Nụ cười sau gần 4 thập kỷ mang thân phận là kẻ giết người

Ngày 09/10/2019, tại UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi), ông Trần Trung Thám (đã mất) và ông Khổng Văn Đệ (86 tuổi), cùng trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô trong vụ án sát hại Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh cách đây đã 39 năm.

Nhìn những nụ cười rạng rỡ, niềm hân hoan, phấn khởi của những người bị khởi tố, bắt giam oan và thân nhân của họ trong buổi công khai xin lỗi, đông đảo quần chúng nhân dân có mặt cùng dư luận đều mừng cho gia đình ông Chinh, ông Thám và ông Đệ nhưng ít ai biết được những gian truân, vất vả của tập thể lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc theo đơn kêu oan của bà Trần Thị Thắm (vợ ông Chinh) trong suốt những năm qua.

Buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi), ông Trần Trung Thám (đã mất) và ông Khổng Văn Đệ (86 tuổi)

Buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi), ông Trần Trung Thám (đã mất) và ông Khổng Văn Đệ (86 tuổi)

Từ việc xác định có sự việc khởi tố, bắt giam oan sai

Việc xác định có việc khởi tố, bắt giam oan sai hay không theo đơn kêu oan của bà Thắm (vợ ông Chinh) là vấn đề hết sức khó khăn. Bởi lẽ vụ án này xảy ra cách đây đã 39 năm, hầu hết những người trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng giải quyết vụ án đều đã nghỉ hưu, chuyển ngành khác, thậm chí có người không còn nữa; nhiều hồ sơ tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án đã hư hỏng hoặc bị thất lạc do quá trình sáp nhập, chia tách địa giới hai đơn vị hành chính Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Vậy làm thế nào để làm rõ chân tướng sự việc, khôi phục lại danh dự, nhân phẩm cho bị hại và gia đình họ đây? Vấn đề đặc biệt khó khăn là phải xác minh làm rõ yêu cầu bồi thường oan sai của các bị hại còn hay không còn thời hiệu bồi thường? Nếu còn thời hiệu thì khoản nào được chấp nhận bồi thường, khoản nào không được chấp nhận? Việc xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan như thế nào?…

Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành, ngay khi nhận được đơn đề nghị của đại diện gia đình ông Trần Trung Thám, tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức họp, thống nhất giao đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách (nay là đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh) phân công và trực tiếp chỉ đạo Trưởng phòng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Phòng 12) nghiên cứu, tham mưu đề xuất hướng giải quyết với lãnh đạo Viện.

Sau khi tiếp nhận, nghiên cứu nội dung đơn, trực tiếp làm việc với bà Trần Thị Thắm (vợ ông Chinh) để nắm bắt các thông tin liên quan đến vụ việc và các nội dung gia đình bà Thắm đề nghị giải quyết; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng điều tra Công an tỉnh tiến hành nhiều buổi xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu tại Viện kiểm sát, Công an, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ (là các cơ quan tiếp quản trụ sở làm việc của Viện kiểm sát, Công an, Tòa án tỉnh Vĩnh Phú trước đây)... để xác minh.

Do vụ án xảy ra cách đây đã gần 40 năm, kho lưu trữ của Công an, Viện kiểm sát và Tòa án 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ có nhiều xáo trộn khi chia tách đơn vị hành chính nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu là hết sức khó khăn...

Có một chi tiết khá đặc biệt, đó là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, kho lưu trữ của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (cũ) bị cháy nhưng rất may là hồ sơ vụ án này vẫn còn do được xếp ở vị trí dưới cùng nên chưa bị giặc lửa lan tới. Dù vậy, hầu hết các hồ sơ, tài liệu của vụ án đều không còn được nguyên vẹn bởi mối mọt và tác động của thời gian. Việc tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ để xác định hướng giải quyết vụ việc tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Đồng chí Trần Minh Sơn, nguyên Trưởng phòng 12 (nay đã nghỉ hưu) nhớ lại: “Khi được đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách đơn vị giao thụ lý vụ việc này, mình nhiều đêm trăn trở, không thể nào ngủ được, cứ chợp mắt là những hình ảnh về vụ án lại hiện về. Vì thế mình tự nhủ phải quyết tâm nghiên cứu, đánh giá thật chi tiết, đầy đủ, khách quan đối với từng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng như những tài liệu, chứng cứ đã xác minh, thu thập được; đối chiếu với các nội dung, tình tiết được nêu trong đơn kêu oan, lời trình bày của đại diện gia đình người bị hại và các quy định của pháp luật từ thời điểm xảy ra vụ án năm 1980 đến nay để tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý ”.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Phó Viện trưởng phụ trách khối của tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hàng chục cuộc họp nghe báo cáo tiến độ, kết quả xác minh của phòng nghiệp vụ để chỉ đạo hướng giải quyết. Tuy nhiên, với các tài liệu, chứng cứ thu thập được mới chỉ đủ cơ sở để kết luận việc khởi tố, bắt giam đối với ông Chinh, ông Thám và ông Đệ về tội giết người vào năm 1980 là oan sai nhưng để xác định chắc chắn vụ việc này còn hay không còn thời hiệu yêu cầu bồi thường, mức bồi thường như thế nào thì chưa đủ căn cứ. Vì thế, để bảo đảm tính thận trọng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định báo cáo toàn bộ nội dung vụ việc xin ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó nêu ra những vấn đề, những nội dung còn chưa rõ hoặc còn có khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết.

