Nụ ra nụ, hoa ra hoa

Tháng Mười. Mùa thu đang thong thả trôi vào tháng cuối với trời xanh, mây trắng, nắng vàng rất đẹp. Cái se lạnh ban sớm trong những con phố man mác hơi may như là dấu hiệu báo mùa đông không còn xa. Năm dương lịch chỉ còn một quý nữa sẽ khép lại.

Có lẽ, đây cũng là khoảng thời gian các hội văn học nghệ thuật bận rộn hơn với chuyện kết nạp hội viên và xét giải thưởng cuối năm.

Giải thưởng cuối năm, một điểm nhấn quan trọng thu hút dư luận được rục rịch khởi động ở các chuyên ngành. Âm thầm và sôi động là hai trạng thái dễ thấy xoay quanh các giải thưởng văn học nghệ thuật. Nói âm thầm là các văn nghệ sĩ lặng lẽ gửi, đăng ký tác phẩm tới các tổ chức hội. Không thể không kể đến Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Âm nhạc Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội Sân khấu Việt Nam; Hội Điện ảnh Việt Nam... Ngoài ra, hầu như các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố đều có giải thưởng năm. Một số tạp chí cũng không quên tặng thưởng cho những tác phẩm xuất sắc trong năm. Nói âm thầm là các hội đồng chuyên môn, ban chấp hành hội làm việc theo quy trình; đọc, xem, nghe... một mình hay nhiều mình cũng không mấy ồn ào. Các cuộc họp xét giải thưởng thường khá kín đáo pha chút bí ẩn, có phần hơi bị quan trọng hóa. Nói sôi động vì đó đây vẫn có những cuộc chạy giải với một số người không tự tin vào tác phẩm của mình. Có giải thưởng, đương nhiên là có danh và thêm đương nhiên nữa là có tiền. Cái đương nhiên thứ hai không quan trọng bằng cái đương nhiên thứ nhất: Danh. Cái danh xưa nay vẫn được coi là một miếng giữa làng to hơn một sàng trong bếp nên không ít người coi trọng, đắm đuối. Sôi động nhất là khi kết quả giải thưởng được công bố, người hân hoan hớn hở, kẻ săm soi suy xét. Đủ các cung bậc yêu ghét, vui buồn, thương giận.

Xoay quanh chất lượng của các tác phẩm được vinh danh, bấy lâu nay cũng lắm eo xèo. Có hội, có năm, sau khi giải thưởng được công bố đã làm bùng nổ dư luận. Thường thì người khen ít mà người chê lại nhiều. Có không ít tác phẩm không tương xứng với danh hiệu họ được tôn vinh. Tấm áo giải thưởng mà hội đồng, ban chấp hành khoác cho tác giả thùng thình quá đối với họ. Thêm chuyện bi hài. Lại có người từ chối giải thưởng vì cho rằng các ông bà hội đồng, ban chấp hành không công bằng.

Chất lượng giải thưởng hằng năm phản ánh điều gì? Theo tôi, trước hết nó là thước đo chất lượng lao động sáng tạo văn học nghệ thuật của một năm. Sau đó, là sự ghi dấu tính nghiêm túc, công bằng, trình độ thẩm định của những người có quyền xét chọn. Không nghiêm túc, không công bằng, trình độ thẩm định yếu chắc chắn sẽ tạo ra những giải thưởng làng nhàng, bị dư luận phê phán, chỉ trích. Không phải không có hiện tượng cánh hẩu, mua-bán, xin-cho giải thưởng hằng năm. Gọi là cánh hẩu tức là nói tới quan hệ; mua-bán, xin-cho thì phải có giá của nó. Những chiếc phong bì đựng các tờ bạc mệnh giá cao, những cuộc chén chú chén anh vui vẻ có thể làm sai lệch kết quả giải thưởng. Sự trà trộn vàng thau, hay dở, đánh mất liêm sỉ của người làm công việc sáng tạo nghệ thuật vốn được coi là thanh cao, đẹp đẽ. Không phải không có vị sở hữu quyền bỏ phiếu xét giải thưởng mà chẳng hề đọc một dòng nào của tác phẩm. Có thể tác phẩm được giải không dở nhưng gán cho nó những giải thưởng cao là điều khó chấp nhận. Chẳng biết các hội đồng, ban chấp hành và người được giải có cảm giác bình thường không chứ bạn viết, bạn đọc thấy thất vọng. Có người bảo chẳng thà không có giải thì thôi chứ giải kém cỏi thế mang tiếng cả hội. Nhưng cũng có người cho rằng, giải của năm thì có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, chẳng nên đặt tiêu chí cao quá.

Tôi thì cho rằng, dẫu là giải của một năm thì hoa cũng phải ra hoa, nụ cũng phải ra nụ. Nghĩa là tác phẩm đó phải có những dấu ấn trong lòng bạn đọc về nội dung và hình thức. Tác phẩm được trao giải thực sự nổi trội trong năm, ít nhất cũng hơn hẳn các tác phẩm cùng tham gia dự xét và được thẩm định bình chọn của những người có tâm, có tài. Những tác phẩm tham gia xét giải phải được soi chiếu dưới góc nhìn chuyên môn và các hội đồng, ban chấp hành nên lắng nghe dư luận nếu có điều kiện.

Với các văn nghệ sĩ, giải thưởng là dấu mốc của hành trình sáng tác miệt mài, hao tâm tốn sức. Có nhiều văn nghệ sĩ quan niệm, không có giải thưởng nào lớn hơn khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao. Đúng lắm. Tuy nhiên, một giải thưởng văn học nghệ thuật danh giá chuẩn xác là ước mong của rất nhiều người. Một giải thưởng đích thực sẽ mang lại vinh quang cho tác giả và cả những người xét giải.

Hãy chọn giải đúng cho các tác phẩm xứng đáng. Nụ ra nụ, hoa ra hoa.

THANH KHÊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nu-ra-nu-hoa-ra-hoa-551159