Nữ sinh viên y khoa chiến đấu với ung thư, phải cắt bỏ tử cung khi bước sang 22 tuổi

'Trong suốt quá trình điều trị, tôi tin tinh thần chiếm 50% chiến thắng. Dù chỉ có 1% hy vọng vẫn làm nên những kỳ tích. Vậy thì không có lý do gì để mình thất bại khi nắm chắc trong tay 50% cơ hội'

Bố mẹ mất trong một vụ tai nạn giao thông khi Dương Thị Huyền Trang mới 7 tuổi còn em gái mới lên 3. Hai chị em Trang được anh trai của bố cưu mang.

3 năm sau, bác trai của Trang ra đi vì căn bệnh ung thư. Từ đó gánh nặng lại đè nặng hơn lên vai người bác dâu. Hiểu được hoàn cảnh của mình, Trang luôn nỗ lực trong cuộc sống và học tập.

Không may, tháng 11/2017, Huyền Trang đi khám và biết mình mắc ung thư tuyến nội mạc tử cung giai đoạn 3 - một căn bệnh hiếm gặp với một cô gái chưa có gia đình và con cái. Ngày đó, Trang đang là sinh viên năm 3 của Trường đại học Y Dược Thái Nguyên.

Ngay sau đó, Trang đã bảo lưu kết quả học tập, bước vào quá trình điều trị. Trang đã phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, giữ lại buồng trứng.

Trang vừa quay trở lại trường học sau 1 năm bảo lưu và đang háo hức viết tiếp ước mơ cuộc đời mình.

“Đây giống như một thử thách, một bài test của cuộc đời mà tôi phải vượt qua”

22 tuổi. Tôi - một cô sinh viên y khoa năng động, vui vẻ, tràn đầy sức sống và đam mê, đang ngày đêm miệt mài trên con đường trở thành bác sĩ tương lai của mình.

Sẽ thật tuyệt biết bao nếu một ngày tôi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, chữa bệnh cứu người, xoa dịu đi nỗi đau cả về tâm hồn và thể xác cho những bệnh nhân của mình. Khao khát đó len lỏi đến từng tế bào, theo tôi trong từng giấc ngủ.

Cô sinh viên Dương Thị Huyền Trang

Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, cho đến một ngày, tôi được chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 3.

Tôi bị ung thư ở tuổi 22? Tôi là một trường hợp cực hiếm về thể bệnh này? Khó tin. Nhưng đó là sự thật. Một cú sốc lớn. Tôi đã bất giác rơi lệ khi nghe tin đó. Tuy nhiên, tôi cũng nhanh chóng lau đi những giọt nước mắt, trấn tĩnh tinh thần, và cười tươi trở lại.

Lại thêm một điều hết sức phi lý. Tại sao tôi lại đón nhận nó một cách bình tâm đến lạ? Có lẽ, vì tôi là một sinh viên y, tôi biết tới đây mình sẽ phải trải qua những gì? Vì tôi là một người vui vẻ nhưng cũng đầy gan góc nên tôi không cho phép mình suy sụp, và cũng có lẽ vì tôi biết mình không đơn độc trong cuộc chiến này nên tôi đã làm nên được điều kì lạ đó.

Đây giống như một thử thách, một bài test của cuộc đời mà tôi phải vượt qua.

Tôi phải tạm ngừng việc học, giấc mơ của tôi tạm gác lại. Gia đình, bạn bè, thầy cô và cả những nhà hảo tâm đã giúp đỡ tôi kiên cường vượt qua khó khăn trước mắt.

Tinh thần chiếm 50% chiến thắng

Trong suốt quá trình điều trị, tôi luôn tin tưởng tinh thần chiếm 50% chiến thắng. Dù chỉ có 1% hy vọng người ta vẫn còn có thể làm nên những kỳ tích, vậy thì không có lý do gì để mình thất bại khi nắm chắc trong tay 50% cơ hội.

Tôi đã tự nhủ bản thân mình như thế đó. Tôi luôn suy nghĩ tích cực, và luôn nở nụ cười trên môi. Sự lạc quan vui vẻ của tôi còn lan tỏa ra xung quanh, tiếp thêm niềm tin cho những bệnh nhân ung thư khác cùng điều trị với tôi.

