Nữ nhà báo quốc tế từng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nữ nhà báo người Cuba Marta Rojas, là một trong những nhà báo quốc tế cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời (năm 1969). Cuộc phỏng vấn của bà được thực hiện tháng 7-1969 tại Phủ Chủ tịch.

Để rồi nhiều thập kỷ sau, bà Rojas vẫn nhớ như in lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lúc đó: “Sự chịu đựng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là nỗi khổ tâm của Người”. Dù tuổi đã cao bà Rojas vẫn là người tích cực tham gia vào Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam và là nhà báo kỳ cựu của tờ báo Granma của Cuba.

Bà Rojas từng kể về những ký ức của mình từ khi bắt đầu đặt chân đến Việt Nam (năm 1965) cho đến những kỷ niệm không thể nào quên khi trực tiếp tham gia với vai trò PV chiến trường trong địa đạo Tây Ninh. Khi đó, bà cùng với các nhà báo Madeleine Riffaud (của Pháp), Blaga Dimitrova (của Bulgaria), là một trong ba nhà báo nữ quốc tế đã có mặt trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, đã sống và có nhiều kỷ niệm với du kích giải phóng.

Nữ nhà báo Cuba Marta Rojas luôn nhớ như in lần được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Nữ nhà báo Cuba Marta Rojas luôn nhớ như in lần được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Thời gian đầu tác nghiệp trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, bà còn rất nhiều bỡ ngỡ, song với tấm lòng yêu mến đất nước và con người Việt Nam, bà đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy và đích thân vào vùng giải phóng để tận mắt chứng kiến về cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; về sự kiên cường chiến đấu của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam Việt Nam nói riêng. Và có tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá của chiến tranh mới biết tường tận sự khốc liệt của cuộc chiến đấu cùng những tang thương do chiến tranh mà nhân dân miền Nam Việt Nam phải gánh chịu… để cung cấp thông tin cho thế giới biết được về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời, bà đã dành trọn tình cảm cho người dân Việt Nam, góp phần đưa hình ảnh Bác Hồ cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam đến với Cuba và người dân các nước Mỹ Latinh.

Cùng với một PV Cuba khác của báo “Ngày nay” lúc đó, sau này trở thành Đại sứ Cuba tại Việt Nam, nữ nhà báo Rojas đã gắn bó với cuộc sống chiến đấu của du kích, của người dân Việt Nam khi đó cũng trải qua mưa bom bão đạn; trải qua mưa rừng; trải qua những tháng ngày dưới lòng địa đạo… đó là nguồn tư liệu vô cùng sống động cho nữ nhà báo trẻ và đầy nhiệt huyết. Báo Granma (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) không chỉ xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha, mà còn xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ra nhiều nước khác nhau.

Vì vậy, những bài báo của Marta Rojas đã góp phần giới thiệu hình ảnh và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Các bài báo đăng trên tờ Granma còn được sử dụng như tài liệu tham khảo tại phiên tòa quốc tế xét xử tội ác chiến tranh tổ chức tại Đan Mạch.

Sau năm 1965, nhà báo Marta Rojas đã nhiều lần quay lại Việt Nam, trong những chuyến công tác dài (thường 15 - 20 ngày). Những lần đến Hà Nội, bà luôn tha thiết được phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Trong những cuộc trò chuyện, bà luôn gọi Người một cách trân trọng và thân thiết: “Đồng chí Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, năm 1969 bà đã quay trở lại Hà Nội và chứng kiến cảnh tàn phá ác liệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Bà nhớ lại: “Những lần ở Hà Nội tôi đều tới thăm báo Nhân Dân và nói với nhà báo Hoàng Tùng rằng tôi muốn có một cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là buổi sáng một ngày khoảng 11 hoặc 12-7-1969, tôi cùng nhà báo Hoàng Tùng và người phiên dịch bước vào Phủ Chủ tịch thì gặp một cụ già mặc bộ quần áo màu trắng tươi cười đi tới và chào tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi đã nghe nói nhiều về Bác Hồ nhưng không nghĩ Người lại giản dị, thân tình đến thế”.

Nhà báo Rojas vẫn nhớ cuộc phỏng vấn diễn ra ở dãy nhà sau tòa nhà chính trong Phủ Chủ tịch. Tôi không có thói quen dùng máy ghi âm khi phỏng vấn, lần này cũng vậy, mà cố gắng để cuộc nói chuyện thoải mái, tự nhiên nhất, các câu hỏi mở nhất. Trong đó, nhiều câu hỏi, tôi nghĩ vẫn mang tính thời sự đến bây giờ. Tôi đã hỏi đồng chí Hồ Chí Minh về tình hình thực tế ở Việt Nam từ góc độ chính trị, quân sự, lý do gì mà quân đội Việt Nam có thể kiên cường chống lại chiến tranh xâm lược của Mỹ, lúc đó Mỹ đang có nửa triệu quân ở Việt Nam? Đồng chí Hồ Chí Minh trả lời và nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân miền Nam và miền Bắc trong cuộc kháng chiến. Một điều khiến cho cuộc phỏng vấn rất hấp dẫn ở chỗ, đồng chí Hồ Chí Minh đã phỏng vấn ngược lại tôi-bà Marta Rojas nhớ lại một cách đầy thú vị. Cho dù lúc đó bà đã biết rằng, Hồ Chí Minh từng là nhà báo.

Khi đang trả lời phỏng vấn tôi, Người bất chợt hỏi tôi cảm nhận ở Việt Nam từ năm 1965, về thời gian tôi ở Tây Ninh, rất chi tiết về những gì tôi trải qua, rồi Người hỏi thăm Fidel. Bà Marta Rojas còn bày tỏ sự ngạc nhiên rằng ở chính thời điểm khó khăn nhất của Việt Nam, Hồ Chủ tịch vẫn có một niềm tin chiến thắng mãnh liệt vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Hôm bà Rojas đến phỏng vấn Hồ Chủ tịch không mang theo máy ảnh. Nhưng ít nhất, bà cũng đã có được món quà lưu niệm từ Người tận tay trao tặng: “Đồng chí Hồ Chí Minh có tặng cho tôi một bức ảnh mà đến giờ tôi vẫn giữ, ảnh chân dung của đồng chí, mặt sau có ghi, thân tặng Marta”. Đây là một món quà vô giá và đầy ý nghĩa mà Người dành riêng cho tôi.

Cuộc phỏng vấn Hồ Chủ tịch luôn khắc sâu trong trái tim nhà báo Marta Rojas. Bà không bao giờ hết khâm phục về sự hiểu biết, sự quảng đại, bao dung của Hồ Chủ tịch trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội năm ấy. Nhà báo nhấn mạnh: Đồng chí Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo một quốc gia, nhưng tôi có cảm nhận về đồng chí như một người bạn. Tôi cảm nhận được sự thông minh, hiểu biết rộng, sự dí dỏm, lòng tự trọng của đồng chí. Mọi cử chỉ của đồng chí rất tự nhiên. Và như tôi đã nói, ngay trong thời điểm khó khăn nhất của Việt Nam, đồng chí Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ giành chiến thắng, niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp mà đồng chí đã hết lòng xây dựng từ khi còn trẻ. Câu nói rất đơn giản: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã tóm gọn tinh thần của Người…

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-nha-bao-quoc-te-tung-duoc-phong-van-chu-tich-ho-chi-minh-160582.html