Nữ doanh nhân hết lòng vì sự phát triển của quê hương

Năm 2018, huyện Hải Hà đưa trải nghiệm vườn mẫu và tham quan vùng chè vào chương trình du lịch sinh thái, trong đó có vườn chè 20 ha của doanh nghiệp Thuấn Quỳnh, tại xã Quảng Long. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Diện tích chè của xã Quảng Long là 425 ha, nhưng vùng tập trung cho tham quan du lịch hơn 40 ha ở thôn 8 và thôn 9 của xã. Hàng năm có khoảng 1.000 lượt khách đến thăm vùng chè, trong đó khoảng 20% lưu trú, qua đó góp phần tiêu thụ các sản phẩm của người dân trên địa bàn.

Bà Hà Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh (còn gọi là Doanh nghiệp Thuấn Quỳnh) cho biết: Chúng tôi tham gia làm du lịch nhưng chưa tính đến lãi, mà trước mắt chỉ là làm đẹp cho quê hương. Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây 5 ngôi nhà sàn, cải tạo đường giao thông đồi chè, vườn rau thủy canh sinh thái, nhà giới thiệu sản phẩm OCOP. Vào những ngày cuối tuần có hàng trăm lượt khách đến vùng chè của chúng tôi. Họ xem các công nhân hái chè, chế biến chè, nhiều du khách còn muốn tự tay hái chè, rồi tự sao chè để thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm ra.

Đến với Doanh nghiệp Thuấn Quỳnh du khách được trải nghiệm miễn phí, chỉ phải trả tiền khi mua sản phẩm chè cầm về. Cũng theo bà Quỳnh, hiện tại du khách đến trải nghiệm chưa phải trả phí, lại uống nước chè thoải mái, trước mắt để du khách biết đến vùng chè Hải Hà.

Bà Hà Ngọc Quỳnh (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu với đoàn công tác của tỉnh về vùng chè của doanh nghiệp.

Xã Quảng Long đã về đích nông thôn mới đúng lộ trình vào năm 2018 và đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vợ chồng bà Quỳnh cũng đã có nhiều công giúp xã hoàn thành công tác này. Bà Quỳnh là người đầu tiên của huyện Hải Hà đã mạnh dạn đưa giống chè Ngọc Thúy và giống chè Bát Tiên phát triển trên quy mô lớn trên địa bàn. Đây là những giống chè cho năng suất cao, trung bình đạt 30 tấn búp chè tươi/ha/năm. Công ty của vợ chồng bà Quỳnh hàng ngày thu mua 10 tấn chè tươi cho 1.000 hộ làm chè ở cả 9 xã trên địa bàn huyện Hải Hà. Bà cũng là một trong những tư nhân đầu tiên mạnh dạn mở công ty riêng thu mua, chế biến chè trên đất Hải Hà, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất có thu nhập tốt.

Vợ chồng bà Quỳnh đã ủng hộ hơn 500 triệu đồng để hoàn thành các con đường liên thôn dài 1km và quy hoạch lại, cứng hóa đường nghĩa trang xã Quảng Long. Trước đây người dân xã có thói quen khi nhà có người quá cố, họ tiện đâu chôn đấy. Khi Quảng Long bắt tay vào xây dựng nông thôn mới buộc phải quy hoạch lại nghĩa trang, thì đây thực sự là bài toán khó về vốn. Thấu hiểu cái khó của người dân, nên khi cán bộ UBND xã Quảng Long đứng ra phát động mỗi doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp 2 triệu đồng để cứng hóa đường ra nghĩa trang, gia đình bà Quỳnh đã ủng hộ 50 triệu đồng tiền mặt và 63 tấn xi măng.

Việc làm ý nghĩa của gia đình bà đã tác động đến nhiều người, khi nhà nước hỗ trợ cát, đá, sỏi bà con cùng bảo nhau đóng góp tiền, công sức. Các nhà trong xã cùng vận động những người khỏe mạnh trong gia đình đến góp công chặt lau sậy, san nền, trộn đổ bê tông để hoàn thành con đường ra nghĩa trang dài gần 1km, mặt đường rộng 2,5m để đi lại thuận tiện. Không chỉ làm tốt ở xã mình, bà Quỳnh còn giúp các xã Quảng Chính, Quảng Thịnh (Hải Hà) mỗi xã 50 triệu đồng để cứng hóa đường ra nghĩa trang.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/nu-doanh-nhan-het-long-vi-su-phat-trien-cua-que-huong-2464247/