Nữ doanh nhân người Việt tỏa sáng tại Berlin

Xưa nay, người phụ nữ vốn luôn được quan niệm là phận “liễu yếu đào tơ”, cần được nâng niu, che chở. Thế nhưng, cũng có những người phụ nữ đã tự bước đi vững chắc trên đôi chân của mình, tự gây dựng cho mình một sự nghiệp mà phái mạnh đôi khi cũng khó theo kịp.

(ĐCSVN) –

Tự xây dựng nền tảng cuộc sống cho mình vốn đã khó thì một mình bươn chải nơi đất khách, vượt qua ngàn nỗi gian truân để gặt hái những thành công nhất định trên thương trường lại càng không mấy dễ dàng. Song ở nước Đức xa xôi, chị Nguyễn Thị Hà lại làm được điều đó khi được xem là một trong những nữ doanh nhân người Việt thành công nhất tại quốc gia này hay người tiên phong đưa nghề nail tới Berlin.

Bất ngờ nhất khi tôi gặp chị là vẻ bề ngoài tươi trẻ, khỏe khoắn, mạnh mẽ của một người phụ nữ đã ở độ tuổi ngũ tuần mà theo quan niệm của người Việt xưa là “đã toan về già”. Có lẽ, cuộc sống vất vả mưu sinh hơn 20 năm tại xứ người đã khiến cho một người phụ nữ vốn đã bản lĩnh, nghị lực lại càng thêm vững vàng, quyết đoán. Hay cũng bởi nữ doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp luôn có ý thức gìn giữ nét duyên dáng vốn có của người phụ nữ Việt Nam.

Nữ doanh nhân Việt thành công trên thương trường Đức

Năm 1979, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hà quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, đỗ điểm cao và trúng tuyển đi du học tại Liên Xô theo chuyên ngành Hóa học. Tuy nhiên, sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ rồi Liên Xô tan rã, những biến động bất ngờ của thời cuộc đã xô đẩy cuộc đời cô kỹ sư Hóa học này sang một bước ngoặt khác...

Chị Nguyễn Thị Hà (đứng giữa) cùng các nữ doanh nhân Đức tại
Đại hội Doanh nghiệp Đức năm 2011

Năm 1990, chị theo chồng sang Đức và bắt đầu hành nghề kinh doanh quần áo để mưu sinh. Song không lâu sau đó, ngành kinh doanh quần áo bắt đầu rơi vào giai đoạn thoái trào. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi chị Hà gặp phải những trở ngại liên tiếp trong công việc buôn bán. Tới năm 2005, chị quyết định thay đổi, chuyển từ kinh doanh quần áo sang nghề nail (nghề làm móng tay – móng chân). Chị cho biết: “Quan trọng là chị dám thay đổi để không dấn sâu vào thất bại. Chị là người quyết đoán, táo bạo, dám từ bỏ cái cũ để bước sang một lĩnh vực kinh doanh mới”. Quả thực, hiếm có người phụ nữ nào có đủ mạnh mẽ để quyết tâm rẽ theo đuổi một hướng đi hoàn toàn mới dù chưa biết có đạt được thành công hay không trong khi luôn luôn phải đảm nhiệm trọng trách nặng nề nuôi hai con thơ giữa một môi trường hoàn toàn xa lạ và đơn độc.

Nếu như tại Mỹ, nghề nail vốn đã phát triển mạnh từ khá lâu trong cộng đồng người Việt thì tại châu Âu, nghề nail chỉ mới xuất hiện tại Anh từ năm 2000 và tại Đức vào năm 2005. Không ai khác, chính chị Nguyễn Thị Hà đã là người Việt đầu tiên mở tiệm làm nail tại Berlin vào năm 2005. Vì vậy, không hề quá lời khi nói rằng người phụ nữ Việt này đã mang nghề nail tới Berlin và giờ đây, người ta thường gọi chị với cái tên quen thuộc “Hà nail”. Chị Hà cho biết, sở dĩ chị chọn nghề nail vì với vốn kiến thức về Hóa học đã được trang bị một cách bài bản và sâu rộng, với những hiểu biết về lĩnh vực hóa chất đã tích lũy được, chị có thể làm tốt nghề này. Thêm vào đó, bản tính cần cù, chịu khó, tỉ mẩn truyền thống của người Việt cũng giúp mang đến thành công cho chị trong lĩnh vực này. Đặc biệt, làm nghề nail tại Đức, chị sẽ có thêm thời gian để gần gũi hai cô con gái nhỏ vốn rất cần sự quan tâm của mẹ.

