Nữ nghệ nhân giữ 'hồn cói' Nga Sơn

'Nhờ một nữ nghệ nhân rất tâm huyết và quyết tâm vực nghề dệt cói truyền thống nên cây cói bây giờ trở thành cây thoát nghèo cho quê hương Nga Sơn rồi!'-lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp đang là cán bộ Báo Thanh Hóa khá hấp dẫn khiến tôi nhanh chóng thu xếp công việc để về huyện Nga Sơn tìm hiểu...

Thăng trầm nghề cói

Chuyến xe khách từ bến xe Giáp Bát từ từ lăn bánh đưa tôi rời Hà Nội về quê hương Thanh Hóa. Trong tâm trạng phấn khích, tôi nhớ lại cuộc gặp cách đây hơn 10 năm khi tôi mới chập chững bước vào nghề báo với anh bạn đồng nghiệp ở Báo Thanh Hóa. Ngày ấy, tôi có ý định đi tìm hiểu những làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh. Nhưng khi nghe tôi đặt vấn đề muốn đi về Nga Sơn để tìm hiểu về nghề làm chiếu cói đã từng nổi danh qua câu ca dao: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông...”, anh bạn xua tay nói ngay: “Chuyện xưa như cổ tích rồi bạn ơi! Giờ đây người dân Nga Sơn đang nghèo vì cói”.

Trước thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, cây cói là cây ấm no của nhân dân huyện Nga Sơn. Bởi, lúc ấy, chiếu cói có được hệ thống thị trường rất lớn là Liên Xô (cũ) và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Đến đầu thập niên 90, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chiếu cói Nga Sơn mất thị trường tiêu thụ quan trọng. Phần lớn chiếu làm ra chất đống trong kho. Hàng loạt xí nghiệp, hợp tác xã chiếu cói bị phá sản. Công nhân, người lao động bị thất nghiệp phải chuyển nghề để kiếm sống. Hàng nghìn héc ta đồng cói bị hoang hóa, được chuyển đổi sang trồng lúa và các cây lương thực khác. Ngày đó cũng có nhiều ý tưởng và đề án để giữ gìn nghề truyền thống, xây dựng thị trường mới tiêu thụ cói nhưng đều phá sản ngay trong giai đoạn thử nghiệm, bởi người dân không mặn mà với chiếu cói nữa.

 Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt bên khung dệt chiếu cói.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt bên khung dệt chiếu cói.

Khi đến địa bàn xã Hà Ninh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), tôi chuyển từ xe khách sang xe anh bạn đồng nghiệp để rời quốc lộ 1A rẽ vào tỉnh lộ 217 về huyện Nga Sơn. Anh bạn đồng nghiệp kể: “Giàu từ cây cói đúng là chuyện cổ tích trên miền quê Nga Sơn. Sau nhiều lần lật đồng “lúa, cói”, giờ đây cây cói đã có một vị trí quan trọng trong chiến lược xóa đói giảm nghèo ở Nga Sơn nhờ tâm huyết của các nghệ nhân giữ hồn nghề cói. Tiêu biểu là Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang (xóm 5, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn).

Vùng quê Nga Thanh đón chúng tôi bằng những đồng cói xanh mướt mịn màng nô đùa với gió. Trên đường đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, bạn đồng nghiệp cho tôi biết: “Ngày chiếu cói lao dốc, nhà bà Việt phá sản hoàn toàn, nợ nần chồng chất vì bà không chỉ làm cói mà còn đứng ra bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Từ một người thợ có bàn tay vàng dệt chiếu cói, bà phải chuyển sang nghề bán thực phẩm ở chợ để trang trải nợ nần và nuôi sống gia đình. Thế mà, cách đây vài năm, bà đã mở công ty và là một trong những người tiên phong mang lại sức sống cho nghề chiếu cói, làm giàu bằng nghề cổ truyền chiếu cói trên chính mảnh đất quê hương”.

Tâm huyết với dệt cói

Đến Công ty TNHH Việt Trang, mùi thơm cói khô dậy lên "nhức mũi", chúng tôi thấy sau cổng là sân gạch rộng đang phơi hàng nghìn thành phẩm thủ công các loại làm từ cói như: Chiếu, túi xách, đôn ngồi, bàn, giỏ... Tiếp chúng tôi, bà Việt tươi cười: “Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm từ cói để đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng là một chiến lược để phát triển nghề thủ công truyền thống đan lát gắn với cây cói, vì nếu chỉ làm chiếu thì chúng tôi khó bám trụ với nghề. Năm nay, tuy dịch Covid-19 hoành hành, nhưng công ty vẫn vượt kế hoạch chỉ tiêu tổng doanh thu hơn 20 tỷ đồng”.