Sau khi xem xét, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức xin lỗi công khai trước để giải quyết những nỗi bức xúc trước mắt của các gia đình bị hại, còn những vấn đề liên quan đến việc xác định còn hay không còn thời hiệu yêu cầu bồi thường, mức bồi thường… sẽ được giải quyết sau theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác chuẩn bị cho việc tổ chức buổi công khai xin lỗi…

Với yêu cầu việc tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với những người bị oan phải thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc nhằm thể hiện rõ thiện chí của cơ quan nhà nước có trách nhiệm xin lỗi đối với những người bị oan và thân nhân của họ cũng như đối với xã hội; vừa phải đảm bảo trang trọng, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của gia đình người bị oan, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã giao cho Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự (Phòng 7) xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, Công an huyện Sông Lô, chính quyền huyện Sông Lô và chính quyền xã Đồng Thịnh tổ chức nhiều hội nghị họp bàn, dự kiến nội dung, chương trình, phương án tổ chức và phân công trách nhiệm thực hiện, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình tổ chức xin lỗi; đồng thời trực tiếp làm việc với người bị oan và đại diện gia đình họ để thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị, thành phần tham dự, nội dung, chương trình của buổi xin lỗi và cải chính công khai…

Với tinh thần trách nhiệm cao của những người được phân công nhiệm vụ, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với các ông Trần Trung Thám, Trần Ngọc Chinh và Khổng Văn Đệ đã diễn ra trang trọng, nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật, được gia đình những người bị oan và đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình.

Ông Trần Ngọc Chinh nghẹn ngào xúc động nói "mừng rơi nước mắt" khi sau bao năm "mang thân phận kẻ giết người"

Những nỗi niềm trăn trở sau buổi công khai xin lỗi

Buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với các ông Trần Trung Thám, Trần Ngọc Chinh và Khổng Văn Đệ đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Hơn ai hết chúng tôi, những người Kiểm sát viên cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của những người bị oan và gia đình họ cùng đông đảo bà con nhân dân có mặt theo dõi...

Đối với ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc, nhiệm vụ phía trước vẫn hết sức nặng nề, nhất là việc xác định vụ việc oan sai này còn hay không còn thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại; những khoản nào được chấp nhận bồi thường, những khoản nào không được chấp nhận; việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc xảy ra oan sai như thế nào…

Vụ việc oan sai này là một bài học xương máu trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng; từ đó cần phải nghiên cứu sâu sắc để có thể thực hiện những giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác với mục tiêu không để những vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới. Đây cũng là những vấn đề hết sức quan trọng mà Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc phải khẩn trương làm rõ để khắc phục phần nào hậu quả và sự mất mát từ việc làm oan, sai do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (cũ) gây ra cách đây gần 40 năm cho ông Chinh, ông Thám, ông Đệ và gia đình các ông, qua đó góp phần mang lại niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với ngành Kiểm sát nói riêng, các cơ quan thực thi pháp luật nói chung.

Qua vụ việc này, một lần nữa chúng ta thấy được hậu quả hết sức nặng nề của những việc làm oan sai trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc cần phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy và tận lực với công việc được giao; không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt cuộc vận động của ngành về xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nhiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm việc khởi tố, bắt, giữ, giam, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội./.

Theo hồ sơ vụ án, cách đây 39 năm, ngày 28/01/1980, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là ông Chu Văn Quản – Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng.

Ngày 29/01/1980, Công an huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05, theo Điều 5 Sắc luật số 03 ngày 15/3/1976 của Chính phủ và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Ty Công an Vĩnh Phú để điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 04 người, gồm:

1/ Ông Trần Trung Thám bị khởi tố bị can ngày 15/02/1980. Ngày 03/03/1980 bị bắt và bị giam, giữ tại Trại giam Phủ Đức. Quá trình giam, giữ đến ngày 24/5/1980 ông bị chết tại Bệnh viện thị xã Phú Thọ.

2/ Ông Trần Ngọc Chinh bị khởi tố bị can ngày 18/02/1980. Ngày 06/3/1980 bị bắt và bị giam, giữ tại Trại giam Phủ Đức.

3/ Ông Khổng Văn Đệ bị khởi tố bị can ngày 20/02/1980. Ngày 13/3/1980 bị bắt và bị giam, giữ tại Trại giam Phủ Đức.

4/ Nguyễn Đình Ký bị khởi tố bị can ngày 20/02/1980. Ngày 13/3/1980 bị bắt và bị giam, giữ tại trại giam Phủ Đức.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định chỉ có một mình Nguyễn Đình Ký thực hiện hành vi giết ông Chu Văn Quản. Ngày 20/10/1982, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú có Cáo trạng truy tố Nguyễn Đình Ký về tội: “Giết người”, Cáo trạng đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phú phê chuẩn. Ngày 15/6/1983, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú đã xét xử, tuyên phạt Nguyễn Đình Ký mức án tù chung thân về tội “Giết người”.

Đối với ông Trần Trung Thám, ngày 18/5/1982, Ty Công an Vĩnh Phú đã có quyết định đình cứu số 01 với lý do: “Không phạm tội giết ông Chu Văn Quản”.

Đối với ông Trần Ngọc Chinh và ông Khổng Văn Đệ, cùng ngày 10/10/1982 đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định Đình cứu với lý do: “Không phạm tội giết ông Chu Văn Quản”

Như vậy, việc khởi tố, bắt giam như nêu trên đã làm oan cho người không thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cả về vật chất, sức khỏe, tinh thần và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các ông Trần Trung Thám, ông Khổng Văn Đệ, ông Trần Ngọc Chinh và gia đình các ông./.

Trịnh Duy Tám, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

Nguồn Kiểm Sát: https://kiemsat.vn/nu-cuoi-sau-gan-4-thap-ky-mang-than-phan-la-ke-giet-nguoi-55697.html