Nữ hoàng ballet Galina Ulanova: 'Tuổi trẻ là hoạt động!'

Tuy đã mất cách đây đúng 2 thập niên, nhưng tên tuổi của nữ diễn viên kịch múa ballet huyền thoại người Nga Galina Sergeyevna Ulanova (1910-1998), được công chúng ngưỡng mộ tôn vinh bằng biệt danh 'Nữ hoàng ballet của mọi thời', vẫn mãi lưu danh trong lịch sử văn hóa nghệ thuật thế giới.

Tại nhiều quốc gia trên hành tinh đã diễn ra những hoạt động nhằm tưởng nhớ người nghệ sĩ vĩ đại. Các nhà điện ảnh hàng đầu ở Liên bang Nga vừa hoàn tất cuốn phim tài liệu dài 2 tập, nói về thân thế và sự nghiệp của bà có bổ sung nhiều tư liệu mới chưa được công bố.

Còn tại “kinh đô ánh sáng” Paris (Pháp) dưới sự bảo trợ của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp quốc (UNESCO), các nhà hoạt động nghệ thuật quốc tế đã tổ chức thành công tuần lễ vũ hội quy mô nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của “Nữ hoàng ballet” G. Ulanova; còn ở thủ đô Stockholm của Vương quốc Thụy Điển suốt 1/4 thế kỷ qua, bức tượng toàn thân tái hiện nữ nghệ sĩ gạo cội G. Ulanova trong vở ballet “Lebedinoye ozero” (Hồ thiên nga) bất hủ của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Pyotr Tchaikovsky (1840-1893), vẫn “ngạo nghễ trấn giữ” ngay tiền sảnh lối vào Viện bảo tàng Vũ điệu Hoàng gia Thụy Điển, niềm vinh dự hiếm hoi đối với một diễn viên ngoại quốc, hay như có người ví von tương đương một “giải Nobel Nghệ thuật” vậy.

Ngay từ thuở lọt lòng, số phận của Galina đã an bài như một diễn viên ballet “bẩm sinh”. Chào đời tại Saint Petersburg - “cái nôi của kịch múa Nga” - vào đầu năm 1910. Lớn lên giữa môi trường ballet thuần khiết, bởi cả cha và mẹ Galina đều là những nghệ sĩ hàng đầu trong vũ đoàn ballet thuộc Nhà hát Mariinsky trứ danh, sau Cách mạng Tháng Mười đổi tên thành Nhà hát Opera và Ballet Leningrad. Năm 1928, nữ diễn viên 18 tuổi G. Ulanova khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật lớn lao của mình chính từ sàn diễn danh tiếng này.

Như nữ cố nghệ sĩ gạo cội lúc sinh thời từng nhiều lần nhớ lại, rằng cái thuở “ban đầu khó quên” ấy bộ môn kịch múa ballet như đi từ chuyện cổ tích vào đời thường, biến cái không tưởng thành điều có thể vậy.

“Giới nghệ sĩ ballet thời đó đã thử nghiệm đủ loại phong cách trình diễn - như nguyên văn lời thổ lộ của G. Ulanova - chúng tôi quanh quẩn suốt ngày đêm bên nhà hát. Còn lúc về nhà, khi vừa nằm xuống lại đã mơ đến sàn diễn... Thành tích biểu diễn của tôi là sự đúc kết những thử nghiệm trong giai đoạn vạn sự khởi đầu nan này...”.

Nghệ sĩ G. Ulanova trong vở ballet “Hồ thiên nga” bất hủ.

Ballet lúc ấy bao gồm cả những cốt truyện cổ điển qua những sáng tác của Alexander Pushkin (1799-1837), William Shakespeare (1564-1616), Honoré de Balzac (1799-1850)... xen lẫn những vở mới của giới soạn nhạc đầu thế kỷ XX như Konstantin Stanislavski (1863-1938), Sergei Prokofiev (1891-1953), Aram Khachaturian (1903-1978)... Và trên hết là nghệ sĩ huyền thoại G. Ulanova đã chọn được phong thái trình diễn riêng của mình, một dạng “vũ điệu cho mọi thời đại”.

Kể từ năm 1944, nghệ sĩ G. Ulanova chuyển qua Nhà hát Bolshoi nổi tiếng ở thủ đô Moscow và tham gia công diễn thường xuyên hơn 15 năm tại đây, với thâm niên 32 năm liên tục có mặt hằng đêm trong các vở ballet “khó nhá” nhất - một kỳ tích cho đến nay vẫn chưa có người thứ 2 đạt được...

Sau khi rời sàn diễn, nghệ sĩ kỳ cựu G. Ulanova chuyển sang công tác đào tạo, trực tiếp huấn luyện đội ngũ diễn viên kịch múa chuyên nghiệp không những chỉ riêng ở Nhà hát Bolshoi, mà cho cả nhiều sân khấu trứ danh khác trải khắp Liên bang Xôviết. Kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú, kết hợp với những bài tập thực hành trau chuốt đa dạng của nữ nghệ sĩ G. Ulanova được cả thế giới biết đến.

Bà đã được mời thỉnh giảng tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Italia, Thụy Điển, Hà Lan, Thụy Sĩ, Argentina... cũng như tham gia chỉ đạo nghệ thuật cho các sàn diễn ballet hàng đầu hành tinh như Nhà hát Grande Opera ở Paris, Nhà hát Opera Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, hay Nhà hát nhạc vũ kịch Hamburg tại Đức... Đồng thời nghệ sĩ G. Ulanova cũng được bầu làm Viện sĩ Danh dự của nhiều Viện Hàn lâm nghệ thuật nước ngoài.

Sinh thời, khi được hỏi phong cách biểu diễn tiêu biểu nào đã khiến bà nổi danh? Nghệ sĩ Nhân dân Galina Ulanova, người phụ nữ duy nhất trong lịch sử từng được trao tặng 4 Huân chương Lenin - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Xôviết, đáp súc tích: “Tuổi trẻ”. Vậy tuổi trẻ là gì? “Tuổi trẻ chính là hoạt động!” - bà khẳng định.

Quả đúng vậy, hiện thân cuộc đời G. Ulanova là một chuỗi hoạt động liên hoàn không ngơi nghỉ: trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong sáng tạo...

Với hơn nửa thế kỷ cống hiến không mệt mỏi trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, ngoài 4 tấm Huân chương Lenin danh giá ra, Nghệ sĩ Nhân dân Galina Ulanova còn được trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý khác như 2 lần Anh hùng Lao động XHCN, 4 Giải thưởng Stalin về văn hóa nghệ thuật, 4 Huân chương Cờ đỏ, Huy chương Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc; Huy chương Chiến sĩ dũng cảm trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945, Giải thưởng của Tổng thống Liên bang Nga về văn hóa nghệ thuật trong năm 1997... cũng như được trao tặng các phần thưởng cao quý nhất của một loạt quốc gia khác như Pháp, Phần Lan, Bulgaria, Kazakhstan...

Sau khi từ trần vào tháng 3-1998, thi hài nhà hoạt động nghệ thuật cự phách Galina Ulanova được an táng tại nghĩa trang Novodevichy nổi tiếng ở thủ đô Moscow, nơi chôn cất giới danh nhân Nga và Xôviết kiệt xuất nhất, cũng là tụ điểm thu hút du khách thăm viếng đứng hàng thứ 3 ở Moscow.

Kim Dung (theo Komsomolskaya Pravda)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nu-hoang-ballet-galina-ulanova-tuoi-tre-la-hoat-dong-483106/