Nữ sinh bị bạn đánh hội đồng: Cách chức Hiệu trưởng có thể gây hiệu ứng ngược?

Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vẫn đang được dư luận hết sức quan tâm trong mấy ngày qua. Bạo lực học đường vẫn luôn tồn tại đâu đó, vì nhiều nguyên nhân và chưa có cách nào để xử lý triệt để.

Giáo dục hời hợt, thiếu sự tin tưởng

Bàn về nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực học đường, TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển nhận định: “Nhìn tổng quát vào những vụ bạo lực học đường nói chung trong xã hội, không chỉ ở Hưng Yên mà còn ở rất nhiều nơi, có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có cả nguyên nhân xuất phát từ học sinh và cả từ cơ quan quản lý, giáo dục.

Trước tiên, từ cơ quan quản lý, giáo dục, trực tiếp từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, không quan tâm, không sát sao, theo dõi học sinh, để sự việc xảy ra nhiều lần không biết, đó là lỗi của quản lý.

Lỗi của toàn xã hội, gia đình, các cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội cũng không quan tâm đến giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, không quan tâm đến việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Kể cả nhóm học sinh đánh hội đồng nữ sinh kia cũng có thể do một lý do bị bức xúc nào đó, tâm lý đám đông vô thức tập thể. Nếu biết để hòa giải, giáo dục về luật pháp không được đánh người, tôn trọng người khác… có thể hiện tượng này sẽ không xảy ra.

Vụ việc nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng, lột đồ, quay clip ngay trong lớp học, trường THCS Phù Ủng.

Vụ việc nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng, lột đồ, quay clip ngay trong lớp học, trường THCS Phù Ủng.

Theo ông, những hành vi “bốc đồng” ở lứa tuổi “nổi loạn” của học sinh còn do sự giáo dục hời hợt, với môn học về đạo đức. Hiện nay đang có tình trạng chỉ tập trung giáo dục những môn học để thi, còn những môn học về đạo đức, cách sống, học để làm người tử tế lại vô tình bị xem nhẹ. Nhiều yếu tố tiêu cực khác đang chi phối xã hội chứ không phải đạo đức, nhân cách.

“Hành vi của giáo viên giống như một sự giả dối trước trách nhiệm của mình, muốn “ém nhẹm” sự việc, che giấu coi như không có tiêu cực xảy ra tại trường, và trốn tránh trách nhiệm, đó là một phản ứng tiêu cực. Tiêu cực sâu sắc nhất chính là “nối giáo cho giặc”, khi phát hiện ra sự việc phải ngay lập tức giải quyết, phải xin lỗi học sinh, phụ huynh, xin lỗi trong nội bộ ngành cũng như toàn xã hội, thì lại giấu chuyện đó, khác nào cổ vũ cho các hành vi tương tự xảy ra”, PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội cũng chỉ ra: “Trong thực tế, ý thức tuân thủ pháp luật thấp, thiếu sự tin tưởng vào pháp luật dẫn đến hai xu hướng, một là che giấu sự việc, hai là lạm dụng bạo lực để xử lý mọi việc. Thậm chí, nhiều vụ việc, tuy không dám đánh trực tiếp, nhưng lại quay clip lại và chia sẻ lên mạng xã hội để cộng đồng mạng vào “ném đá” và lấy đó làm sự hả hê…

Ở trường hợp bạn nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng, cũng có thể xuất phát từ sự thiếu tin tưởng, bạn ấy không dám nói với ai, hoặc có thể đã kể với gia đình và thầy cô nhưng chưa được giúp đỡ, và còn bị đánh thêm nên bạn ấy không tin vào gia đình và nhà trường sẽ giải quyết được thấu đáo. Vì thế, bạn ấy im lặng. Chính những học sinh đánh bạn cũng không tin, không tin bạn nữ sinh kia không dám kể với ai, không tin nhà trường sẽ kỷ luật mình “nặng tay” nên được đà lấn tới”.

Ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống xã hội

PGS.TS Lê Quý Đức chỉ ra: “Nhìn rộng ra hơn nữa, học trò hiện nay cũng bị ảnh hưởng bởi chính những hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội: Đâm chết, đánh giết,… trong gia đình, chịu bức xúc nhiều phương diện. Người quản lý phương tiện thông tin đại chúng chưa kiểm soát được.

Bản thân học trò cố ý hay vô thức bắt chước những hành động bạo lực trên mạng xã hội, hành xử với bạn một cách bạo lực tập thể. Đó là lỗi của bản thân học sinh, do bản năng hung tính bị phát lộ lên do những bức xúc cá nhân, do sự thiếu giáo dục và lây lan từ trên mạng”.

PGS.TS Lê Quý Đức chỉ ra một nguyên nhân từ thông tin "bát nháo" trên mạng xã hội dẫn đến bạo lực học đường.

Thầy Vũ Khắc Ngọc phân tích thêm: “Thời gian qua, có rất nhiều sự việc xảy ra trong ngành giáo dục khiến dư luận rất bức xúc, một là đạo đức nhà giáo, hai là bạo lực học đường. Tuy nhiên, nhìn rộng ra toàn xã hội, sự xuống cấp đạo đức không phải chỉ xuất hiện trong ngành giáo dục, ngay cả chốn an yên như chùa còn xuất hiện những tiêu cực lớn, như truyền bá thỉnh vong chùa Ba Vàng hay dâng sao giải hạn chùa Phúc Khánh...

Nhà trường là một xã hội thu nhỏ nằm trong lòng xã hội lớn, khi đạo đức xã hội lớn đang có biểu hiện xuống cấp, bạo lực xã hội,… thì xã hội thu nhỏ cũng bị ảnh hưởng không ít.

Hiện nay, trên mạng xã hội, khi xuất hiện một vụ việc không được “thuận tai vừa mắt”, sẽ xuất hiện rất nhiều bình luận mang tính “cổ súy”, ví dụ, bình luận ủng hộ việc đánh ghen, xử lý bằng “luật rừng”,… rất phổ biến, và giới trẻ dễ bị tiêm nhiễm. Đó có thể là một trong những căn nguyên dẫn đến việc suy nghĩ bạo lực và sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống”.

Thầy Ngọc cũng đánh giá: “Việc cách chức toàn bộ Ban Giám hiệu và xử lý giáo viên chủ nhiệm cũng chưa hẳn có thể ngăn chặn được bạo lực học đường. Thực ra, khi xử lý kỷ luật cũng có thể gây hiệu ứng ngược. Ví dụ, trong 5 học sinh kia, có thể có 1 học sinh mà phụ huynh là người “có ảnh hưởng”, sẽ “thêu dệt” thêm nhiều điều sai lệch về Hiệu trưởng, về Ban Giám hiệu và về cả trường… đó có thể là nỗi sợ vô hình của nhà trường và của giáo viên.

Bên cạnh việc xử lý kỷ luật, bộ GD&ĐT cần cân nhắc đưa ra những khung chuẩn phù hợp cụ thể, rõ ràng nhất. Phổ biến các chương trình, kỹ năng văn hóa, đạo đức, không phải chỉ tăng nội dung, dung lượng mà phải có phương pháp thuyết phục nhất.

Quan trọng hơn nữa, phải kịp thời ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức bằng kiểm soát mạng xã hội, xây dựng công cụ “lọc” những video, bình luận mang tính kích động bạo lực,...”.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nu-sinh-bi-ban-danh-hoi-dong-cach-chuc-hieu-truong-co-the-gay-hieu-ung-nguoc-a428043.html