Trang trong một lần xạ trị.

Câu chuyện của tôi khi được chia sẻ cũng là một câu truyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác. Sức mạnh của tinh thần thật sự kì diệu!

Tôi đã tiến hành điều trị gần một năm, kết quả điều trị tốt. Tuy còn hơi sớm để kết luận nhưng đây cũng là động lực để tôi cố gắng. Và cũng tới đây thôi, tôi sẽ trở lại giảng đường, viết tiếp hành trình còn dang dở của mình.

"Vì cuộc sống đâu là dễ dàng

Và những khó khăn còn vô vàn

Để thử thách ta - lòng vững vàng

Để gạt đi những hoang mang

Vì lòng quyết tâm còn vô bờ

Chặng đường bước đi còn bất ngờ

Và đỉnh núi cao vẫn đón chờ

Chờ ngày ta bước chân lên – Đón bình minh"

Đó là những lời ca truyền đầy cảm hứng trong bài hát" Đón bình minh". Tôi nghe nó mỗi khi cần lấy lại sự bình ổn trong tâm hồn, rất vui khi được chia sẻ ca khúc này tới mọi người. Hãy lắng nghe và cảm nhận nhé!

Bác sĩ Trần Vũ Quang, Khoa Sản, Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương cho biết:

Ung thư niêm mạc tử cung là gì?

Ung thư niêm mạc tử cung là khối u ác tính phát sinh tại tuyến nội mạc tử cung, là một trong những u ác tính ở cơ quan sinh dục nữ, chiếm 7% tổng số ung thư ở nữ giới, chiếm 20 - 30% u sinh dục ác tính.

Ung thư nội mạc tử cung có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào, tỉ lệ phát bệnh cao ở khoảng 59 - 61 tuổi, khoảng 50 - 70% phụ nữ mắc bệnh sau khi mãn kinh.

Nguyên nhân

Điều trị nội tiết tố thay thế: Các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này với liều cao trong một thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư niêm mạc tử cung. Rụng trứng không đều, dậy thì sớm, mãn kinh muộn và vô sinh tăng nguy cơ nhẹ.

Tuổi tác: Tuổi trung bình của phụ nữ bị ung thư là từ 50 - 70 tuổi, khoảng dưới 5% các trường hợp ung thư niêm mạc được chẩn đoán trước 40 tuổi. Trước thời kỳ mãn kinh, nếu có kinh nguyệt ra nhiều không rõ nguyên nhân thì có khoảng 10% bệnh nhân sẽ có ung thư niêm mạc tử cung về sau.

Béo phì: Béo phì làm tăng cường chuyển hóa Androstenedio ở tổ chức mỡ dưới da gây cường Estrogen là yếu tố nguy cơ quan trọng.

- Các nguy cơ khácbao gồm đái đường, không có con (phụ nữ không có con có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần phụ nữ có nhiều con).

Dấu hiệu mắc bệnh chị em cần nhận biết

- Ra máu âm đạo bất thường ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh; đau bụng; khám thực thể qua thăm âm đạo, tử cung thường trở nên to hơn bình thường, tròn và mật độ mềm không đều; cổ tử cung cũng có thể mềm.

Những người già mãn kinh lâu ngày, cổ tử cung hẹp lại và hoại tử chít hẹp làm máu không chảy ra ngoài được và có thấy tử cung căng trướng.

Những tiên lượng được cảnh báo

Sống sau 5 năm với giai đoạn 1 là 75 - 95%, khoảng 90% các trường hợp tái phát xảy ra trong khoảng thời gian dưới 5 năm.

Đối với giai đoạn 2, tỉ lệ này là 50 - 60%, giai đoạn 3 là khoảng 30% và giai đoạn 4 là khoảng 5 - 10%.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/nu-sinh-vien-y-khoa-chien-dau-voi-ung-thu-phai-cat-bo-tu-cung-khi-buoc-sang-22-tuoi-d14484.html