Nữ sinh viên đại học đầu tiên của làng Tu

Gói học bổng của Tập đoàn Tate and Lyle (Vương quốc Anh) trị giá 12.000 USD bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí của 4 năm đại học đã giúp cho con đường học vấn của hai nữ sinh Huỳnh Thị Ly (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) và Hoàng Thị Mỹ Linh (làng Tu, xã Ia Ga, H. Chư Prông, Gia Lai) không rơi vào ngõ cụt bởi khó khăn kinh tế và cả những hủ tục lạc hậu của buôn làng.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách VNUK, thay mặt Tập đoàn Tate & Lyle và Hội đồng Anh Việt Nam trao tượng trưng 2 suất học bổng cho 2 nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn

Săn học bổng nuôi anh học đại học

Năm học 2018 – 2019, khi gần kết thúc năm thứ nhất trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Huỳnh Thị Ly đứng trước bài toán lấy đâu ra tiền để đóng học phí cho năm học thứ 2.

“Với mức học bổng hỗ trợ SV nghèo vượt khó và cả thu nhập từ công việc bán hàng và gia sư, em cũng không đủ tiền để đóng học phí. Trong khi anh trai của em đang học năm cuối ở ĐH Y – Dược Huế, em lại không muốn thêm gánh nặng cho ba mẹ em khi mà điều kiện kinh tế gia đình còn quá khó khăn” – Ly chia sẻ.

Để không dở dang đường học, cô nữ sinh Huỳnh Thị Ly quyết định “săn” học bổng. “Ba năm học THPT, em đều nhận được học bổng hỗ trợ HS nghèo hiếu học của tổ chức Đông Tây hội ngộ. Mỗi năm học em đều cố gắng cải thiện kết quả học tập tốt hơn năm trước để ít nhất mình vẫn duy trì học bổng. Chính vì vậy, hai năm học lớp 11 và 12, mức học bổng mà em nhận được cao hơn ở năm lớp 10, với khoảng 20 triệu/năm học” – Ly kể.

Số học bổng này, ngoài việc dùng để chi phí học tập cho bản thân, Huỳnh Thị Ly đưa hết cho mẹ để gửi cho anh trai đang học đại học xa nhà.

Với học bổng Tate and Lyle hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt trong 4 năm đại học, nữ sinh Huỳnh Thị Ly có thể yên tâm học tập

Cùng với kế hoạch tìm kiếm học bổng, Huỳnh Thị Ly đầu tư thời gian tự học thêm ngoại ngữ. Ly cho biết: “Với bài luận giới thiệu bản thân khi làm hồ sơ xin học bổng của tập đoàn Tate and Lyle dành cho SV có hoàn cảnh khó khăn học tập chương trình ĐH và thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng), em rất tự tin sẽ được xét tuyển vì những cam kết của mình đã được chứng minh bằng kết quả của 3 năm học THPT”.

Chọn ngành học Khoa học máy tính tại VNUK cũng là thỏa được đam mê và nguyện vọng trước đó của Ly. “Chặng đường phía trước sẽ còn rất dài, nhưng em tin là với những nỗ lực không ngừng của mình và sự chia sẻ của cộng đồng đã tiếp thêm động lực để em có thể vượt qua được mọi khó khăn, thử thách” – Ly khẳng định như một lời cam kết, để xứng đáng với những gì mà mình đã được nhận.

Học để vượt qua hủ tục của bản làng

Một mình vượt chặng đường hơn 400km từ làng Tu, cách biên giới Campuchia 20km về Đà Nẵng làm thủ tục nhập học ngành Khoa học Y sinh tại VNUK, nữ sinh Hoàng Thị Mỹ Linh cười tươi chia sẻ: “Nếu không nhận được học bổng Tate and Lyle thì em chỉ còn cách ở nhà làm rẫy rồi lấy chồng thôi” – Linh giải thích ngắn gọn về niềm vui của mình.

Mỹ Linh là SV đại học đầu tiên của cả làng Tu và cũng là nữ sinh đầu tiên dám bước qua tục lệ của làng, bước ra thế giới rộng lớn hơn. “Ở làng em, dù khó khăn đến mấy thì con trai vẫn được bố mẹ ưu tiên cho đi học, còn con gái thì học cao nhất cũng chỉ đến lớp 9 thôi, rồi ở nhà đi rẫy và… lấy chồng. Làng em giờ vẫn còn tục lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” – Linh kể mà mắt buồn xo.

Niềm vui của Hoàng Thị Mỹ Linh khi vượt qua những hủ tục của bản làng để bước chân vào cổng trường đại học

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (ĐH Đà Nẵng): “VNUK luôn theo đuổi và thúc đẩy mục tiêu hỗ trợ nữ giới theo đuổi con đường khoa học và các ngành công nghệ. Chính vì vậy, VNUK rất vui mừng khi hai nữ sinh Huỳnh Thị Ly và Hoàng Thị Mỹ Linh chọn theo học ngành Khoa học máy tính và Khoa học Y sinh tại VNUK. Học bổng Tate and Lyle được dành cho những sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn được học tập chương trình đại học và thạc sĩ tại VNUK để có được một tương lai tươi sáng, và được quản lý bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/nu-sinh-vien-dai-hoc-dau-tien-cua-lang-tu-4023332-v.html