Nữ họa sĩ tài danh Lê Thị Lựu

Ở một số lĩnh vực, chúng ta từng xếp hạng các bậc 'maître / mét / thầy' thành tứ kiệt. Chẳng hạn mỹ thuật có:

Nữ họa sĩ, nhà giáo Lê Thị Lựu ở Sài Gòn năm 1936

Nữ họa sĩ, nhà giáo Lê Thị Lựu ở Sài Gòn năm 1936

* Phổ, Thứ, Lựu, Đàm: Lê Phổ (1901 - 2007), Mai Trung Thứ / Mai Thứ (1906 - 1980), Lê Thị Lựu (1911 - 1988), Vũ Cao Đàm (1908 - 2000).

* Trí, Lân, Vân, Cẩn: Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), Nguyễn Tường Lân (1906 - 1954), Tô Ngọc Vân (1906 - 1946), Trần Văn Cẩn (1910 - 1994).

* Nghiêm, Liên, Sáng, Phái: Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016), Dương Bích Liên (1924 - 1988), Nguyễn Sáng (1923 - 1988), Bùi Xuân Phái (1920 - 1988).

Cả 3 bộ tứ vừa nêu gồm 12 cây cọ thảy đều đã từ trần và chỉ có duy nhất một nữ họa sĩ mà bài này nêu tiểu sử sơ lược theo đề nghị của nhiều bạn đọc.

Lê Thị Lựu chào đời ngày 19/1/1911 nhằm ngày 19 tháng Chạp năm Canh Tuất tại làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc quận Long Biên, Thủ đô Hà Nội. Năm 1925, nàng thi đỗ bằng Sơ học Yếu lược. Năm 1926, tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, nàng học lớp dự bị, sau đó thành sinh viên thực thụ. Năm 1929, Lê Thị Lựu có 2 tranh sơn dầu “Em nhỏ trong vườn chuối” và “Chân dung ông Hai” được chọn tham gia cuộc triển lãm chung đầu tiên của sinh viên trường vừa nêu, mừng thay, đều được mua, bức đầu do nhà sưu tập André de Laborde de Monpezat mua, bức sau do Phủ Toàn quyền Đông Dương mua.

Năm 1932, Lê Thị Lựu tốt nghiệp thủ khoa khóa III Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Dịp nọ, tuần báo Phụ Nữ Tân Văn ấn hành ở Sài Gòn đã đăng 2 bức biếm họa bút sắt “Lao động thất nghiệp” và “Trí thức thất nghiệp” do Lê Thị Lựu vẽ, ký Vando / Văn Đỏ, kèm lời tòa soạn giới thiệu, trích nguyên văn: “Cô Lê Thị Lựu - nữ sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hanôi [sic!]”.

Năm 1933, ở Hà Nội, Lê Thị Lựu dạy vẽ tại các Trường Trung học Bảo hộ / Bưởi (nay là THPT Chu Văn An), Nữ Sư phạm Hàng Bài, Ecole dentellìere, và Trường tư thục Hồng Bàng. Nàng còn sinh hoạt phong trào Hướng Đạo Việt Nam, đã lập bầy sói con Trứng Rồng tại Hà Nội năm ấy. Năm sau, ngày 16/10/1934, Lê Thị Lựu thành hôn với kỹ sư canh nông Ngô Thế Tân (1911 - 1997).

Năm 1935, Lê Thị Lựu vào Sài Gòn dạy vẽ tại các Trường Trung học Áo tím và Mỹ thuật Gia Định; tiếp tục ký họa và minh họa với nghệ danh Văn Đỏ trên các tờ Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới, Ngày Nay. Năm 1938, nàng bị lao, ra Hà Nội điều trị, sau đó tiếp tục dạy vẽ tại các Trường Trung học Bảo hộ và Nữ Sư phạm Hàng Bài.

Năm 1939, Ngô Thế Tân thuyên chuyển qua Pháp. Năm 1940, Lê Thị Lựu vào Sài Gòn, đáp tàu thủy sang Pháp đoàn tụ với chồng. Ngày 1/1/1941, ở thủ đô Paris, nàng sinh con trai Ngô Mạnh Đức (sau trở thành kiến trúc sư).

