Nữ sinh bị khối u 'ăn' xương hàm

Nguyễn Giang L. 16 tuổi, quê Phú Lương, Thái Nguyên bị căn bệnh u xương hàm từ năm 2010 đến nay và gần 8 năm sống chung mới bệnh, gần đây L. đã được các bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phẫu thuật lại khung xương hàm cho em.

GS Trịnh Đình Hải trao quà cho gia đình bệnh nhân

GS Trịnh Đình Hải trao quà cho gia đình bệnh nhân

U xơ men xương hàm

Theo anh Nguyễn Văn Thụ - bố của cháu L. chia sẻ từ năm 2010 tự nhiên má phải cháu sưng lên, gia đình nghĩ cháu bị mọc răng, khám thì lại không phải. Sau 2 tháng cháu vẫn cứ kêu đau, mệt mỏi. Khối sưng cứ phát triển dần, lan sang bên trái, cháu đau và khó chịu. Khi đi khám ở bệnh viện tỉnh, làm sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán u xơ xương hàm dưới, họ chuyển lên tuyến trên luôn.

Từ năm 2010 đến nay L. thường xuyên được đưa đi khám bệnh nhưng chưa thể phẫu thuật vì em vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Mới đây, khi nhập viện, bệnh nhân đau nhức nhối nhiều hơn, khi chụp X-Quang phát hiện ở trong khối u đã có rất nhiều ổ tiêu xương, vùng xương bị tiêu hủy. Những ổ xương chết đó có rất nhiều khả năng gây bội nhiễm.

Lúc này các bác sĩ của khoa phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương có chỉ định mổ. Bệnh nhân đã lớn, khuôn mặt đã phát triển, nếu không mổ bệnh nhân bị hạn chế vận động và giao tiếp xã hội rất lớn

Sau khi cắt bỏ khối u, bệnh nhân sẽ mất đi gần một nửa khuôn mặt.

Các bác sĩ của khoa sẽ dùng kỹ thuật vi phẫu ghép đoạn xương hàm, tái tạo lại khuôn mặt cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt cho biết sau khi phẫu thuật cắt đoạn xương hàm dưới trái, chúng tôi đã quyết định lấy xương mác của bệnh nhân, tiến hành ghép xương tái tạo lại xương hàm dưới vùng khuyết hổng bằng kỹ thuật vi phẫu nhằm phục hồi giải phẫu và chức năng cho bệnh nhân.

Khi ghép xương xong, bệnh lý lành tính này sẽ khỏi hoàn toàn, thông thường sẽ không tái phát, bệnh nhân hết đau, hồi phục dần các chức năng bình thường của hàm mặt.

Bác sĩ Hà cho biết xương mác được lấy ở vùng cẳng chân của bệnh nhân cùng với bó mạch mác, được tạo hình theo đúng hình dáng đoạn xương hàm đã cắt bỏ và ghép vào vùng khuyết hổng. Kỹ thuật này có thể tái tạo được những đoạn khuyết lớn mà các kỹ thuật ghép khác không thực hiện được. Xương mác sau ghép sẽ được nuôi dưỡng bởi các mạch máu ở vùng xương hàm dưới, do đó tỷ lệ thành công cao.

Đi trước đón đầu

Giáo sư Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết kỹ thuật vi phẫu lấy xương mác cẳng chân để tạo hình cho những bệnh nhân khuyết hỏng xương hàm mặt đã được thực hiện ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt từ năm 2008 đến nay đã được 10 năm và đã ghi nhận bệnh nhân thứ 500 được thực hiện kỹ thuật này. Và kỹ thuật này vẫn có rất nhiều bệnh nhân phải chờ để đụoc phẫu thuật.

Trong các bệnh lý vùng hàm mặt có nhiều bệnh lý phải cắt bỏ xương hàm mặt, bệnh nhân mất 1/3 gương mặt dưới bệnh nhân rất khổ vì sở vì ăn uống khó, nói méo mó, dịch trong khoang miệng cứ chảy tự nhiên. Bệnh nhân rất khổ tâm, không dám giao tiếp xã hội. Từ thời sinh viên chúng tôi đã gặp những bệnh nhân như thế, họ phải che khăn mùi xoa.

Các bệnh phải cắt xương hàm như ung thư xương hàm, u men xương hàm gây phá hủy xương hàm nó phá hủy xương hàm rất nguy hiểm, u xơ men xương hàm các tế bào u phá hủy cấu trúc xương hàm rất nhanh.

GS. Trịnh Đình Hải chia sẻ đây là kỹ thuật được thực hiện ở Đông Nam Á đầu tiên và đến nay các nước như Singapore và Thái Lan mới bắt đầu triển khai thực hiện kỹ thuật này.

GS Hải kể về câu chuyện một người cháu của một vị lãnh đạo bị bệnh lý về u men xương hàm dưới và bệnh nhân không thể đi đâu, không thể giao tiếp xã hội. Nhờ mai mối, bệnh nhân sang Singapore điều trị tốn kém nhưng họ chỉ dùng kỹ thuật thay thể phần xương hàm khuyết bằng nẹp kim loại. Thực ra đây là kỹ thuật lạc hậu, bệnh viện đã không làm khoảng 20 năm nay vì sử dụng kỹ thuật này chỉ cần gây tê cũng có thể đặt nẹp kim loại vào nhưng chỉ được 1 thời gian sau nẹp chọc ra ngoài sẽ phải tháo ra.

Sau kỹ thuật ghép kim loại, bệnh viện triển khai kỹ thuật lấy xương sườn thay vào hàm dưới nhưng sau đó các bác sĩ thấy không ổn vì xương sườn bé, nuôi dưỡng mạch máu không được, không cấy răng được nên bệnh viện đã triển khai kỹ thuật vi phẫu lấy xương mác cẳng chân, thiết diện xương to và cắt uốn thành khuôn để khuôn mặt được đẹp hơn.

Bác sĩ cho biết, vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương hàm dưới bằng ghép xương mác tự thân giúp tái tạo lại đường viền khuôn mặt. Đặc biệt, xương hàm sau ghép được nuôi sống cho phép phục hình răng bằng cấy ghép implant, nhờ đó phục hồi được tốt nhất chức năng ăn nhai cho người bệnh.

Vi phẫu ghép xương đòi hỏi các phẫu thuật viên giỏi về chuyên môn và khéo léo, tinh tế về thẩm mỹ cũng như cần một cơ sở trang thiết bị hiện đại. Để thành công, còn có đóng góp quan trọng của kíp gây mê.

Với kỹ thuật này, GS Hải tự hào vì bệnh viện đã giúp cho hàng trăm bệnh nhân không phải sang nước ngoài điều trị mà họ có thể điều trị ngay tại Bệnh viện. Để đánh dấu mốc bệnh nhân thứ 500, GS Hải và Bệnh viện đã quyết định miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân Nguyễn Giang L. trong quá trình phẫu thuật và điều trị cho cháu.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nu-sinh-bi-khoi-u-an-xuong-ham-post271415.info