Nữ sinh 5 lần bị 'chị đại' đánh vì thấy 'ngứa mắt và học giỏi'

'Mỗi ngày tới lớp như cơn ác mộng, em luôn sợ bị bạn đánh, dè bỉu mà không dám kháng cự hay mách cô giáo', nữ sinh lớp 10 ở Hà Nội chia sẻ.

"Em chỉ ước năm học này sớm kết thúc, kết thúc nhanh nhất có thể. Với em đây là năm kinh khủng nhất khi liên tục bị 'chị đại' và nhiều bạn cùng lớp bắt nạt", nữ sinh Ánh Dương (lớp 10, trường THPT Mỹ Đức (Mỹ Đức, Hà Nội) tâm sự.

'Ngứa mắt nên đánh'

Ánh Dương vốn là học sinh năng động, cởi mở, thành tích học tập trong top đầu của lớp. Thế nhưng kết quả học tập tốt khiến bạn bè cùng lớp bắt nạt, tẩy chay.

Sự việc bắt đầu từ cuối học kỳ 1, trong tiết kiểm tra môn Toán, Dương và Phương ngồi cùng dãy bàn. Trong quá trình làm bài, Phương liên tục đòi Dương cho chép câu trả lời, kèm lời dọa nạt sẽ tẩy chay. Dương nhất quyết từ chối vì sợ cô giáo phát hiện sẽ đánh dấu bài, bị điểm kém. Em nghĩ hành động từ chối đó sẽ giúp Phương cố gắng học tốt hơn cho những lần kiểm tra sau.

Nữ sinh bị bạo lực học đường. (Ảnh minh họa: T.N)

Nữ sinh bị bạo lực học đường. (Ảnh minh họa: T.N)

Hết giờ kiểm tra Toán, Phương cùng 2 bạn nữ hẹn Dương ra nhà vệ sinh trường nói chuyện. Ngay khi bước vào nhà vệ sinh, một bạn nhanh tay khóa trái cửa, còn Phương lao vào tát Dương 2 cái liên tiếp, cùng lời cảnh cáo "đừng tưởng học giỏi mà oai, nếu không cho chép bài ở các môn sau thì liệu mà ăn đòn tiếp". "Em hoảng sợ không biết phản ứng ngoài việc chỉ khóc và gật đầu đồng ý", nữ sinh nhớ lại.

Ở lớp, Phương được các bạn đặt biệt danh "chị đại" vì tính tình mạnh mẽ, ăn to nói lớn, hay chửi bậy. "Chị đại" bị lưu ban hai năm nên hơn các bạn trong lớp 2 tuổi.

Lực học của Phương có thể nói kém nhất lớp, nên từ đầu năm học cô giáo chủ nhiệm sắp xếp Dương ngồi cạnh nhau để hướng dẫn học, kèm cặp Phương. Cũng từ đây nảy sinh câu chuyện bắt nạt. "Ở các môn học tiếp theo, dù không muốn nhưng em đều phải cho Phương và các bạn nữ khác trong nhóm bạn ấy chép bài", Dương nói.

Cho chép bài nhưng mỗi ngày đi học, Phương và nhóm bạn vẫn nhìn Dương bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, cùng lời mỉa mai "ngứa cả mắt". Ngay cả khi giơ tay phát biểu bài, họ lại nói "ra vẻ học giỏi", "đồ giả tạo" lấy lòng thầy cô.

Một lần cô giáo chủ chủ nhiệm lớp gặp Phương và một số bạn trao đổi về việc chép bài của Dương, bởi cô thấy câu trả lời rất giống nhau. Không những không rút kinh nghiệm, nhóm của Phương lại quy tội Dương mách lẻo.

