Nữ lao công bị hành hung bất tỉnh và chuyện 'thích thì đánh'!

Trước khi xảy ra vụ việc chị Trần Thị Thanh (Công nhân Công ty Môi trường đô thị Urenco 2) bị đánh ngất xỉu giữa trung tâm Hà Nội, tôi đã chứng kiến không ít vụ việc các lao công bị xúc phạm, đe dọa.

Tối 15.6, chị Trần Thị Thanh (sinh năm 1985, công nhân Công ty Môi trường đô thị Urenco 2, chi nhánh Hoàn Kiếm) đang tuyên truyền nhắc nhở một hộ dân bán nước mía đừng xả rác ra phố thì liền bị đối tượng Phạm Thị Bích Diệp (sinh năm 1985, số 24 Hàng Muối, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng chồng đánh ngất xỉu phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Tại bệnh viện, chị Thanh cho hay ngay khi chị vừa nhắc nhở Diệp giữ vệ sinh chung, đừng vứt bã mía bừa bãi thì đã bị vợ chồng Diệp chửi bới. Nghiêm trọng hơn, chồng Diệp đã chạy theo giữ chị Thanh để Diệp tự do tấn công chị Thanh tới ngất tại chỗ. Tỉnh dậy, chị đã thấy mình nằm trong bệnh viện nhờ những người dân khác đưa đi cấp cứu.

Trước khi xảy ra vụ việc chị Trần Thị Thanh bị đánh, ngay tại Hà Nội, tôi đã chứng kiến không ít vụ việc các lao công bị xúc phạm, đe dọa.

Hình ảnh chị Thanh bị hành hung tới ngất xỉu. Ảnh: KTĐT

Mới đây thôi, trên phố Gia Ngư, không chỉ tôi mà nhiều người sững sờ khi nghe rõ mồm một nguyên văn câu nói của một cô gái trẻ ăn vận rất sành điệu: “Tao thích là tao vứt rác. Việc của mày là dọn rác. Chúng tao trả tiền cho mày dọn rác” với một bác lao công mà tôi đoán chắc chí ít cũng bằng tuổi bố mẹ của cô gái này.

15 năm qua, tôi học tập, công tác và sinh sống tại Hà Nội và đã bất đắc dĩ chứng kiến không ít cảnh chướng tai gai mắt. Ấy là cảnh nhưng nam, nữ sinh vẫn nguyên đồng phục, kẹp ba kẹp bốn mở miệng là văng tục bất kể trước mặt họ là ai: trẻ hay già, nam hay nữ...

Những sự việc như tổ trưởng tổ dân phố bị đánh vì bị vu rằng “trộm xe SH” hay vụ việc nữ nhân viên hàng không Nguyễn Lê Quỳnh Anh bị 2 khách vip là Trần Dương Tùng, Đào Vịnh Thuấn chửi bới, hành hung giữa sân bay Nội Bài không còn là chuyện lạ giữa Thủ đô Hà Nội.

Những hình ảnh vất vả của các chị lao công nhẽ ra phải được trân trọng. Ảnh: Ngọc Thọ

Nói thật, không thấy ở đâu như Hà Nội, các hộ kinh doanh mặt tiền trên phố ngang nhiên xem vỉa hè là của mình.

Tôi đã thử làm một phép thử: cùng một người bạn 5 lần thử dừng xe “khẩn cấp” trên phố thì có tới 3 lần bị chủ cửa hàng chạy ra hỏi mua gì và xua đuổi, 2 lần bị văng tục “Biến đi cho người ta bán hàng”.

Nên nói không ngoa, dường như việc tiện đâu văng tục thậm chí là tấn công những người đang làm nhiệm vụ, đang làm đẹp cho xã hội vì lý do “bực tức nhất thời” ngày càng nhiều lên theo kiểu “Đây thích thì đây đánh”.

Nhẽ ra, tại Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi được coi là hội tụ tinh hoa, văn hóa, kinh tế - chính trị, xã hội của nước nhà phải là nơi văn minh nhất, người với người coi trọng nhau nhất.

Nhẽ ra, không ở đâu xa, Hà Nội phải là nơi chứng kiến những hình ảnh đẹp và nhân văn nhất chứ không phải hơi tí ra đường phải nghe văng tục và gặp hành vi phản cảm.

Và nhẽ ra, với những hành vi hung hăng, tấn công chị lao công tới mức bất tỉnh và nhập viện phải bị lên án, phản ứng bởi những người chứng kiến vụ việc thay vì đợi dư luận, đoàn thể lên tiếng rồi cơ quan chức năng mới vội vàng vào cuộc.

Và nhẽ ra với những hành vi manh động, bất chấp như thế, phải ngay lập tức khởi tố và bắt giữ ngay những kẻ hành hung.

Có như vậy mới đủ sức răn đe và trừng trị những hành vi bất chấp, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác!

Trần Ngọc Thọ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nu-lao-cong-bi-hanh-hung-bat-tinh-va-chuyen-thich-thi-danh-780087.html