Nữ giáo viên tát, đánh tới tấp vào đầu học sinh có thể bị xử lý như thế nào?

Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Ngày 16/5, thông tin với PV, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, lãnh đạo TP Hải Phòng vừa chỉ đạo khẩn các sở, ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm, liên quan đến vụ việc nữ giáo viên tát và đánh tới tấp vào đầu học sinh.

Nữ giáo viên này là Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8). Cô đã đánh hàng loạt học sinh lớp 2A7 trong tiết kiểm tra cuối năm. Sự việc diễn ra tại Trường Tiểu học Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) cách đây mấy ngày và được phụ huynh đưa lên mạng xã hội.

Trao đổi với PV về vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.

Camera ghi lại cảnh hàng loạt học sinh bị nữ giáo viên này tát vào mặt, đầu và cầm thước đánh liên tiếp vào lưng, mông và chân các em- Ảnh cắt từ clip

Camera ghi lại cảnh hàng loạt học sinh bị nữ giáo viên này tát vào mặt, đầu và cầm thước đánh liên tiếp vào lưng, mông và chân các em- Ảnh cắt từ clip

Điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em nêu rõ: "Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy".

Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Luật sư Thơm nêu thêm về Điều 37 Hiến pháp 2013: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Còn Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích: "Bạo lực trẻ em" là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Do đó, sự cần thiết phải dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu đã được khẳng định trong Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924, trong Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959 và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đặc biệt là các điều 23 và 24), trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (đặc biệt là điều 10), trong những quy chế và văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế hoạt động vì phúc lợi của trẻ em.

Xét hành vi của cô giáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được vệ về thân thể, sức khỏe của trẻ em khi đã sử dụng vũ lực liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh, trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau.

Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh. Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu.

Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên vốn được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất.

Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác, đặc biệt trẻ em là người yếu thế trong xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của cháu học sinh thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.

Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác, được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, tùy theo tính chất mức độ và hậu quả gây ra tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của các cháu học sinh, cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS hoặc tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS là có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Yến Lan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nu-giao-vien-tat-danh-toi-tap-vao-dau-hoc-sinh-co-the-bi-xu-ly-nhu-the-nao-20190516173750774.htm