Năm 1942, Ngô Thế Tân được bổ làm Giám đốc Nông trường Kindia ở Guineé, Tây Phi; Lê Thị Lựu ẵm con theo. Năm 1945, cùng chồng trở lại Pháp, nàng mở hiệu buôn. Năm 1954, Lê Thị Lựu quyết định thôi buôn bán, tập trung hoạt động hội họa.

Ngô Thế Tân lúc bấy giờ còn làm Phó Chủ tịch Hội Việt kiều ở Paris. Năm 1956, Ngô Thế Tân về nước, công tác trong Bộ Ngoại thương ở Hà Nội; Lê Thị Lựu ở Pháp, vừa chăm con, vừa vẽ. Năm1958, Ngô Thế Tân bị lao tái phát, trở lại Pháp điều trị.

“Ba mẹ con trên cỏ” - tranh lụa do Lê Thị Lựu vẽ tại Pháp giai đoạn 1960 - 1965

Năm1959, Lê Thị Lựu tham gia cuộc triển lãm chung ở Paris. Ngay lúc khai mạc, 2 trong 3 bức tranh của nàng được 2 nhà sưu tập Hoa Kỳ mua. Từ năm 1962, Lê Thị Lựu dạy vẽ tại Lyceé Corot, Lyceé Rodin, Lyceé d’Orsay ở Paris.

Năm 1971, Ngô Thế Tân nghỉ hưu, cả nhà chuyển tới miền Địa Trung Hải, ở biệt thự An Trang tại thị xã Spéracèdes, tỉnh Alpes-Maritimes, vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, Cộng hòa Pháp.

Năm 1975, Lê Thị Lựu về Việt Nam, thăm Hà Nội, vẽ tranh lụa “Phụ nữ gặt lúa” biếu Hội Mỹ thuật.

Năm 1979, Lê Thị Lựu mắc bệnh tim đập không đều / arythmie.

Sau khi vẽ tranh lụa “Tam đại đồng đường” tại nhà riêng, Lê Thị Lựu vào bệnh viện Antibes, từ trần vì xuất huyết não ngày 6/6/1988 nhằm ngày 24/5 năm Giáp Tuất, hưởng thọ 78 tuổi.

Ở Việt Nam, đông đảo nghệ sĩ tạo hình cùng công chúng yêu mỹ thuật quá thích mắt khi lần đầu thưởng thức một số họa phẩm của Lê Thị Lựu qua cuộc triển lãm “Hội họa Việt Nam – một diện mạo khác” gồm tranh của nhiều cây cọ tên tuổi do nhà sưu tập Nguyễn Minh trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội vào cuối tháng 10/2015.

Ý nghĩa và xúc động biết bao, ngày 23/11/2018, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức tiếp nhận và trưng bày bộ sưu tập tranh gồm 26 bức nguyên tác của Lê Thị Lựu do Ngô Thế Tân, Lê Tất Luyện và Thụy Khuê trao tặng; trong số đó có 20 bức do Ngô Thế Tân dẫu khuất bóng vẫn ưu ái chuyển giao.

Lê Thị Lựu thuở sinh tiền dẫu liên tục vẽ nhưng chưa lần nào triển lãm cá nhân. Theo chồng của nữ họa sĩ thì sở dĩ vậy bởi nhiều nguyên nhân: Nàng vẽ rất chậm, lắm khi vẽ xong lại xóa, có những bức như “Kim Kiều gặp gỡ”, “Ba mẹ con trên cỏ”, “Trần Anh bên suối” được vẽ đi vẽ lại suốt mấy năm ròng; hầu hết họa phẩm vẽ xong liền bán ngay, chưa bao giờ đủ số lượng để triển lãm riêng, lúc nào cũng nợ tranh người ta đặt trước.

Họ tên Lê Thị Lựu là nghệ danh chính. Nàng còn ký Văn Đỏ trên một số ký họa và biếm họa như đã nêu. Ngoài ra, Lê Thị Lựu thỉnh thoảng sáng tác thơ với bút danh Thạch Ẩn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nu-hoa-si-tai-danh-le-thi-luu-3849633.html