Nữ MC mất ăn mất ngủ vì không ngờ bị nhiễm độc chì do thói quen trang điểm hàng ngày

PGS.TS Phạm Duệ chia sẻ, trong một lần ghi hình tại một đài truyền hình, một nữ MC có nói riêng với ông rằng, gần đây cô bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như mất ngủ, táo bón, hay quên... và nghi ngờ rằng mình bị nhiễm độc chì.

Sau khi tiến hàng kiểm tra nồng độ chì, các bác sĩ phát hiện, nồng độ chì trong máu nữ MC lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần giới hạn cho phép.

Thói quen dùng son màu đỏ đậm đã khiến nữ MC bị ngộ độc chì. (Ảnh minh họa)

PGS.TS Duệ cho biết, nguyên nhân khiến cho cô MC này bị nhiễm độc chì nặng như thế là do thói quen đánh son đậm mỗi ngày. Hầu hết, tất cả loại son môi đều chứa chì. Không chỉ có vậy, chì là một khoáng chất tự nhiên có mặt trong rất nhiều thứ chúng ta sử dụng hàng ngày như: Các loại thực phẩm, rau củ quả có màu, thậm chí là trong không khí.

Các sắc màu đậm của son môi như đỏ, hồng, đỏ cam sẽ chứa lượng chì lớn hơn cả, do vậy, PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo, chị em phụ nữ nên tránh dùng các loại son môi màu đậm, đặc biệt là màu đỏ cam bởi chúng chứa hàm lượng chì rất lớn.

Báo động tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em

Trong suốt quá trình hành nghề, PGS.TS Phạm Duệ nhận thấy rằng, hiện nay nhiễm độc chì ở trẻ em rất đáng báo động. Nó có thể gây ra những hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất của trẻ.

Theo khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế, trong số 300 trẻ em được thực hiện khảo sát tại làng nghề Đông Mai (thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), có 65% trẻ em đã bị nhiễm độc chì.

Trong đó, có những trường hợp ngộ độc chì ở mức báo động, trên 70mg/dl và cần phải được điều trị thải độc chì khẩn cấp. Nguyên nhân là do, đây là làng nghề tái chế chì, người dân phải sống trong môi trường ô nhiễm chì với không khí và nguồn nước đều bị nhiễm độc chì rất nặng.

Lấy máu xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho trẻ em làng nghề tái chế chì

Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc với dư lượng chì trên 200 mcg/ngày trong môi trường sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động sống của con người. Cá biệt hơn, theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Viện đã từng tiếp nhận một bệnh nhi có lượng chì trong máu lên tới 200mcg/dL.

Nêu như người khác chỉ mất từ 1 - 2 năm để thải hết độc chì trong máu ra khỏi cơ thể thì bệnh nhi này phải mất ròng rã đến 6 năm mới hạ xuống được 20mcg/dL, vẫn gấp đôi so với lượng chì cho phép trong cơ thể.

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ghi nhận những ca tử vong của trẻ em do nhiễm độc chì nặng trong cơ thể. Tất cả đều bắt nguồn từ những thói quen có hại trong sinh hoạt hàng ngày, môi trường sống không đảm bảo cùng với sự chủ quan của nhiều cha mẹ, không đưa con đi khám kịp thời khi thấy con xuất hiện những triệu chứng khác thường.

Nguyên nhân, dấu hiệu và tác hại của nhiễm độc chì ở trẻ em

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc chì. Trong đó, những nguyên nhân chủ yếu đó là: Môi trường sống (đất, nước, không khí...) bị nhiễm chì; thực phẩm hoặc các đồ đóng gói thực phẩm, bát đũa... bị nhiễm chì; uống, bôi các loại thuốc cam, thuốc tưa lưỡi không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ gây ngộ độc chì; tiếp xúc với đồ chơi có sơn chì, đạn chì...

Video: Uống nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì ảnh hưởng đến hệ thần kinh

Theo PGS.TS Phạm Duệ, trẻ em bị ngộ độc chì thường có dấu hiệu như suy dinh dưỡng ở dạng thấp còi, biếng ăn, da dẻ xanh xao, táo bón hoặc đi ngoài có phân đen.

Nhiễm độc chì có thể mang lại những tác hại vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ như: Não tổn thương, thiếu máu, trẻ chậm phát triển, hiểu năng, trì trệ, tổn hại thính giác, đồng thời gây ra các bệnh về dạ dày và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.

Để phòng tránh nguy cơ nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ và cả người lớn, mỗi người cần phải có ý thức hạn chế tiếp xúc với chì trong sinh hoạt hàng ngày.

Giữ gìn vệ sinh môi trường thật sạch sẽ, tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không cho trẻ chơi và tiếp xúc với những loại đồ chơi có sơn hoặc chì, hạn chế sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm kém chất lượng ở người lớn là một số cách để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc chì.

Khi phát hiện thấy những dấu hiệu ngộ độc chì, cần phải đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra nồng độ chì trong cơ thể, Nếu vượt quá mức cho phép, phải tiến hành ngay các biện pháp thải độc chì để bảo vệ cơ thể.

>>> Đọc thêm: Nước giải khát nhiễm chì tàn phá cơ thể chúng ta thế nào?

Quỳnh Chi (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết này trên:

Nguồn VTC: http://vtc.vn/suc-khoe/nu-mc-mat-an-mat-ngu-vi-khong-ngo-bi-nhiem-doc-chi-do-thoi-quen-trang-diem-hang-ngay-d316578.html