Nữ sinh dũng cảm thoát khỏi tục 'bắt vợ' đêm mùng 1 Tết để viết tiếp giấc mơ giảng đường

Tục 'bắt vợ' từ xa xưa là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Thái, thế nhưng những năm gần đây, phong tục này dường như đã bị biến tướng, bị lợi dụng trở thành hủ tục.

Cuộc "trốn thoát" đêm mồng 1 Tết

Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, những năm trước đây cứ dịp ngoài Tết Nguyên Đán, nhà trường lại có 3-4 em bỏ học lấy chồng bởi tục "bắt vợ".

"Năm nào, sau Tết cũng có vài em không quay lại trường. Khi chúng tôi cử giáo viên đi tìm hiểu thì mới biết em đã về nhà chồng làm vợ người ta. Lúc này, nhà trường cũng chỉ còn cách tuyên truyền, vận động các em trở lại trường để tham gia học tập", thầy Đạt nói.

Trường THPT Quỳ Hợp 3 năm nào cũng có học sinh bị bắt làm vợ sau Tết

"Bắt vợ" trước đây là thử thách sự mưu trí, lòng dũng cảm, sự chân thành của các chàng trai với người yêu. Thế nhưng, phong tục đẹp này phần nhiều bị biến tướng, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường khiến nhiều nữ sinh phải giang dở chuyện học để... làm vợ, làm mẹ.

Theo thầy Đạt, nhà trường đã nhiều lần can thiệp nhưng chỉ thành công một trường hợp duy nhất là em Hà Thị Hồng T. Thời điểm đó, T. đang là học sinh cuối cấp của trường THPT Quỳ Hợp 3.

T. là nữ sinh dân tộc Thái, người nhỏ nhưng khá xinh xắn. Cũng vì thế, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, T. 2 lần bị V.V.H (SN 1995) người cùng xã bắt về làm vợ.

"Vào ngày mồng 1 Tết, H. cùng một nhóm đối tượng đến nhà em chơi. Tại đây anh ta uống rượu cùng bố em. Đến khoảng gần 22h, nhà hết rượu, H. rủ em đi mua. Từ nhà em đến quán rượu khoảng 3 km và phải đi qua nghĩa địa, khi đến đây H. hỏi: "Em làm vợ anh nhé?". Em trả lời còn phải học, nhưng H. không nghe và cứ phóng xe chạy với mục đích chở về nhà", T. nhớ lại.

.Em Hà Thị Hồng T. dũng cảm chống nạn bắt vợ

Quá hoảng hốt, T. đã liều mình nhảy khỏi xe và chạy thục mạng. Khi thấy một ngôi nhà dân bên đường còn sáng đèn T. đã xin vào trốn. Tại đây em mượn điện thoại gọi về nhà nhờ người đón về.

Chuyện ép hôn của T. chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của nhà trường. Chính thầy Nguyễn Minh Đạt đã xuống nhà giải thích cho bố mẹ nữ sinh này hiểu, rồi nhờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc nhắc nhở gia đình chàng trai kia.

Sau khi T. đi học lại thì đạt kết quả rất khá, em đỗ vào ngành du lịch và tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Hiện em đang ôn thi để giành suất đi du học ở nước ngoài.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Tít

Lắp camera chống nạn "bắt vợ"

Nằm ở vùng biên giới Việt - Lào, thầy Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Tít (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho hay, Tết và cận Tết là thời điểm nóng của tình trạng bắt vợ, vì trai bản đi làm ăn xa ở khắp nơi về quê ăn tết.

"Các nhóm thanh niên thường đi từng nhóm 3-4 người để hỗ trợ nhau. Họ leo tường vào khu ký túc xá của trường để bắt vợ. Khi bị phát hiện và can ngăn, có người còn lớn tiếng đe dọa các thầy cô giáo", thầy Danh cho biết.

Thầy Danh còn nhớ một trong những vụ bắt vợ vào sát Tết năm 2018, chỉ còn vài ngày nữa là các học sinh sẽ được về nhà nghỉ, vì thế các giáo viên luôn chia nhau túc trực bảo vệ cho các em.

"Một đêm, khi đang ăn cơm tối thì các giáo viên của trường này nghe tiếng hò hét của học sinh. Chạy ra thì thấy một nhóm 4 thanh niên đang cố gắng giằng co để bắt một nữ sinh lớp 8. Các thầy giáo can ngăn thì nhóm này lớn tiếng: "Không phải việc của mấy ông". Trước sự hung hăng của họ, chúng tôi đã phải nhờ lực lượng công an xã mới "giải cứu" được học sinh", thầy Danh kể.

Những chiếc camera lắp đặt quanh dãy nhà ký túc xá

Vì vậy, để đảm bảo an ninh trật tự trong trường cũng như kịp thời phát hiện những thanh niên lẻn vào trường bắt vợ, trường này đã lắp đặt một hệ thống camera ở quanh sân trường và khu ký túc xã để quản lý. Trường cũng yêu cầu học sinh phải báo cáo giáo viên khi phát hiện người ngoài vào trường chơi, quậy phá.

Giáo viên tuyên truyền cho các học sinh chống lại tục bắt vợ

Điều đáng buồn, ở trường thì có thể can thiệp được chứ ở nhà thì các giáo viên cũng đành chịu. "Ngoài tình trạng bắt vợ, những giáo viên ở vùng cao còn lo lắng sau mỗi dịp nghỉ tết, nhiều học sinh thấy những người đi làm ăn về có tiền, có điện thoại, quần áo đẹp, nên nghe lời rủ rê bỏ học để theo bạn đi làm. Tình trạng này cũng rất đáng lo ngại", thầy Danh nói.

Văn Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nu-sinh-dung-cam-thoat-khoi-tuc-bat-vo-dem-mung-1-tet-de-viet-tiep-giac-mo-giang-duong-2019020900215341.htm