Nữ giáo viên Vật lý mê thư pháp

Từ mong muốn luyện chữ đẹp để hoàn thiện nét chữ, chỉn chu trong trình bày nội dung dạy học, cô giáo Lê Bá Mỹ Lệ (Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) đã dần chuyển sang theo đuổi bộ môn thư pháp.

Cô Lê Bá Mỹ Lệ tập trung viết thư pháp. Ảnh: H.Yến

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, cô giáo Mỹ Lệ đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho thú vui tao nhã này. Những câu đối, bức tranh, chữ viết đã trở thành món quà để cô dành tặng học trò, đồng nghiệp, người thân và mang đến niềm vui cho nhiều người.

* Từ mục tiêu luyện chữ đẹp

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc treo đầy tranh, chữ thư pháp, cô giáo Mỹ Lệ bộc bạch: “Hồi học tiểu học, tôi viết chữ xấu lắm. Lên THCS, tôi có ý thức tự rèn chữ và đã viết chữ nghiêng khá tốt. Đến khi học THPT, tôi được xếp vào diện viết chữ đẹp trong lớp. Tuy vậy, tôi vẫn không hài lòng với nét chữ của mình”.

Năm 2017, khi đã đứng trên bục giảng được gần 15 năm, cô Mỹ Lệ đăng ký tham gia lớp luyện chữ đẹp cấp tốc. Sau 8 buổi học và tự rèn luyện thêm ở nhà, cô giáo này bắt đầu viết được chữ chuẩn (font chữ viết dạy cho học sinh tiểu học) và mạnh dạn đăng hình ảnh các bài viết để giao lưu với những người yêu thích viết chữ đẹp trên các diễn đàn online.

Theo đuổi nghệ thuật viết chữ đẹp được 3 năm, đến năm 2020, cô Mỹ Lệ mon men tập viết thư pháp - bộ môn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và không phải ai yêu thích cũng có thể theo đuổi được. Cô Mỹ Lệ kể: “Trong một lần họp nhóm những người yêu thích viết chữ đẹp, chúng tôi tình cờ quen một “sư phụ” dạy viết thư pháp. Nhóm chúng tôi có hơn 10 người đăng ký học online với thầy. Ban đầu, ai cũng quyết tâm, khí thế nhưng rồi cứ “rơi rụng” dần. Đến nay, chỉ còn mình tôi vẫn theo đuổi bộ môn thư pháp”.

Ngoài chữ đẹp và thư pháp, cô giáo Mỹ Lệ còn học vẽ tranh phong cảnh và vẽ hoa sen để trang trí cho các bức thư pháp thêm phần sinh động. Mong muốn của cô là có thể dạy cho các học trò nhỏ có nét chữ đẹp.

Vốn yêu thích nghệ thuật, thích vẽ tranh, trang trí báo tường từ nhỏ nên việc đến với nghệ thuật viết chữ, thư pháp là niềm vui đối với cô giáo này. Vì vậy, dù là luyện chữ đẹp hay viết thư pháp, cô giáo Mỹ Lệ đều dành nhiều thời gian, toàn tâm toàn ý cho từng nét chữ. “Mỗi khi ngồi xuống viết chữ thì phải thật tĩnh tâm, cẩn thận, tập trung tối đa vì chỉ cần sai hay lệch 1 nét chữ thôi là tôi sẽ phải bỏ luôn cả bài để viết lại từ đầu” - cô Mỹ Lệ chia sẻ.

Chính vì kỳ công như vậy nên mỗi cuốn vở tập viết, các bức tranh chữ, thư pháp đều được cô Mỹ Lệ lưu giữ cẩn thận hoặc đem tặng cho những người mình yêu mến để làm món quà tinh thần.

* Bài học về cuộc sống

Với riêng cô Mỹ Lệ, việc viết chữ đẹp, viết thư pháp không chỉ đơn giản là để thỏa mãn niềm đam mê với một hình thức nghệ thuật mà còn là cách để học được nhiều bài học ý nghĩa từ cuộc sống, tu rèn phẩm chất cá nhân.

Cô Mỹ Lệ tâm sự: “Ban đầu, khi luyện chữ đẹp, tôi không đặt ra mục tiêu cụ thể nào cả. Chỉ mong muốn đơn giản là có thể viết đẹp để tự mình viết được những câu châm ngôn, câu văn, câu thơ hay. Khi mới tập viết, tôi chỉ có thể sao chép lại các câu chữ của những người đi trước; sau khi biết viết đẹp thì sẽ tự mình tìm và sưu tầm những câu châm ngôn hay, phù hợp với bản thân để viết và trưng bày cho chính người thân trong gia đình. Đó như là động lực để truyền cảm hứng
sống đẹp”.

Không những vậy, cô giáo này còn viết những bài học ý nghĩa của cuộc sống để dành tặng học sinh của mình. Những câu nói như: “Hơn thua so với chính mình”, “Hôm nay mình phải hơn mình hôm qua”, “Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh”… được cô treo trên lớp học, giảng giải và răn dạy học sinh luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên nhưng cũng không ganh đua với người khác.

Từ khi đến với bộ môn viết chữ đẹp và thư pháp, cô Mỹ Lệ lại có thêm những món quà độc đáo để làm phần thưởng cho học trò. Những phần quà có khi là các chữ thư pháp viết trên mành tre để trang trí góc học tập, có khi là chữ thư pháp trên bao lì xì…

Riêng cuối năm học vừa qua, cô viết tên từng học sinh theo kiểu chữ thư pháp rồi lồng trong các móc chìa khóa để tặng những học sinh được điểm cao, học sinh lớp mình chủ nhiệm.

Những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tâm ý, tình yêu thương của cô nên các học trò rất yêu thích. Bản thân cô Mỹ Lệ cảm thấy vui khi tự tay làm được món quà cho học trò.

Thú vui tao nhã của cô Mỹ Lệ đã lan tỏa được đến các thành viên trong gia đình. Cô giáo Mỹ Lệ kể: “Chồng tôi rất ủng hộ vợ, thường khoe với bạn bè về chữ viết của vợ và dùng đó làm quà tặng. Khi mẹ tôi sáng tác được một bài thơ về người mẹ, bà đã đưa cho tôi viết thành một bức tranh chữ và treo trang trọng trong nhà”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/nu-giao-vien-vat-ly-me-thu-phap-3171671/