Đưa chúng tôi đi thăm các sản phẩm, bà Việt chia sẻ: “Từ cách làm truyền thống với cây cói đơn thuần, chúng tôi đã nghiên cứu kết hợp cói với các nguyên liệu khác như: Cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô... để tạo màu tự nhiên cho các sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm được trang trí hoa văn bắt mắt, tăng tính thẩm mỹ và sức sống mới cho đồ thủ công đan lát”.

Để có được sản phẩm từ cói đa dạng về mẫu mã, chủng loại và đầy tính nghệ thuật như hiện nay, bà Việt đã phải vượt chặng đường không ít chông gai. Ngày trước, khi buôn bán thực phẩm ở chợ, bà đã tưởng đoạn tuyệt với nghề cói. Thế nhưng cuối năm 1990, có một người khách đến và nhờ bà cung cấp cho một lượng lớn chiếu cói vào miền Nam. Tình yêu đối với nghề làm chiếu cói thêm một lần trỗi dậy, bà nhận lời và quyết tâm vực dậy nghề truyền thống của cha ông. Chiếc khung dệt chiếu treo trên gác lâu ngày phủ bụi lại được bà đưa xuống, đều đặn vang tiếng thoi đưa theo đôi bàn tay vàng thoăn thoắt. Song song với đó, để làm được lượng hàng lớn theo yêu cầu khách hàng, bà đăng thông tin đến người dân trong huyện và bà hạnh phúc khi rất nhiều người đến xin nhận đơn hàng. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng hàng đã đủ. Cũng từ đơn hàng này, bà Việt đã tìm ra được con đường cho chiếu cói: Đó là không ngồi một chỗ nhận đơn hàng hay chỉ bán hàng trên địa bàn, mà cần tích cực mở rộng quan hệ để tìm thị trường ở ngoài tỉnh. Hướng suy nghĩ đúng đắn này đã góp phần duy trì nghề dệt chiếu cói truyền thống ở địa phương.

“Yêu cói, cói không phụ lòng. Cứ đam mê với nghề lại càng tạo được sức sống cho nghề”, bà Việt tươi cười nói. Từ hướng mở thị trường trong nước, Công ty TNHH Việt Trang nhận thấy, thị trường nước ngoài rất thích những sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Từ tâm huyết này, bà Việt chia sẻ với các con và mọi người trong gia đình đã cố gắng trong học tập ngoại ngữ để giúp công ty quảng bá sản phẩm, tìm thị trường ở nước ngoài. Và cũng từ những yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế, bà Việt đã cố gắng nghiên cứu đạt được nhiều thành công trong nâng tầm sản phẩm thủ công từ cói. Đến nay, sản phẩm của Công ty TNHH Việt Trang đã xuất khẩu ổn định sang 17 nước trên thế giới. Cũng theo các đơn đặt hàng này, ngoài chiếu cói Nga Sơn, một loạt sản phẩm mẫu mã mới gắn với cây cói được ra đời bằng nguyên liệu độc lập từ cói hay kết hợp với các nguyên liệu khác góp phần tăng năng suất và lợi nhuận của công ty, đưa giá trị công ty tăng 130%-150%/năm.

Hướng đi đúng đắn của bà Việt không chỉ giúp gia đình bà vươn lên giàu có mà còn tạo công ăn việc làm ổn định và thời vụ cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiệu quả kinh tế từ trồng cói hiện gấp khoảng 3 lần trồng lúa. Bà Trần Thị Nhuận, 60 tuổi, ở đội 2, thôn Giáp Nội, xã Nga Giáp, đã tham gia lao động ở công ty hơn 2 năm nay, cho biết: “Những ngày nông nhàn, tôi tranh thủ lên đây làm cho bà Việt. Một tháng làm để vui chúng tôi cũng có thu nhập khoảng 3 triệu đồng, còn nếu tích cực làm thì cũng được 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, đời sống gia đình thêm sung túc”.

Tình yêu quê hương và tâm huyết với nghề dệt cói cổ truyền của Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt đã mở đường, vực dậy và tạo sức sống cho nghề truyền thống chiếu cói, góp phần đưa cây cói từ cây đói nghèo thành cây ấm no cho người dân ở miền quê Nga Sơn.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/nu-nghe-nhan-giu-hon-coi-nga-son-642289