Từ những buổi đầu sơ khai, đến nay, số lượng các tiệm nail của người Việt mở ra trên khắp nước Đức ngày càng nhiều hơn. Bắt kịp ngay xu hướng mới, chị Hà lại một lần nữa đi tiên phong trong việc cung cấp tất cả các trang thiết bị máy móc và hóa chất cho các tiệm nail ở Đức rồi sau đó là cho các nước châu Âu như CH Séc, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha… Liên tục các chuyến đi khảo sát thị trường tại nhiều nước trên thế giới, chị Hà nắm vững được thế mạnh của từng thị trường tương ứng với từng mặt hàng. Chị nhập hàng từ nhiều quốc gia, trong đó phụ liệu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam; còn riêng hóa chất thì nhập 100% từ Mỹ. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia vào các hội chợ thương mại quốc tế để tìm kiếm thêm các chủng loại hàng mới cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm kinh doanh từ các doanh nghiệp nước bạn. Chính vì vậy, cho tới thời điểm hiện tại, dù xuất hiện không ít đối thủ cạnh tranh trên thị trường Đức song công ty của chị vẫn là doanh nghiệp kinh doanh có quy mô lớn nhất và uy tín nhất. Lợi thế cạnh tranh của chị, trước hết là giá cả khi chị mạnh bạo đầu tư kinh phí nhập hàng với số lượng lớn. Những mặt hàng mới, những mẫu mã mới mà chị thường xuyên cập nhật cũng góp phần thu hút khách hàng. Đặc biệt, với vốn kiến thức được đào tạo về hóa học cùng với kinh nghiệm tích lũy sau một thời gian dài làm nghề, chị có thể tư vấn tốt cho khách hàng. “Làm nghề này phải có lương tâm với nghề”, chị Hà chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hà và Thị trưởng thành phố Berlin tại Lễ hội thành phố năm 2011

Có lẽ, bản tính quyết đoán, táo bạo song hành với “cái tâm” lương thiện vốn có của người Việt đã mang lại thành công không nhỏ cho người phụ nữ Việt Nam này trên thương trường vốn cạnh tranh vô cùng khốc liệt nơi đất khách. Không phải ngẫu nhiên khi chị được chọn là một trong ba khách mời người Việt tham gia Lễ hội thành phố Berlin lần thứ 11 ngày 28/6 vừa qua. Đây là cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo thành phố, các chính khách, là nơi giao lưu của hơn 140 công ty thuộc tất cả các lĩnh vực phát triển mạnh nhất của nước Đức. Là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt tại Đức, chị vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại đây, trong đó đặc biệt là các doanh nhân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại, những trăn trở về sự vất vả trong quá trình mưu sinh của đồng bào mình. Về phía các doanh nghiệp trong nước, chị Hà cho biết, nếu đảm bảo được uy tín bền vững thì các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không hề thua kém các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí còn chiếm được lợi thế về giá cả và mẫu mã.

Theo chị Hà, từ khi bắt đầu làm nghề nail đến nay, cái được lớn nhất của chị chính là một cuộc sống ổn định, bình yên, dành được nhiều thời gian cho các con; một công việc phù hợp với bản tính chăm chỉ, tỉ mẩn của người Việt.

Sống nơi đất khách vẫn nặng lòng với quê hương

Nếu như trong kinh doanh hình ảnh chị Hà thật mạnh mẽ, táo bạo và quyết đoán, thì khi nói về gia đình, tôi bắt gặp trong ánh mắt của người phụ nữ ấy một nỗi niềm trắc ẩn sâu kín. Từng một lần thất bại trong hôn nhân nên tài sản lớn nhất của chị đến bây giờ là hai cô con gái 18 và 12 tuổi. Chị cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chị là vấn đề học tập của con”. Đó cũng chính là lý do chị Hà quyết định đầu tư cho cô con gái lớn đi học tại một trường tư thục của Đức. “Tại Đức, khi người ta hỏi con bạn học trường gì, chỉ cần bạn nói học trường tư là họ đã đủ kính nể. Có lẽ, chị là người Việt duy nhất dám cho con theo học trường tư tại quốc gia này với mức học phí rất cao, vốn chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, giàu có”, chị Hà cho biết. Theo chị, đầu tư cho vấn đề học tập của con cái chính là sự đầu tư hiệu quả nhất. Tôi hiểu được rằng, với một người phụ nữ vừa phải làm mẹ vừa làm cha như chị thì nghị lực, tài năng là điều không thể thiếu mà chị mong muốn hai cô con gái – tài sản lớn nhất của mình có thể tích lũy được. Ẩn sau cái vẻ bề ngoài mạnh mẽ, cứng rắn ấy, tôi thấy được sự e dè, mềm yếu vốn có của một người phụ nữ khi chị chia sẻ: “Một mình nuôi con vất vả lắm em ạ, nhất là khi ở nước ngoài không dựa được vào ai!”.

