Nữ sinh Anh từng tham gia IS bị tước quyền công dân Anh

Nữ sinh Shamima Begum, người từng tham gia IS khi 15 tuổi, đã bị chính quyền Anh tước tư cách công dân.

Nữ sinh Begum khi 15 tuổi, đã rời nước Anh để tham gia IS vào năm 2015

Nữ sinh Begum khi 15 tuổi, đã rời nước Anh để tham gia IS vào năm 2015

Chính phủ Anh cho biết, có thể tước quyền công dân của cô gái 19 tuổi nếu cô có thể được nhận quyền công dân của một quốc gia khác. Luật sư của Begum, Tasnime Akunjee cho biết, ông thực sự thất vọng với quyết định này, cũng như đang xem xét mọi khả năng để đảo ngược lại quyết định nói trên, BBC cho hay.

Theo Đạo luật Quốc gia 1981 của Anh, một người có thể được cấp lại quốc tịch Anh nếu Bộ trưởng Nội vụ nhận thấy "có ích cho cộng đồng" và không có quyền công dân của một nước nào khác. Begum cho biết, cô đã tới Syria với hộ chiếu Anh của chị cô, nhưng đã làm thất lạc ngay khi nhập cảnh. Được cho là có gốc gác Bangladesh, thế nhưng Begum cho biết mình không có hộ chiếu của quốc gia này, cũng như chưa từng đến đây.

Thắc mắc về con trai của Begum, một đứa trẻ do bố mẹ có quốc tịch Anh sinh ra trước khi bố mẹ bị tước quốc tịch vẫn được xem là công dân Anh. Về lý thuyết, nếu tước quốc tịch Anh của con trai Begum, giới chức Anh cần phải cân nhắc quyền lợi của mẹ con Begum trước những mối đe dọa tiềm ẩn mà họ sẽ phải đối mặt. Bộ Nội vụ Anh cho biết, cơ quan luôn đặt an ninh, an toàn cho những người sống tại Anh lên trên hết. Mặc dù không bình luận thêm, song Bộ Nội vụ Anh cho biết, quyết định tước quốc tịch của Begum "dựa trên mọi bằng chứng khả thi".

Begum đã từng rời Anh năm 2015 để tham gia IS cùng hai người bạn. Cô mong muốn được trở về nhà sau những biến cố đã trải qua. Được tìm thấy tại một trại tỵ nạn ở Syria vào tuần trước, sau khi rời Baghuz, một địa bàn trọng yếu của IS, cô gái 19 tuổi cũng vừa lên chức mẹ vào cuối tuần qua.

Bố của đứa trẻ là một người Hà Lan theo đạo Hồi, được cho là đã đầu hàng quân chính phủ Syria vào hai tuần trước. Trả lời phỏng vấn của BBC, bà mẹ trẻ không hề mong muốn trở thành một "biểu tượng" của IS, và chỉ muốn nuôi dạy con thầm lặng tại Anh. Được biết, Begum có quyền kháng cáo quyết định của Bộ Nội vụ Anh về trường hợp của mình.

Phục Hưng

Theo BBC

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nu-sinh-anh-tung-tham-gia-is-bi-tuoc-quyen-cong-dan-anh-1379775.tpo