Nữ sinh 'mất tích' vì bẫy đa cấp: 'Tất cả vì tham... '

'Vì 'tham', muốn làm giàu đến mất hết cả lý trí mới dẫn tới những hoạt động sai trái và có những sinh viên bị mất tích vì nợ nần'...

PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước về GDNN nói như vậy trước hiện tượng hàng loạt sinh viên tự nhiên "mất tích" do dính đa cấp biến tướng, phải mang số nợ lên tới hàng trăm triệu đồng.

Những sinh viên này đều tham gia vào “team khởi nghiệp 360” tại một số quận 7, 9, Tân Phú, Thủ Đức (TP.HCM) và sau đó thì bỗng nhiên biến mất trước sự ngỡ ngàng của gia đình và nhà trường.

Sinh viên giỏi tự nhiên biến mất do dính bẫy đa cấp. Ảnh: Dân Việt

Sinh viên giỏi tự nhiên biến mất do dính bẫy đa cấp. Ảnh: Dân Việt

Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho biết, nguyên nhân trước tiên là xuất phát từ tâm lý thích kiếm tiền, muốn được làm giàu, tâm lý này đến từ cả hai phía.

Theo vị chuyên gia, ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, xã hội, khi xuất hiện các "điểm nóng" thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, học sinh, sinh viên như tìm kiếm việc làm, dạy khởi nghiệp, kiếm tiền... thì đều có nguy cơ xuất hiện những động cơ xấu với ý đồ trục lợi, lợi dụng từ người tham gia.

Đánh trúng tâm lý này nên nhiều nơi, nhiều người đã khởi sướng các phong trào khởi nghiệp với mục đích lôi kéo, dụ dỗ, khiến sinh viên bị cuốn theo các hoạt động của họ. Trong số đó có cả nhiều trung tâm khởi nghiệp mặc dù không có chức năng tư vấn nhưng cũng chen ngang nhằm các mục đích phục vụ cho lợi ích của mình chứ không phải vì lợi ích, hay vì công việc của sinh viên.

Từ chỗ còn non nớt, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng sống nhưng lại có tâm lý muốn được kiếm tiền để phục vụ mục đích sống, phục vụ nhu cầu chi tiêu mà nhiều sinh viên đã bị cuốn theo, làm theo và cuối cùng đã trở thành nạn nhân bị lợi dụng.

Về phía sinh viên, ông cũng cho rằng tâm lý khởi nghiệp, ham làm giàu đó là tâm lý chính đáng nhưng ham làm giàu tới mức thích kiếm tiền nhanh, kiếm tiền dễ mà không muốn mất mồ hôi, công sức, không muốn sử dụng bàn tay, khối óc thì đó lại là "tham". Chính từ chỗ "tham" nên mới dễ bị dụ dỗ, dễ bị lợi dụng để cuối cùng cứ chạy theo đến nỗi đánh mất cả lý trí.

"Đánh bạc thì hôm nay được mai có thể mất. Vì thế cần phải hiểu rằng cái gì dễ có sẽ dễ mất. Không có công việc chân chính nào mà không phải dùng tới bàn tay, khối óc của chính mình cả", ông Tiến cảnh báo.

Còn về phía những đối tượng cơ hội, vị chuyên gia cũng thừa nhận trong một nền kinh tế thị trường đang phát triển, nhu cầu làm giàu nhanh, ham kiếm tiền nhanh sẽ lại càng phát triển mạnh. Do nắm bắt được tâm lý "tham", muốn kiếm tiền nhanh nhưng phải dễ nên mới xuất hiện những trung tâm hướng nghiệp giả mạo chào mời, lôi kéo sinh viên.

"Cả hai đều xuất phát từ tâm lý "tham", thích kiếm tiền nhanh, nhiều, dễ nên mới dẫn tới những hoạt động sai trái khiến người thì phải chịu tù tội, người bị mất tiền của", ông Tiến nói.

Từ thực tế trên, ông Tiến cho rằng cần đặt ra mấy vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất, là hệ thống tư vấn, hướng nghiệp hiện nay còn thiếu nguồn, chưa chủ động tiếp cận một cách đầy đủ với sinh viên. Bản thân sinh viên cũng không có điều kiện tiếp cận được các trung tâm hướng nghiệp chính thống để tìm hiểu, đánh giá.

"Đây chính là điểm hạn chế, vì nếu khẳng định được vai trò của các trung tâm hướng nghiệp, các sinh viên có được nguồn thông tin tiếp cận rõ ràng, cụ thể thì những nguy cơ bị trục lợi, lợi dụng sẽ ít bị xảy ra", ông Tiến nói.

Thứ hai, bản thân sinh viên cũng giống như nhiều người luôn mang theo tâm lý thích kiếm tiền và mong muốn được làm giàu. Vì tâm lý này nên khi nhận được những lời mời chào có khả năng kiếm tiền nhanh, dễ dàng lại cộng thêm tâm lý tò mò, thích mạo hiểm thì lập tức bị hút vào và cuốn theo.

"Đây có lẽ là bài học đắt giá cho sự non nớt của tuổi trẻ, do tâm lý tham nên dễ dàng bị lợi dụng", vị chuyên gia phân tích.

Về phía nhà trường, PGS Mạc Văn Tiến thừa nhận công tác quản lý sinh viên hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, trong khi các hoạt động đa cấp trá hình thường "núp bóng" những hoạt động khác tinh vi, rất khó phát hiện.

Đứng trước thực tế trên, vị chuyên gia kiến nghị các nhà trường phải tăng cường vai trò giáo dục, nâng cao nhận thức.

Tăng cường kết nối với các nhà cung cấp tư vấn khởi nghiệp chính thống như các Sở, các bộ, kết hợp tổ chức tại trường nhằm định hướng cho sinh viên tốt hơn.

Hàng loạt nữ sinh 'mất tích' vì bẫy đa cấp: Bất thường...

Đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò quản lý, PGS Mạc Văn Tiến cho rằng phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát khi phát hiện những dấu hiệu bất thường hoặc có dấu hiệu sai trái phải xử lý triệt để. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thực thi pháp luật còn cho thấy nhiều vấn đề bị buông lỏng, khiến các hành vi sai phạm bị bỏ qua hoặc xử lý chưa đủ nghiêm, không đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Điển hình như trường hợp của Alibaba, một công ty đa cấp hoạt động rầm rộ trong bao nhiêu năm, thu hút hàng nghìn người cùng với số tiền lừa đảo lên tới hàng nghìn tỉ nhưng các cơ quan quản lý không phát hiện được là một lỗ hổng lớn.

"Công tác quản lý xã hội phải chủ động, làm tốt vai trò của mình, không thể để tình trạng sai phạm rõ ràng trong suốt thời gian dài mà lại không ai hay biết.

Nếu không nâng cao trách nhiệm quản lý thì nạn nhân còn tiếp tục kéo dài và những vụ tương tự như Alibaba hay sinh viên mất tích sẽ còn tiếp tục xảy ra", ông Tiến nhận định.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nu-sinh-mat-tich-vi-bay-da-cap-tat-ca-vi-tham--3409029/