Tuy nhiên, khi nhắc tới hai cô con gái, đôi mắt chị ánh lên vẻ tự hào. “Hai cháu lớn dù sinh ra và lớn lên tại Đức nhưng đều có thể nói thành thạo tiếng Việt. Riêng cháu gái đầu có thể viết lưu loát như người Việt Nam. Chị luôn luôn muốn hai cháu nhớ rằng các cháu là những cô gái Việt Nam”, chị Hà chia sẻ. Đối với nữ doanh nhân được xem là thành đạt trên một đất nước phát triển như nước Đức, đối với một người làm kinh doanh bôn ba qua nhiều quốc gia trên thế giới thì những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt vẫn luôn luôn là điều đáng quý và cần được lưu giữ, cho dù là những phong tục nhỏ nhất. Chính vì thế, người phụ nữ ấy dù bận rộn, dù bộn bề với không ít các chuyến hàng xuất – nhập khẩu, vẫn đều đặn dành thời gian ít nhất là 30 phút mỗi ngày để kèm con gái trau dồi tiếng Việt thông qua các câu chuyện cổ tích, các bài chính tả... Trong ngôi nhà rộng lớn, hiện đại của chị, tiếng Việt vẫn là thứ ngôn ngữ mà cả 3 mẹ con cùng phải có trách nhiệm lưu giữ, trau dồi; những phong tục dù là nhỏ nhất như mời cơm khi ăn vẫn luôn luôn được chị duy trì cho các con theo nếp sinh hoạt.

Hàng năm, do thời gian học tập của hai con, chị đều không thể trở về quê vào dịp Tết nguyên đán. Mặc dù sống tại một quốc gia phát triển với đầy đủ các cơ sở vật chất hiện đại và ngay cả những vật phẩm truyền thống của Việt Nam cũng có thể tìm thấy ở đây trong dịp lễ này, song cái chị luôn cảm thấy thiếu hụt, đó chính là không khí đón Xuân tại quê nhà. Chị Hà chia sẻ, vào thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo âm lịch, những người con xa xứ như chị hơn lúc nào hết lại một lòng hướng về quê hương. Những kỷ niệm của tuổi thơ lại ùa về với chị. Từ cái không khí se lạnh của tiết trời miền Bắc, hương cốm thơm thơm hay những buổi ngồi trông bánh chưng trên bếp, hương lá mùi, lá hương nhu trong nồi nước mẹ đun,... tất cả đều là những giá trị không thể thay thế đối với chị. Dù cho chị có ở một phương trời xa xôi, một môi trường hoàn toàn khác lạ, thì hai tiếng Việt Nam vẫn luôn luôn khảm sâu trong trái tim, chị Hà chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hà trao tặng số tiền 50 triệu đồng tặng Quỹ Trái tim cho em

Cũng bởi vậy, mỗi khi có dịp, chị Hà đều sẵn sàng chia sẻ sự quan tâm của mình tới với bà con trong và ngoài nước. Chị không nhớ được số lượng những người Việt Nam đã từng làm việc trong công ty của chị. Nhờ có chị, không ít người Việt đã có công ăn việc làm ổn định tại nơi đất khách. Chị thấy xót xa khi chứng kiến những bà con người Việt kinh doanh quá vất vả trên thương trường Đức nên không dành được thời gian cho con, không có thời gian dạy cho con tiếng Việt... Ngoài ra, chị cũng tích cực tham gia một số hoạt động từ thiện ở trong nước như đóng góp vào Quỹ Trái tim cho em...

Những năm gần đây, chị nhận thấy Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều ưu đãi cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và tăng cường. Là một kiều bào sống xa Tổ quốc đã lâu, chị luôn luôn mong muốn được quay lại sinh sống, phát triển kinh doanh góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam giàu mạnh. Chị Hà cho biết, sau khi đã lo ổn định cho hai con, chắc chắn chị sẽ quay lại Việt Nam, để được sống giữa quê hương mình bởi như lời chị nói, mỗi lần về quê hương, chị luôn cảm thấy thật bình an, yên ổn bởi nơi đây có bà con, có gia đình, nơi đây chính là Tổ quốc, là nơi sinh ra và lớn lên của chị.

Có lẽ, đối với người phụ nữ này, “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”!

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=485300&co_id=30482