ty và là tấm gương sáng cho các thợ trẻ của đơn vị noi theo.

Chị Nguyễn Thị Lê. (Ảnh: P.T)

Chị Lê kể, khi tiếp nhận công việc, chị không nghĩ mình có thể kiên trì vì quá vất vả, phải làm việc, ngồi máy cả ngày khiến người nhức mỏi. Ban đầu, với hệ thống máy móc hiện đại của công ty, chị chưa quen nên thường xuyên gặp trục trặc, sự cố tuy nhiên, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của đồng nghiệp, chị dần thích ứng và rồi say với công việc này lúc nào không hay.

Công việc chính hằng ngày của chị là may một công đoạn, hoàn thiện thân trước của những chiếc quần để công ty gửi xuất khẩu nước ngoài với các khâu như: may túi trước, khâu moi, kê đũng, kê khóa… Chính từ sự yêu thích ấy đã giúp chị nghĩ ra ý tưởng sáng tạo, giúp giảm bớt thời gian, nâng cao nâng suất cho toàn đội.

“Chẳng hạn, làm cái túi có 3 công đoạn nhưng mình bớt đi 1 công đoạn như vậy sẽ đẩy được nâng suất cho bản thân, nâng năng suất cho tổ nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm đẹp, đạt chất lượng. Nếu làm đủ công đoạn phải mất nửa tiếng mới xong nhưng rút bớt công đoạn thì chỉ tầm 15 phút đã xong rồi, như vậy tiết kiệm được thời gian rất nhiều. Điều quan trọng là bản thân người may biết cách làm sao dù bớt công đoạn nhưng sản phẩm may vẫn đẹp và đạt tiêu chuẩn, chất lượng để đem xuất khẩu” – chị Lê chia sẻ.

Làm đẹp cho mọi người cũng cần có bí quyết riêng

Với chị Lê, nghề may chẳng khác “làm dâu trăm họ”. Nghề may đòi hỏi người thợ phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ, từ đường kim, mũi chỉ ban đầu cho đến khi hoàn thành sản phẩm, bởi chỉ sai sót hay giữ lệch một chút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức sản phẩm và cả dây chuyền, ảnh hưởng đến uy tín của công ty và chế độ của anh, chị em lao động. Với hơn 6 năm làm nghề, chị Lê đã tạo được uy tín trong công ty. Mỗi người hành nghề may có một bí quyết riêng nhưng với Lê mỗi người có số đo, hình dáng khác nhau nên trên mẫu số chung cần phải có những cách riêng để phù hợp với số đo, kích thước, nước da, vóc dáng,… của mỗi người.

“Lê là một người nhiệt huyết, chăm chỉ, tay nghề rất giỏi và luôn sẵn sàng giúp đỡ các thành viên khác trong tổ. Lê biết cách giảm công đoạn để tăng năng suất đem lại hiệu quả cao nên lương luôn là cao nhất trong tổ”, chị Phí Thị Thu - Phó chủ tịch công đoàn, Xí nghiệp may Minh Hà chia sẻ.

Là một trong những đoàn viên công đoàn có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến trong sản xuất, chị Lê được lãnh đạo và công đoàn công ty tin tưởng giao nhiệm vụ hỗ trợ các công nhân mới. Chị luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm của mình cho những người mới vào nghề, giúp họ nâng cao tay nghề. Không chỉ giỏi nghề, chị Lê còn rất tích cực, hăng hái tham gia công tác đoàn thể.

Với sự nhiệt huyết và tinh thần không ngừng trau dồi học hỏi, chị Nguyễn Thị Lê đã trở thành một công nhân tay nghề cao, đạt được nhiều danh hiệu thi đua các cấp. Nhiều năm liền chị được công ty và công đoàn cơ sở khen thưởng vì có thành tích trong lao động. Năm 2015 chị đạt thành tích Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2016 đạt danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở và năm 2017 đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô.

P.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nu-cong-nhan-may-dam-me-voi-nghe-82075.html