Sau giờ tan trường hôm đó, Phương cùng nhóm bạn chặn Dương ở dọc đường đi học. Nhóm nay lao vào đạp đổ xe, tát Dương. Còn ở lớp, mỗi lần đi ngang qua Phương, nhóm "chị đại" lại cốc, ấn đầu em thật mạnh. Dương thấy bế tắc, không dám chống trả, chỉ biết về nhà chùm chăn khóc một mình như "con rùa rụt cổ".

Tính từ khi phát sinh câu chuyện đến nay Phương đánh Dương 5 lần. Điều này khiến Dương luôn thấy bất an mỗi khi đến trường. Em chọn cách sống thu mình để bảo vệ bản thân và không dám chia sẻ chuyện này với ai, kể cả gia đình hay cô giáo, vì sợ càng nói sẽ càng bị đánh nhiều hơn.

Giống như Ánh Dương, Diệu An - học sinh lớp 12 ở Vĩnh Phúc cũng là nạn nhân của bắt nạt học đường. Từ một học sinh được bạn bè yêu mến, An bỗng trở thành đối tượng bị cả lớp tẩy chay, chế giễu ngoài đời và trên mạng. Sự việc bắt đầu từ năm lớp 11. Ai cũng tìm cách xa lánh, tránh giao tiếp và không ngừng chỉ trỏ, bình phẩm về nhan sắc, quần áo của An. Thậm chí các bạn trong lớp còn chụp lén ảnh để gửi cho nhau cười đùa, trêu trọc. Bất ngờ hơn khi một số bạn nữ trong lớp lập nhóm chat trên Facebook tẩy chay An.

Một người bạn thân cùng lớp chia sẻ lý do An bị tẩy chay là vì từng tỏ tình với hot boy của lớp, người này cũng được một bạn nữ trong "có tiếng nói" trong lớp thích. Vì thế mà An phải chịu sự bắt nạt, dè bỉu, bôi xấu của bạn bè suốt từ năm học lớp 11 đến nay.

Đối mặt với bạo lực học đường thế nào?

Theo điều tra của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, 60% học sinh bị bắt nạt ở trường chọn cách chịu đựng, không chia sẻ với gia đình, thầy cô hay bạn bè. Phần đông nạn nhân cho rằng lên tiếng về vấn nạn bắt nạt chỉ khiến những trò chọc phá trở nên kinh khủng hơn; số khác lại nghĩ không ai có thể giúp đỡ họ, kể cả người lớn.

Nhiều học sinh bị bạn bắt bạt nhưng không dám chống trả. (Ảnh minh họa: GDTĐ)

TS tâm lý Nguyễn Thị Huệ, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi học sinh bị bạo lực học đường cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho các em. Gia đình và nhà trường cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành.

Phụ huynh, giáo viên cần theo dõi sát và đồng hành cùng học sinh, cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành được con tiết lộ rồi thì cần hỏi con để biết tình hình con có bị bạo hành tiếp không? Dược cải thiện chưa?... để có cách thức hỗ trợ con tiếp theo.

Những câu chuyện bạo lực học đường nếu kéo dài sẽ ngày càng phức tạp hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Nếu thầy cô, phụ huynh không định hướng, giúp các em chủ được cảm xúc, làm chủ được suy nghĩ đúng đắn thì sẽ phát sinh vấn đề, trong đó có bạo lực.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, khi bị đánh, các em cần chủ động thông báo sự việc nhà trường hoặc người thân ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi, đừng đi một mình.

Nếu có thể, các em hãy chống trả quyết liệt bằng tất cả sức mạnh bản năng, chớp cơ hội xô ngã đối tượng yếu nhất rồi bỏ chạy đến nơi an toàn. Trong quá trình chống trả, hãy hô hoán thật to, kêu cứu. Ngay khi thoát khỏi đối tượng, hãy gọi điện cho người nhà, thầy cô giáo, báo công an... để chủ động giải quyết sự việc.

*Tên học sinh trong bài viết đã được thay đổi.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nu-sinh-5-lan-bi-chi-dai-danh-vi-thay-ngua-mat-va-hoc-gioi-ar768515.html